Aa

Tết và nhịp phách tâm hồn

Thứ Năm, 03/02/2022 - 06:16

Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống.

Một Tết Nguyên Đán nữa lại đến với người Việt. Tôi từng bần thần khi gỡ những từ lịch cuối cùng, cẩn trọng treo tờ lịch năm mới lên đón chào ngày đầu năm Dương lịch. Tay “mở” block thật nhiều cảm xúc. Từ đó đến ngày Tết âm, cứ bồi hồi khi mỗi ngày rơi xuống.

Khi tôi viết những dòng này thì tiết trời, gần như đã báo hiệu sang Xuân. Bước chân người, bánh xe lăn trên đường phố, dường như gấp gáp hơn. Hoa, cây cảnh... đã ùa vào mọi ngõ ngách “ngõ nhỏ, phố nhỏ”.

Tết Nguyên đán với người Á đông nói chung, với người Việt nói riêng quá đỗi thiêng liêng. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở đâu ai cũng đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, mở cánh cửa nhà thờ Tổ, bước đi trên những con đường năm tháng, thắp hương cho người quá cố ở nghĩa trang.

Giếng nước, mảnh sân nhà, vườn cây, ao cá… làm ta bồi hồi như được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Tàu xe, vì thế năm nào cũng đông, kẽo kẹt... Gian khổ dặm đường trở thành “chuyện nhỏ”.

Ảnh: Internet.

Tôi cũng như bao người “hóng” Tết để về quê. Cuộc đời thật có nhiều kỷ niệm trên những chuyến tàu về quê dịp Tết. Những ngày xa xưa thật khó khăn, nhưng hễ gần Tết ký ức ập về như mới hôm qua. Mua được vé tàu, xe đã nan giải. Xếp hàng chờ có tàu cũng không kém phần nan giải. Có những Tết, đoàn người rồng rắn xếp hàng qua nhiều từ Phan Bội Châu, xuống Trần Hưng Đạo nhìn về phía cửa ga. Có năm xếp hàng từ Yết Kiêu, rồng rắn dọc Nam Bộ, ngâm chân dưới rãnh nước thối, nhấc từng bước về phía cửa ga. “Thông báo quý khách, do tàu về muộn, hiện chưa có lịch chạy. Nhà ga sẽ thông báo tiếp...”, sau những tiếng loa, lúc rõ, lúc không là tiếng thở dài thườn thượt. Những năm gian khó, con người kiên nhẫn đến lạ lùng.

Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên… gặp ruột rà, gặp bạn, gặp cô gái trường làng mắt hạt nhãn năm nao. Không thể không có mặt ở quê những ngày Tết.

Tôi đã từng kiên nhẫn ngoài tưởng tượng. Toa tàu ngày Tết chật như nêm, nhiều khi chỉ đứng được một chân giữa điểm nối hai đầu toa xe. Ngày xưa, các toa tàu cũ, gọi là “tàu chợ”, hành khách nhốn nháo như “họp chợ”. Rất nhiều thanh niên, trong đó có tôi phải chọn giải pháp leo lên nóc toa tàu, nằm bệt trên nóc giữa gió, sương. Giáp Tết thường mưa lạnh đến thấu xương. Cuộn manh ni lông vào người, cứ thế giao phó số phận cho may rủi. Con đường từ Hà Nội về Vinh thật xa, nhiều chuyến tàu chạy từ ga Hàng Cỏ về đến ga Vinh mất một ngày rưỡi. Mệt mỏi, nhưng đến được ga Vinh, cảm giác hạnh phúc tràn ngập.

Ảnh: Internet.

Tết là ngày đoàn tụ, không chỉ với người đang sống. “Con nhớ sang nghĩa trang, dọn dẹp, thắp hương mời Tổ tiên về ăn Tết”, cha tôi bao giờ cũng dặn dò vào ngày 28 Tết. Nhà nào cũng lo lắng vậy, nên chốn nghĩa trang những ngày trước Tết cũng là nơi gặp gỡ không chỉ dương âm mà còn là gặp những người xa quê mới về. Cũng chẳng có việc gì nhiều, năm thì quét vôi, dọn cỏ, xong thắp hương mời cụ kỵ, ông bà... Theo tâm linh, có làm thủ tục “khấn” thì mộ/ mả mới “mở cửa”, linh hồn những người đã khuất mới về được. 

Việc âm, việc dương phải cùng trọn vẹn!

Tôi thường giúp cha mẹ, như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến, lư hương, đồ thờ cúng khác được đánh bóng. Bàn ghế tủ giường được lau chùi sạch sẽ. Dù sống qua nhiều năm tháng gian khó, cha tôi không bao giờ quên ra chợ phiên 27 Tết mua sắm cờ hoa về trang hoàng nhà cửa. Đó là những năm thịnh hành của câu đối và hoa giấy.

Giữa “gian bảy” - tức là gian chính, cha trang trọng một dãy quốc kỳ bằng giấy của 13 nước xã hội chủ nghĩa anh em; phía dưới và chính giữa là ảnh Bác Hồ, hai bên là bộ ảnh xuân, hạ, thu, đông. Mặt tường khác nhiều khi là ảnh các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... mặt khác là những bức tranh giấy cá chép, chim én và mùa xuân. Thật đẹp, đẹp đến lộng lẫy, dù chỉ là ảnh in trên chất liệu giấy. 

Ảnh: Internet.

Trong nhiều lo lắng của mẹ, có việc mua sắm cho đàn con “bộ cánh” mới. Sáng 30 Tết. mẹ đã cho mặc, mẹ cẩn thận cài từng chiếc cúc áo, xoay con trẻ từ trước ra sau, ngắm nghía. Mặc áo cho con xong mẹ thường hôn mỗi đứa một hơi thật dài rồi bảo: “Bọn con ra ngõ mà chơi, để mẹ còn lo việc”. Chỉ chờ mẹ nói thế, tôi và mấy em chạy ùa ra ngõ, ra đường làng, xúm xít cùng chúng bạn.

Rõ ràng, Tết nguyên đán là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn… Không chỉ ngày xưa, bây giờ vẫn thế. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối quan hệ được tốt đẹp. Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới. Mang “nợ” sang năm mới là không được rồi. Nợ nần ở nông thôn thời nghèo khó, có khi chỉ là vài bơ gạo, ít khoai lang khô... vay nhau kỳ giáp hạt.

Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.

Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.

“Duy, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, khi cha tôi cất tiếng đầu tiên đọc bài cúng, tôi đã nhận ra sự thiêng liêng. Cha thường cúng bằng bài khấn cổ truyền, xưng với Tổ tiên, bắt đầu từ tên nước, rồi tỉnh, huyện, xã, không phải bài cúng như bây giờ. Tôi nghe rõ mồn một, nuốt từng lời. Trước khi đọc cũng như sau khi kết thúc bài cúng, cha quỳ xuống, thực hiện nghi lễ “bốn cúng, ba lạy”. Cảm giác trời đất, âm dương thật gần. Tôi từng nghe rằng, người đã khuất vẫn không mất đi, dù trong cõi hư vô nhưng Tổ tiên, ông bà vẫn chứng kiến, nhắc nhở con cháu. Với những người “thiêng” thường báo mộng việc này, việc khác.

Ảnh: Internet.

Cứ thế, từ lễ tuế trừ cáo tế, cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên lúc nào cũng phảng phất. Dường như có cả không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Để rồi, sau Tết Nguyên Đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.

Tết gần như là “sinh nhật” của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau “thêm một tuổi”. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi, còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc.

Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng để ăn Tết… Cơ quan tôi, năm nào cũng vậy, ngày làm việc đầu tiên của năm mới bao giờ cũng từng người kể chuyện Tết quê. Mỗi người kể câu chuyện thú vị nhất khi cùng gia đình về quê ăn Tết. Cứ thế mà nhiều khi có đủ Tết ba miền Bắc - Trung - Nam trong ngày gặp gỡ.

Xuân của đất trời. Xuân của lòng người. Với những người đang yêu nhau, mùa xuân thật tuyệt, Tết thật tuyệt.

“Trong mắt em ngân ngấn đầy sao / sao anh và sao em / con đường đơm hoa gấm / cứ nở thế như cuộc đời này dâng tặng / Mùa xuân...” (Khai xuân, thơ Ngô Đức Hành). Cuộc sống bây giờ đã khác đi rất nhiều cả vật chất lẫn tinh thần, tuy nhiên những giá trị thuộc về văn hóa, tâm linh thuộc về “giá trị Việt” còn mãi đó. Tết đến, cứ gõ vào tâm thức... cồn cào!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top