Aa

Bài 4: Chủ tịch huyện Sóc Sơn yêu cầu xử lý, cưỡng chế homestay “mọc” trên đất quy hoạch đất quốc phòng

Chủ Nhật, 19/06/2022 - 06:15

Một tổ hợp nghỉ dưỡng homestay "mọc" trái phép trên đất quy hoạch là đất quốc phòng tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm.

“Trường hợp này dứt khoát phải cưỡng chế”

Như Reatimes đã phản ánh, tình trạng vi phạm xây dựng trên địa bàn xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) thời gian qua có diễn biến phức tạp, nhưng không được chính quyền địa phương xử lý triệt để. Theo ghi nhận của PV, nhiều khu vực người dân ngang nhiên san gạt, hạ cốt nền đất rừng, thậm chí xây dựng cả một khu nghỉ dưỡng, homestay trên đất quy hoạch là đất quốc phòng (di dời Trung đoàn 165) thuộc thôn Phú Ninh, xã Minh Phú.

Trước nội dung phản ánh trường hợp vi phạm trong việc sử dụng đất nêu trên, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn thông tin: “Về trường hợp vi phạm trên, UBND xã Minh Phú đã thiết lập hồ sơ đến bước ban hành quyết định cưỡng chế. Về phía UBND huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND huyện (ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn – PV) giao, yêu cầu xây dựng và tổ chức cưỡng chế ngay trường hợp đấy”.

Xây dựng trái phép đất rừng sóc sơn
Tổ hợp nghỉ dưỡng homestay cùng nhiều công trình khác tại xã Minh Phú đã dễ dàng "qua mặt" chính quyền xã và Tổ Quản lý trật tự xây dựng huyện đóng tại địa bàn xã.

Theo quan điểm của lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn và các phòng ban chuyên môn, đơn vị này sẽ kiên quyết xử lý triệt để công trình vi phạm là khu nghỉ dưỡng homestay được thi công trên đất quy hoạch là đất quốc phòng. “Trường hợp này, dứt khoát phải cưỡng chế. Chủ tịch huyện đã chỉ đạo trực tiếp. Ở đây, có công trình xây dựng thì Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện tham mưu, đôn đốc”, vị này nói.

“Đối với góc độ của Chủ tịch huyện và mình cũng đã báo cáo Chủ tịch, ở đây không có chuyện khoan nhượng”, vị đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường kiên quyết nói.

Liên quan đến quá trình xử lý dứt điểm vi phạm nêu trên và yêu cầu chủ công trình khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, lãnh đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn cho hay: “Trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng thì xã, huyện lập hồ sơ xử lý và phối hợp với Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội. Chỗ đấy là bà Hà mua đất sau đó xây dựng thì xã, huyện phát hiện ngay và lập biên bản xử lý. Trước mắt là tuyên truyền vận động họ và chủ công trình đã tự tháo dỡ được 50%, còn mình tiếp tục đôn đốc. Nếu họ không tự tháo dỡ, sẽ tiến hành cưỡng chế”.

xây dựng trái phép sóc sơn
Hàng loạt các hạng mục công trình homestay có dấu hiệu đổ bê tông kiên cố, bất chấp việc thi công bị cấm.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tổ hợp công trình nghỉ dưỡng "mọc" trái phép trên đất quy hoạch đất quốc phòng vẫn tồn tại nhiều hạng mục có dấu hiệu xây dựng, đổ bê tông kiên cố như nền, cột, tường rào,... và thay đổi đáng kể hiện trạng bề mặt đất.

Thiết nghĩ, việc lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo xử lý và kiên quyết “không khoan nhượng” hay dung túng trước hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân là rất quyết liệt, kịp thời và từ đó ngăn chặn được hành vi vi phạm tiếp diễn (nếu có). Tuy nhiên, việc tiến hành các bước quy trình xử lý vi phạm nêu trên của các cơ quan chuyên môn cần được thực hiện một cách rốt ráo và đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Sóc sơn. Đồng thời, việc xử lý vi phạm phải thật triệt để, nghiêm túc giám sát, yêu cầu thực hiện khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra và hoàn trả nguyên trạng khu đất đã thi công tổ hợp nghỉ dưỡng homestay.

Nếu có cơ sở việc bao che vi phạm sẽ “kiên quyết xử lý”!

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành văn bản nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng, xây dựng trái phép đất quy hoạch đất quốc phòng (di dời Trung đoàn 165). Thế nhưng, không hiểu do sự thiếu hiểu biết hay việc cố tình vi phạm của các cá nhân, chủ công trình vi phạm đã khiến cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn các xã trở nên phức tạp, rối ren?

Lý giải về tình trạng để xảy ra các công trình xây dựng trên địa bàn, bà Huyền - Cán bộ Tổ Quản lý trật tự xây dựng địa bàn thanh minh: “Cái này chúng tôi có kiểm tra, sai phạm đến đâu về đều báo cáo lãnh đạo và xã sẽ có kế hoạch xử lý. Nếu trường hợp phát hiện sai phạm, sẽ cưỡng chế tháo dỡ ngay. Chúng tôi làm có quy trình, thiết lập hồ sơ và báo với huyện". Với việc chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Sóc Sơn, công tác xử lý vi phạm đang được tiến hành một cách triệt để.

vi phạm đất rừng sóc sơn
Hiện trạng công trình vi phạm vào cuối tháng 5/2022 vẫn còn nhiều hạng mục thi công, đất vẫn chưa được trả lại nguyên trạng.

Theo quan điểm của các chuyên gia pháp lý, đối với cơ quan quản lý Nhà nước (ở đây là UBND xã Minh Phú, UBND huyện Sóc Sơn) nếu có sự thờ ơ, buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng dẫn đến hậu quả các công trình xây dựng mọc lên ngang nhiên, cán bộ, công chức, viên chức cũng phải chịu trách nhiệm.
Đáng nói, liên quan đến vụ việc này, có thông tin, theo tiết lộ của chính nữ chủ công trình nghỉ dưỡng homestay, thì việc thi công trái phép trót lọt là do đã “làm luật” với cán bộ Tổ Quản lý trật tự xây dựng ở xã Minh Phú?

Về những thông tin liên quan đến việc có dấu hiệu tiêu cực giữa chủ công trình vi phạm và cán bộ Tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện, lãnh đạo Đội Quản lý trật tự xây dựng cho biết: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý. Việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích, chức năng đầu tiên theo Quyết định 04 ban hành ngày 17/3/2018 đã giao cho đội kiểm tra, phát hiện, đề xuất UBND các cấp thiết lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật. Tất cả các vi phạm phải kiểm tra phát hiện, lập hồ sơ, xử lý”.

“Nếu đằng sau cái đó mà tổ chức, cá nhân nào nhập nhèm trong việc thu tiền hay trá hình trong việc đó, theo quy định là không được phép và nếu phát hiện ai thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không ai dám đứng ra bảo lãnh đất đó được phép xây dựng. Về lực lượng của tổ địa bàn, nếu có cơ sở pháp lý về việc nhận hay bao che việc đó, tôi sẽ kiên quyết xử lý”, vị này thông tin.

xây dựng trái phép sóc sơn

xây dựng trái phép sóc sơn

Hàng loạt công trình có dấu hiệu sai phạm xảy ra ở một số xã thuộc huyện Sóc Sơn.

Theo nguồn tin của PV, liên quan đến các hành vi san gạt, xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp trên địa bàn một số xã thuộc huyện Sóc Sơn, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các xã (trong đó có xã Minh Phú), các phòng ban chuyên môn và các đơn vị có liên quan của huyện phối hợp kiểm tra, xử lý dứt điểm hành vi san gạt, xây dựng công trình trên đất quy hoạch lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Thậm chí, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng, các phòng ban chuyên môn của huyện đã phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý. Cùng với đó, UBND huyện Sóc Sơn cũng thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo xã trong việc thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng đã có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn vào cuộc kiểm tra, chỉ đạo xử lý triệt để vi phạm tồn tại kéo dài trong việc sử dụng đất, xây dựng trái phép và quyết liệt ngăn chặn vi phạm mới phát sinh, tránh để xảy ra tình trạng “hợp thức hóa” cho vi phạm tồn tại.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho biết: Theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2013 các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích…. Do đó, khi tổ chức, cá nhân có hành vi lấn, chiếm, hủy hoại và xây dựng công trình trái phép trên đất rừng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ của hành vi sai phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Pháp luật đã quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng, là hành vi tự ý chuyển mục đích trái phép đất rừng thành đất phi nông nghiệp căn cứ theo khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo các quy định tại các điểm c, d khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai.

Đối với các hành vi có tính chất nghiêm trọng, tùy vào mức độ vi phạm nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi lấn, chiếm, hủy hoại tài nguyên để xây dựng công trình trái phép trên đất rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Hủy hoại rừng theo quy định của Điều 243 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017..

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top