Aa

UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Thứ Tư, 24/01/2024 - 16:42

Ngày 23/1, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về việc kiểm tra thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại một số huyện trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo đó, Kế hoạch số 29/KH-UBND được ban hành nhằm xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại địa bàn một số huyện trên địa bàn TP. Hà Nội; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục. Phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng luật. 

Qua đó, phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Trong đó, TP. Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra UBND các huyện Hoài Đức, Ba Vì, Phú Xuyên, Mê Linh, Gia Lâm và UBND các xã, thị trấn thuộc các huyện nêu trên trong quý I, II, III năm 2024, thời kỳ thực hiện kiểm tra từ 01/01/2020 - 31/12/2023. Nội dung kiểm tra là việc quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật và việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Quyết định kiểm tra; thực hiện các nội dung công việc liên quan đến chuẩn bị kiểm tra; thông báo lịch kiểm tra cụ thể đến đơn vị và lựa chọn phương thức kiểm tra phù hợp với tình hình thực tế. Đối với các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu và giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra; chấp hành kết luận và xử lý kết quả kiểm tra.

UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu công tác kiểm tra phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch toàn diện và hiệu quả. Hoạt động kiểm tra phải đánh giá được kết quả triển khai và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của đơn vị được kiểm tra./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top