Aa

TS. Huỳnh Thế Du: Lùi thông qua Luật Đặc khu, tất cả các dự án có nguy cơ bị dừng lại

Thứ Bảy, 09/06/2018 - 20:40

Nhận định về ảnh hưởng của quyết định tạm dừng thông qua luật đặc khu, giảng viên của Đại học Fulbright, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng: "Một điều chắc chắn rằng, quyết định tạm dừng thông qua Luật Đặc khu sẽ để lại hệ quả tiêu cực".

PV: Trước những phản biện trái chiều, mới đây, Chính phủ cho biết sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt sang kỳ họp sau của Quốc hội. Ông đánh giá ra sao về quyết định của Chính phủ tại thời điểm này, khi mà chỉ còn ít ngày nữa, dự thảo Luật Đặc khu sẽ được các đại biểu Quốc hội biểu quyết?

TS. Huỳnh Thế Du: Quyết định dừng thông qua của Chính phủ và Quốc hội là điều cần thiết, nhất là trong thời điểm này. Ở khía cạnh thứ nhất, việc dừng lại xuất phát từ lý do sự chuẩn bị, sự phân tích cách thức tiến hành, xây dựng đặc khu kinh tế chưa đủ độ chín để tạo ra sự đồng thuận từ xã hội.

Ở khía cạnh thứ hai, quyết định của Chính phủ đã cho thấy Nhà nước đã lắng nghe và có tương tác rất tốt với người dân, tạo sự ủng hộ từ dư luận.

Đặt ngược lại, nếu chúng ta có sự chuẩn bị trong xây dựng mô hình đặc khu với phương pháp khéo léo thì dự thảo Luật Đặc khu và cách thức vận hành bộ máy của quốc gia và nhà nước sẽ tốt lên rất nhiều.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du.

PV: Dù nói vậy, nhưng TS. đánh giá thế nào về cơ hội cho sự ra đời của các đặc khu? Bởi dường như nó đang gặp phải quá nhiều gián đoạn, gian nan ngay từ khi "thai nghén" bộ luật? 

TS. Huỳnh Thế Du: Đây là một câu hỏi thật sự khó nói và khó dự đoán. Ngay từ khi có thông tin về dự án 3 đặc khu kinh tế, quan điểm của tôi đã rất rõ ràng, đây là cách làm mới, đặc biệt là mô hình thể chế ở đặc khu kinh tế còn rất mới đối với Việt Nam. Điều này đặt ra Việt Nam cần có cách thức thử nghiệm hợp lý.

Chúng ta nên chọn, khoanh một nơi nào đó có tiềm năng như TP.HCM để tiến hành thử nghiệm, áp dụng mô hình thể chế mới. Với trường hợp chúng ta áp đặt, lựa chọn những địa điểm như hiện tại, cộng thêm dự thảo luật chưa đủ “độ chín” thì khả năng thành công là không cao. Nếu khả năng thành công đã là không cao, sự chồng chéo những bất trắc và phức tạp trong việc vận hành cơ chế sẽ không thể tạo được sự đồng thuận từ phía người dân.

PV: Quyết định lùi thời gian xem xét thông qua dự thảo Luật Đặc khu sang kỳ họp sau của Chính phủ sẽ để lại những hệ lụy như thế nào đối với thị trường bất động sản tại 3 đặc khu kinh tế tương lai (Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong), thưa ông?

TS. Huỳnh Thế Du: Một điều chắc chắn rằng, quyết định tạm dừng thông qua Luật Đặc khu sẽ để lại hệ quả tiêu cực. Đó là điều khó tránh khỏi vì kể từ thời điểm có thông tin về 3 đặc khu kinh tế tương lai đến bây giờ, mọi người đều kỳ vọng rất nhiều vào đặc khu. Ngày hôm qua, mọi chuyện vẫn đang diễn ra hết sức tích cực. Người ta vẫn kỳ vọng vào quyết định thông qua dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt. Rất nhiều dự án, nhiều nguồn vốn đầu tư đổ vào đặc khu cùng niềm hy vọng lớn.

Còn bây giờ, từ ngày hôm nay, dự án luật chưa được thông qua, tất cả các dự án có nguy cơ bị dừng lại. Điều này đồng nghĩa với rủi ro tăng lên. Khi rủi ro tăng lên, giá trị giảm xuống. Cuối cùng, giá trị của bất động sản sẽ bị giảm xuống.

PV: Như ông vừa trao đổi, chỉ trong vòng vài chục tiếng đồng hồ, cục diện thị trường bất động sản ở 3 khu vực rải rác khắp cả nước đã thay đổi đến chóng mặt. Vừa hôm qua còn "sốt đất", có thể hôm nay đã lại "lạnh tanh". Nói vậy để thấy tác động to lớn của câu chuyện chính sách đến thị trường bất động sản, nhưng mọi thông tin lại không hề có dấu hiệu nào báo trước. Phải chăng có vấn đề khúc mắc nào đó nằm ở đây, thưa ông? 

TS. Huỳnh Thế Du: Khi mô hình đặc khu kinh tế có chủ trương triển khai tại Việt Nam, thực tế, tôi chưa thấy có sự phản biện, trao đổi thấu đáo về vấn đề này. Mô hình đặc khu kinh tế khi áp dụng vào Việt Nam là một vấn đề hết sức phức tạp, nhiều khía cạnh cần phải bàn bạc thảo luận. Tôi là một người nghiên cứu nhiều về mô hình đặc khu kinh tế nhưng tôi lại không biết việc tổ chức như thế nào, ra sao. Tôi không được tiếp cận các thông tin liên quan đến các sự kiện trao đổi và thảo luận ngay cả đến quy trình đưa dự thảo luật vào kỳ họp Quốc hội lần này. Chúng ta không thể áp dụng một mô hình kinh tế vào Việt Nam nếu chưa có sự nghiên cứu, phản biện thấu đáo.

PV: Vậy theo ông, để xây dựng một mô hình đặc khu thành công với Việt Nam, chúng ta cần học tập gì từ những mô hình thành công trên thế giới?  

TS. Huỳnh Thế Du: Khi áp dụng mô hình kinh tế trên thế giới vào Việt Nam, chúng ta cần quan tâm tới 2 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, muốn áp dụng mô hình thể chế kinh tế trên thế giới cần phải suy nghĩ, phân tích rất kỹ về tất cả các khía cạnh của mô hình này. Thứ hai, chúng ta cần lập luận mô hình này nếu áp dụng trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam ra sao. Đừng có quan điểm muốn như thế này rồi chỉ phân tích những điểm tích cực, thiếu tính toán, suy nghĩ thấu đáo thì hệ lụy sẽ không hề nhỏ. Thực tế, Việt Nam cũng đã gặp nhiều trường hợp không thành công khi áp dụng máy móc các mô hình kinh tế trên thế giới. Đó là bài học để rút kinh nghiệm cho tương lai. 

Chúng ta cần phải có cái nhìn hết sức tỉnh táo và thấu đáo đối với những kinh nghiệm của các nước khác và xu hướng của nhân loại, tránh tư duy siêu hình, cứng nhắc và phủ định sạch trơn để Việt Nam có thể chọn được con đường thích hợp nhất.

- Xin cảm ơn ông! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top