Aa

Sửa Nghị định 20: "Mở hồi tố nhưng chớ đóng thời hạn"

Thứ Năm, 23/04/2020 - 16:35

Đồng tình với phương án hồi tố, nhưng, LS Đức cho rằng, không nên "đóng thời hạn" cố định 5 năm cho việc bù trừ thuế mà cần áp dụng quy định được bù trừ trong thời hạn 10 năm theo khoản 1 Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019.

Reatimes xin giới thiệu phân tích, bình luận của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định 20.

Tưởng rằng vướng mắc giới hạn chi phí lãi vay của doanh nghiệp đã được tháo gỡ sau khi Thủ tướng đã chỉ đạo 3 lần và còn ra “tối hậu thư” phải ban hành Nghị định sửa đổi vào ngày 20/4, nhưng rồi, vấn đề vẫn khó cởi là bởi vì có thể bị gỡ nhầm nút thắt.

Sự áp đặt cứng nhắc và nguồn cơn của những rắc rối trong sửa đổi

Sở dĩ, những vấn đề vẫn còn vướng mắc sau 3 năm trời và tiếp tục được nhắc đến trong phương án trình lên Chính phủ của Bộ Tài chính là vì cách tiếp cận vấn đề không hợp lý.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng, chuyển giá hay không chuyển giá thì chi phí lãi vay cũng đều phải là hợp pháp, hợp lệ. Tuy nhiên, nếu không có yếu tố chuyển giá, thì chi phí vốn vay bao nhiêu cũng phải công nhận. Còn nếu như, có yếu tố chuyển giá, tức là chỉ kiểm soát được một phần quá trình hình thành chi phí vốn vay, thì mới bị áp đặt thêm một tỷ lệ khống chế nào đó mà thế giới cũng làm thế.

Giới hạn chi phí lãi vay chỉ đặt ra đối với các doanh nghiệp khi có đồng thời 2 điều kiện cần và đủ là: Có giao dịch liên kết và có yếu tố chuyển giá. Nhưng trên thực tế, quy định này đang bị hiểu và sử dụng một cách áp đặt, cứ có giao dịch liên kết là bị áp đặt trần chi phí vốn vay, dù cho doanh nghiệp có hay không có yếu tố chuyển giá. Đây chính là nguồn cơn của mọi vấn đề, dẫn đến sự rắc rối, phức tạp và lúng túng trong việc xử lý.

Theo phương án sửa đổi của Bộ Tài chính, sẽ là “nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, đồng thời, áp dụng cách tính chi phí lãi vay cho trừ lãi tiền gửi, lãi cho vay”. Theo đó, sẽ cho hồi tố khoảng 4.875 nghìn tỷ đồng, đây là số liệu trong hai năm 2017 và 2018 do Bộ Tài chính công bố. Riêng số liệu năm 2019, đến nay đã hết thời hạn lập Báo cáo tài chính, thì cũng đã có cơ sở để xác định và cũng chỉ cần ở mức ước tính mà thôi.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC

Ngoài các khoản thuế đã nộp cần được hồi tố thì cũng cần phải xử lý cả một số trường hợp nợ đọng chậm nộp thuế có thể do còn chưa xác định rõ ràng hay hy vọng rằng sẽ không phải nộp hoặc đơn giản là không có tiền để nộp trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay. Khi đó, thì không nên bắt doanh nghiệp phải nộp tiếp, đồng thời, cũng xem xét miễn giảm áp dụng lãi suất chậm nộp.

Cần áp dụng quy định được bù trừ trong thời hạn 10 năm!

Số tiền thuế bị thu không hợp lý phải được coi như là số tiền đã nộp thừa vào Ngân sách Nhà nước. Như vậy, cần áp dụng quy định được bù trừ trong thời hạn 10 năm kể từ khi đã nộp tại khoản 1, Điều 47 về "Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa” trong Luật Quản lý thuế 2019, chứ không chỉ áp dụng trong 5 năm như đề xuất của Bộ Tài chính.

Thời hạn 10 năm cũng đang được áp dụng đối với việc kiểm tra hồ sơ hoàn thuế và việc phải nộp đủ số tiền thuế thiếu do trốn, gian lận, chậm nộp kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, cho dù đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm, theo quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 60 về “Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế” và khoản 3, Điều 110 về “Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế” trong Luật Quản lý thuế 2019 hiện hành.

Đặc biệt, cũng cần áp dụng theo quy định tại Điều 47 nêu trên, có thể bù trừ thuế thu nhập doanh nghiệp với các khoản phải nộp ngân sách khác như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, tiền sử dụng đất, phí, lệ phí và kể cả tiền phạt.

Cuối cùng, việc cho phép hồi tố, bù trừ như trên là khó cho Ngân sách Nhà nước cũng như Bộ Tài chính, nhưng quy định và áp dụng sai thì phải sửa, chưa nói chuyện bồi thường. Bản chất, đây là việc sửa sai cần thiết chứ không phải là sự ưu ái, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Vì vậy, cần xem xét không áp đặt giới hạn chi phí lãi vay vượt trên 30%, đồng thời, cho hồi tố đối với các trường hợp không có yếu tố chuyển giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top