Tôi có niềm vui thả bộ dọc chợ tạm gần nhà. Đã sang những ngày tháng đầu tiên của năm 2022, đất trời dường như vẫn còn hồi hộp với cảm xúc năm cũ vừa qua. Những ngày này Hà Nội rét đậm. Mặt trời vẫn lên, rổn rang trên từng nóc phố nhưng uể oải hơn. Chẳng còn bao lâu nữa đã là Tết Nhâm Dần. Một năm lại khởi đầu từ mùa xuân.
Con phố gần nhà tôi, nơi có chợ tạm Vĩnh Hồ, có hình thước thợ. Đỉnh bắt đầu từ phố Tây Sơn, mép ngoài của “thước phố” là đường Thịnh Quang. Những thời sáu mươi của thế kỷ trước, vùng đất này vẫn còn là cánh đồng nông nghiệp trù phú của Hà Nội. Cư dân chủ yếu là nông dân. Đình Thịnh Quang, di tích được xếp hạng thờ Thành hoàng làng này, một trong những làng quê trù phú. Dẫn dắt một chút như thế, vì dự cảm rằng, đã thành phố từ lâu, nhưng hồn vía làng, không thể mất.
Những năm bảy mươi, những ruộng lúa vùng này được san lấp, nhường chỗ cho những khu tập thể lắp ghép Vĩnh Hồ, Thịnh Quang. Những người nhiều đời ở đây, vẫn còn nhớ chuyện, khi đào móng, san ủi nền, lươn, chạch đâu mà lắm thế. Vàng ươm, căng mẩy. Những người cùng tuổi tôi, bây giờ vẫn tám chuyện đi bắt về nhậu đến mấy ngày, không hết.
Thói quen đi chợ của tôi, có lẽ cũng xuất phát từ gốc gác nhà quê của mình. Tôi đi không phải để bán, để mua mà thú vui chỉ là ngắm “khuôn mặt chợ”. Những người có nhà mặt phố Vĩnh Hồ, chủ yếu cho thuê. Cư dân ngoại thành mang đầy đủ sản vật từ đồng bãi, dân chợ búa mở đủ ngành hàng... cung cấp cho nhu cầu muôn mặt của thị dân. Mùa nào thức ấy, mùa nào hoa ấy.
Hà Nội có hàng trăm chợ cóc như chợ Vĩnh Hồ này, nếu không muốn nói cả ngàn. Chợ cóc, chợ tạm đã và đang là một phần của Hà Nội. Đến Hà Nội, ai mà không nhận ra chợ cóc, chợ tạm? Những nhà quản lý đô thị, quản lý giao thông, nhiều lần “la” lên rằng, chợ cóc, chợ tạm không chỉ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường đô thị, an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác đối với người dân.
Hà Nội, cũng như nhiều đô thị lớn, hàng năm đều rất mệt mỏi mở các đợt triển khai cao điểm lập lại trật tự đô thị, trong đó có “dẹp chợ”. Khi vào “cao điểm” thì tạm lắng, hết đợt đâu lại vào đó, giống “đá ném ao bèo”. Nhiều con đường ngay trong nội đô tấp nập người mua bán các loại mặt hàng phục vụ đời sống của người dân. Những phản thịt, những hàng hoa quả, hàng rau… thi nhau “trăm hoa đua nở” bày tràn lan vỉa hè, lòng đường nhiều nơi.
Vì sao, cư dân Hà Nội chấp nhận chợ cóc, chợ tạm? Điều này xuất phát từ “văn hóa đi chợ” của cư dân. Người Việt dù sống ở thành phố nhiều đời nhưng “văn hóa làng” không mất. Cứ thử nhìn xem, cứ có “mẹt” hàng giảm giá, “xả hàng” hoặc “sales” là người lớp trong, lớp ngoài. “Văn hóa làng” thờ chữ “tiện”. Gần như chỗ nào người ta cũng có thể bán hàng, chỗ nào cũng có thể dừng xe lại để mua. Chính vì tâm lý này, nó dễ gặp gỡ với các sắc màu lý do khác mà chợ cóc, chợ tạm ngày càng gia tăng và xuất hiện ở nhiều nơi.
Tôi nhớ, hồi đi tìm hiểu về câu chuyện không hề nhỏ là quy hoạch chợ truyền thống của Hà Nội, PGS. TS. Tô Thị Minh Thông, Ủy viên Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Đại bộ phận các bà nội trợ vẫn thích mua ở chợ. Người mua sắm tại siêu thị lại là người trẻ và thu nhập khá. Chúng tôi dự báo mạng lưới chợ truyền thống vẫn tồn tại lâu dài với người dân Hà Nội”.
Tất nhiên, chợ truyền thống đang nói ở đây mang “bản sắc Việt” chứ không phải chợ cóc, chợ tạm trên các hè đường, ngõ, phố.
Hà Nội đã từng có nhiều nỗ lực “cải tạo” chợ truyền thống, với nhiều hy vọng, trong đó có việc “dẹp” chợ cóc, chợ tạm bằng nỗ lực xây dựng. Giải pháp là cho các đại gia nhảy vào, bởi chợ truyền thống, do lịch sử để lại thường ở các khu vực “đất đẹp”, thời thị trường mỗi mét vuông đất có “giá kim cương”. Từ năm 2010 chợ Hàng Da, Cửa Nam, chợ Hôm – Đức Viên; năm 2014 chợ Mơ đã biến thành trung tâm thương mại đa năng (chợ truyền thống, văn phòng, căn hộ, siêu thị...).
Câu chuyện chợ truyền thống chuyển đổi thành trung tâm thương mại không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, cách làm vẫn từ xửa từ xưa, vẫn là chủ quan thay đổi để rồi nhận ra là nó không phù hợp với thị trường. Dường như những nhà quản lý luôn “mắc bẫy” các nhà đầu tư. Họ kiên quyết nhảy vào, nói là xây trung tâm thương mại, nhưng kinh doanh được không họ ít quan tâm, mấu chốt là được sở hữu miếng đất ấy đã, về sau tính làm chuyện khác. Mục đích của họ là đất, được che đậy sau các vỏ bọc vì mỹ quan, văn minh đô thị trong việc cải tạo chợ truyền thống.
Hà Nội từng có tham vọng xây dựng lại tất cả các chợ truyền thống thành trung tâm thương mại theo kiểu “2 trong 1”, nhưng rồi cũng hỏng. Điển hình cho “thất bại” là xây dựng chợ Hàng Da và chợ Cửa Nam thành trung tâm thương mại cao tầng. Khi xây xong, người dân không hề mặn mà, tiểu thương thì rơi vào cảnh ế ẩm kéo dài. Rất nhiều hộ kinh doanh đã buộc phải dừng buôn bán vì không còn khách.
“Gia đình tôi kinh doanh tại chợ Hàng Da tính đến nay đã gần 30 năm, nhưng phải nói thẳng, hiện nay việc buôn bán chỉ bằng 20% so với thời điểm trước khi xây chợ. Đây từng là nơi buôn bán tấp nập đứng thứ nhì quận Hoàn Kiếm, chỉ sau chợ Đồng Xuân, nhưng kể từ khi xây dựng thành trung tâm thương mại thì số lượng khách suy giảm nghiêm trọng”, một tiểu thương ki ốt thực phẩm chợ Hàng Da, từng than phiền khi tôi lọ mọ cho chuỗi bài điều tra mới cách đây vài năm.
Trung tâm thương mại Chợ Mơ, làm sau nên có học tập được kinh nghiệm “thất bại” của nhiều dự án nên dành tầng bán hầm để duy trì chợ truyền thống nhưng ế ẩm vẫn là ế ẩm. Điều này giải thích vì sao, đã từng có dự án xây dựng lại chợ Ngã Tư Sở theo mô hình trung tâm thương mại hiện đại kết hợp chợ truyền thống nhưng bà con tiểu thương phản ứng rất dữ dội. Họ nói rằng, chợ phải đúng nghĩa là chợ chứ không thể kết hợp theo kiểu “2 trong 1” vì đơn giản là chợ sẽ không thể cạnh tranh được với trung tâm thương mại. Đấy là chưa nói đến nạn chợ cóc tràn lan không thể được kiểm soát, cạnh tranh khốc liệt mà “phần thua” chắc chắn thuộc về trung tâm thương mại và chợ truyền thống.
“Văn hóa đi chợ” có sức sống thật lâu bền. Thu nhập của phần đông người dân Hà Nội có thể nói chưa tương thích với trung tâm thương mại. Mô hình nào thì chưa ai nghĩ ra? Có lẽ rất ít bà nội trợ đi chợ hàng ngày, hỏi người bán về nguồn gốc của thực phẩm, rau xanh, cứ thấy tươi, giá cạnh tranh, tiện lợi là xách về. Có lẽ vì thế, siêu thị trong các trung tâm thương mại, từ chưa có sao đến năm, sáu sao, chỉ mới hướng đến phân phúc cho những bà nội trợ từ tầng lớp trung lưu, “cư dân Tower” biệt lập, khép kín.
Đô thị Việt Nam, ngay ở hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, có lịch sử hơn trăm năm phát triển, nhưng khuôn mặt làng không khó nhận diện. Cư dân đô thị, dẫu là trung lưu, nhưng có thể hôm qua còn ở làng quê, hôm nay họ đã là những người chủ trong những căn hộ, biệt thự cao cấp vốn đang ngày càng phát triển.
Tôi có một người bạn vốn là một quan chức ở một tỉnh miền núi, sau khi chuyển về Hà Nội, vợ chồng anh mua ngay 3 căn hộ cao cấp ở khu Royal City. Bố mẹ ở căn cưới, vợ chồng hai con trai ở hai căn phía trên, cùng một tháp. “Mỗi bữa nếu có nồi canh ngon, món gì ngon, bà lại gọi hai đứa con dâu xuống lấy”, bạn tôi nói về sự tiện, ấm cúng như vậy. Đấy là “văn hóa làng” bao giờ cũng đề cao giá trị nương tựa, “tắt lửa tối đèn có nhau”. Không gian làng trong không gian phố vì thế, vẫn “tân cổ giao duyên”. Nó khác hoàn toàn với “văn minh công nghiệp” là đề cao giá trị dịch vụ, bảo hiểm.
Hà Nội xưa gọi là Kẻ Chợ, nhưng thành phố nào chẳng bắt đầu từ “kẻ chợ”, nơi hội tụ các ngành nghề, nơi mua bán, đáp ứng nhu cầu của thị trường qua các thời kỳ? Dòng chuyển dịch tự nhiên của dân cư bao giờ cũng “từ quê ra tỉnh”. Thế nên, thành thị hóa nông thôn và ngược lại vẫn song hành giao thoa.
Đường tới “thành phố” đúng nghĩa là một hành trình, không đơn giản. Tôi cứ ngắm ngõ chợ mỗi ngày và miên man, cô độc.../.