Aa

Thạch Thất (Hà Nội): Mảnh đất “nở rộ“những homestay không phép

Nam Khánh
Nam Khánh hosoreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 04/04/2023 - 16:05

Những homestay “mọc lên như nấm sau mưa ” trên đất nông nghiệp tại Thạch Thất (Hà Nội) hiên ngang hoạt động, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý của chính quyền sở tại.

“Thiên đường” homestay “nở” trên đất rừng, đất nông nghiệp, đất khai hoang

Chỉ cần search từ khoá “homestay Thạch Thất”, kết quả tìm kiếm trên mạng xã hội đưa ra cho bạn rất nhiều lựa chọn. Với mức giá từ 500.000 - 2 triệu đồng/ngày, những homestay tại Thạch Thất được quảng cáo là “chốn nghỉ dưỡng yên tĩnh ngoại ô, chỉ cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, đầy đủ tiện ích”.

Khảo sát thực tế cho thấy, không khó để tìm kiếm homestay cho ngày nghỉ dưỡng cuối tuần tại Thạch Thất bởi mô hình kinh doanh này "mọc lên như nấm". Đơn cử chỉ riêng xã Tiến Xuân, hàng chục homestay quy mô rộng tầm vài ha được xây dựng san sát cùng các công trình lưu trú có hệ thống tiện ích như bể bơi vô cực, bếp BBQ, khu vui chơi trẻ em, bida, phòng hat karaoke, nhà hàng…

homstay
Một căn homestay của khu Villa H&T  tại xã Tiến Xuân - Huyện Thạch Thất ( Ảnh: Linh Giang)

Theo anh Mạnh - nhân viên khu Villa H&T cho biết, Với diện tích trên 3ha, hiện cơ sở có 15 phòng  đang hoạt động. Giá trung bình từ 2-4triệu/phòng/đêm. Khu có phòng sinh hoạt chung cho cả nhóm lên tới hơn 40 người, giá khoảng 15-20 triệu đồng/ đêm.

Phản ánh của người dân xung quanh cho thấy, homestay nở rộ trong vòng 3-4 năm trở lại đây. Phần lớn các homestay được xây dựng trên phần đất vườn, đất rừng. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ tiền ra mua 2000-3000m2 đất, với một phần nhỏ diện tích đất thổ cư, phần lớn đất nông nghiệp, đất rừng đã có thể xây dựng các công trình lớn trên đất như villa, bungalow, hay bể bơi, sân chơi…

thạch thất
Hàng loạt homestay được đầu tư cẩn thận mọc cách nhau san sát (Ảnh Linh Giang)

Để xây dựng căn villa, đầu tư tiện ích đẹp, tạo ra góc ngắm cảnh dành cho khách nghỉ dưỡng, một số chủ đầu tư homestay còn tiến hành bạt đồi, hạ cốt nền. Đơn cử như sát Núi Vua Bà, hồ Cố Đụng là homestay Hoa Đào. Gần khu vực Suối Ngọc có homestay Mayfair Homestay, Vườn Mây Homestay, Dechiu Art Villa, hay đi dọc ĐT 446 có Hoàng Long Homestayhay Dreamer Lodge nằm ở thôn Cố Đụng. Men theo đường Bãi Dài, có homestay Sun Hill. Đối diện núi Hoà Quang, HT Garden Resort cũng là homestay được quảng cáo rầm rộ. Cách chừng vài chục mét  là Sam Villa… Một số homestay xây dựng ngay trên sườn đồi, với nhiều hạng mục công trình như khu vui chơi, nướng BBQ.

Dù vận hành cho khách thuê lưu trú qua đêm, cũng như cung ứng dịch vụ tiện ích khác như nhà hàng, hát karaoke,… nhưng phần lớn homestay đều không đáp ứng đầy đủ giấy tờ pháp lý bắt buộc đối với đơn vị kinh doanh.

Hệ luỵ của trào lưu dựng homestay trên đất rừng, đất nông nghiệp

Những quả đồi bị san lấp, những con suối bị tận dụng “biến” thành “của riêng” để phục vụ cho khách thuê, hay các công trình bê tông sừng sững trên đất…. đã không còn hiện tượng mới thấy tại huyện Thạch Thất khi tình trạng này xảy ra và kéo dài nhiều năm. Thậm chí, các công trình homestay chỉ gia tăng theo cấp số nhân, vẫn “hiên ngang” hoạt động kinh doanh. Ngay cả trước đó,báo chí đã phản ánh và đặt ra nghi vấn vi phạm pháp luật. Nhưng có lẽ do công việc quá bận nên lãnh đạo đơn vị sở tại, cụ thể ở đây là chính quyền huyện Thạch Thất không thấy được tình trạng hiện hữu rõ ràng này(?). 

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu rằng các đơn vị kinh doanh cho thuê, lưu trú mới mọc lên như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển H&T Việt Nam (Villa H&T); Sam Villa; Bin Villa; Helen Garden v.v...đã có đủ giấy tờ pháp lý  như Giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm cùng một số giấy tờ bắt buộc khác hay chưa? Diện tích đất xây dựng có chồng lấn đất rừng, đất quốc phòng, đất giáo dục, đất nông nghiệp ....hay không?

Trước hàng loạt vấn đề bất cập với nhiều câu hỏi,  PV đã liên hệ đến ông Nguyễn Mạnh Hồng- Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất thì được cho biết rằng: "đang thanh tra" và không nói gì thêm.

Luật sư nói gì?

Liên quan đến tình trạng các công trình homestay lưu trú mọc lên đất rừng, đất nông nghiệp, các luật sư cho rằng, đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch trả lời phỏng vấn báo chí đã nhấn mạnh, đối với đất rừng sản xuất, quy định của pháp luật là tuyệt đối nghiêm cứu mọi hoạt động xây dựng trên đất. Theo ông Tuấn Anh, việc nhiều người mua đất rừng sản xuất xây farmstay, homestay vừa để ở, nghỉ dưỡng và kinh doanh là hành vi vi phạm pháp luật. 

Theo luật sư Tuấn Anh, việc xây dựng trên đất rừng bắt buộc phải được cơ quan Nhà nước cho phép, phải được chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, đất rừng lại ‘mọc’ nhà trên đó là không phù hợp quy hoạch nên rất khó chuyển đổi. 

Cũng theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP. Hà Nội), đất rừng được giao cho các hộ dân tại khu vực sử dụng để trồng rừng. Đất rừng sản xuất phục vụ mục đích phát triển kinh tế nên không bị hạn chế về quyền chuyển nhượng. Chủ sở hữu có thể bán lại cho người mua khác. Nhưng người sở hữu phải sử dụng đúng mục đích của công năng đất. 

Trường hợp, người bán quảng cáo xây dựng homestay hoặc các công trình khác là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Theo luật sư Vinh, việc cố tình xây dựng nhà trên đất rừng sẽ bị phá dỡ. 

Ngoài việc vi phạm pháp luật khi xây dựng homestay trên đất rừng, đất nông nghiệp, các chuyên gia còn khuyến nghị: “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng” trước tình trạng các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú không cung cấp giấy tờ pháp lý hoạt động. Khi chính quyền Thạch Thất còn làm ngơ, sự bát nháo trong quản lý trật tự kinh doanh và xã hội sẽ để lại hệ luỵ khó lường.

Mới đây trong công văn gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Việc để tình trạng này kéo dài trong thời gian vài năm nhưng vẫn không xử lý dứt điểm tại Thạch Thất, giới chuyên gia cho rằng, cần sự vào cuộc sớm của các cơ quan chức năng thanh tra, xử lý, khắc phục và chấm dứt tình trạng xây nhà trên đất rừng, hoạt động kinh doanh các cơ sở lưu trú không tuân theo quy định của pháp luật. Không chỉ riêng Thạch Thất mà tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung đều cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng, kinh doanh, nhằm đảm bảo việc thượng tôn pháp luật, tránh xảy ra hệ luỵ kéo dài cũng như tình trạng “bao che”, “làm ngơ” hay “tham nhũng” đằng sau hiện tượng sai phạm.

Huyện Thạch Thất báo cáo gì với Chủ tịch Hà Nội về việc rà soát dự án

Sáng 4/4, tại cuộc họp với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, UBND huyện Thạch Thất cho biết trên địa bàn huyện có 28 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, chia làm 2 nhóm, trong đó đề nghị thu hồi đất, hủy quyết định thu hồi đất, chấm dứt hoặc rà soát với 15 dự án; tiếp tục rà soát các thủ tục với 13 dự án.

Tại cuộc họp, huyện Thạch Thất đề nghị thực hiện thủ tục thu hồi đất đối với 9 dự án đã có quyết định chấm dứt việc giao đất của UBND thành phố. Huyện cũng đề nghị tiếp tục rà soát các cơ sở pháp lý của dự án làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo đối với 4 dự án (2 dự án của Doanh nghiệp tư nhân chè Minh Nguyệt, dự án Cty TNHH MTV SUDICO Tiến Xuân, dự án của Cty cổ phần Xây lắp và Thương mại Hoà Bình); trong đó, có 2 dự án đề nghị UBND thành phố xem xét vị trí phù hợp với mục đích sử dụng đất tại Quy hoạch khu đô thị Hoà Lạc (dự án Khu đô thị Tiến Xuân của Cty TNHH một thành viên SUDICO Tiến Xuân, dự án Xây dựng nhà vườn của Cty cổ phần Xây lắp và Thương mại Hoà Bình).

Huyện cũng đề nghị UBND thành phố ban hành quyết định chấm dứt việc giao đất đối với 2 dự án thuộc Cty TNHH Phú Đạt (nay là Cty TNHH Phú Đạt Hoà Bình) và Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường.

UBND huyện Thạch Thất đề nghị Chủ tịch UBND thành phố, Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án chậm triển khai vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố, quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, kiên quyết thu hồi, chấm dứt và hỗ trợ thu hồi các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ỳ, kéo dài và coi đây là việc làm thường xuyên, định kỳ hằng năm. Ông Thanh nêu, với các dự án đầy đủ thủ tục thì cho triển khai ngay theo phân kỳ và từng bước.

Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu thống kê, phân loại các dự án theo quy định, lựa chọn địa phương còn tồn tại nhiều dự án để kiểm tra, rà soát. Trước mắt tập trung kiểm tra, xử lý các dự án lớn chậm triển khai và phân cấp, phân rõ trách nhiệm cho từng đơn vị.

Ông Thanh nhấn mạnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng cũng quyết liệt thu hồi ngay các dự án chậm triển khai… Dù dự án quan trọng đến đâu cũng không để tổn hại đến lợi ích của người dân.

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top