Vị trí trong căn hộ chung cư không nên đặt ban thờ:
Thông thường căn hộ chung cư có các không gian sau: Phòng khách, phòng ngủ, bếp và khu phụ (vệ sinh); ngoài ra còn có hành lang hoặc có thể có ban công.
Điều ai cũng nhận thấy là không thể đặt ban thờ ở ban công hay bếp và khu phụ.
Cũng không thể đặt ở hành lang (nếu căn hộ có hành lang) vì điều đó thiếu tôn nghiêm; hơn nữa hành lang là nơi dòng khí di chuyển rất mạnh trong khi ban thờ cần yên tĩnh, kín đáo như đã nói ở bài trước.
Còn phòng ngủ thì sao? Không gian thờ cúng cần sự tôn nghiêm, trang trọng, trong khi phòng ngủ là nơi sinh hoạt nên cũng không thể đặt ban thờ. Hơn nữa, ban thờ thuộc âm, con người thuộc dương; vì vậy nếu đặt ban thờ trong phòng ngủ thì người ngủ trong phòng đó sẽ bị nhiễm khí âm ảnh hưởng không tốt đến cả tinh thẩn và thể chất. Mặt khác, ban thờ thường xuyên thắp hương, nến… tạo khói làm cạn kiệt dưỡng khí, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người ngủ trong phòng.
Vị trí tốt để đặt ban thờ trong căn hộ chung cư:
Qua phương pháp loại suy trên thì thấy, đối với căn hộ chung cư, thông thường đặt ban thờ ở phòng khách là hợp lý nhất.
Sau khi quyết định chọn không gian đặt ban thờ (phòng khách) rồi thì vấn đề tiếp theo là xác định hướng tốt cho ban thờ theo tuổi gia chủ (theo mệnh quái chủ) và cũng theo quy luật ban thờ tốt nhất là tọa cát hướng cát, nếu không cũng cố gắng chọn được hướng tốt. Việc xác định hướng tốt theo mệnh quái chủ và các vấn đề chung về đặt ban thờ chúng tôi đã giới thiệu trong các bài trước.
Bước tiếp theo là căn cứ vào tính chất của Âm Dương, Ngũ hành để chọn vị trí thích hợp, tạo không gian tĩnh và kín đáo cho ban thờ, cũng như không bị Thủy khắc, Dương chiếu…
Một số lưu ý khi chọn vị trí đặt ban thờ ở căn hộ:
Ở đây, chúng tôi trao đổi thêm về một số vấn đề đặc thù của căn hộ chung cư để gia chủ lưu ý khi đặt ban thờ.
Điều dễ nhận thấy là không gian chức năng trong căn hộ chung cư thường liền kề nhau, ví dụ như phòng phách kề (giáp tường, chung tường) với phòng ngủ, phòng bếp, thậm chí kề với phòng vệ sinh. Không những thế, căn hộ của gia đình này còn chung tường với không gian chung trong tòa (hành lang) nhà và căn hộ của gia đình khác bên cạnh. Vì vậy, khi chọn vị trí đặt ban thờ cần chú ý quan sát các không gian liền kề đó.
Như trên đã nói, ở căn hộ chung cư nhưng không có điều kiện dành riêng một phòng để đặt ban thờ thì thông thường đặt phòng thờ ở phòng khách là hợp lý nhất. Tuy nhiên, khi chọn vị trí đặt phòng thờ ở phòng khách gia chủ cũng cần chú ý một số điểm sau:
Thứ nhất, không đặt ban thờ áp vào bức tường chung với nhà vệ sinh hay phòng bếp, phòng ngủ. Nếu không có phương án nào tốt hơn mà phải đặt ban thờ sát với phòng ngủ thì cũng tránh không kê giường ngủ mà đầu giường tựa vào bức tường sát ban thờ. Thông thường, nếu áp vào bức tường kế hành lang hay bao ngoài là tốt nhất. Tuy nhiên, trong các khu chung cư cao tầng, mặt tường tiếp giáp với không gian bên ngoài tòa nhà thường được sử dụng một cách triệt để để lấy ánh sáng và thông gió, tạo khoảng nhìn cho căn hộ nên phổ biến được lắp vách kính. Trong trường hợp này, cần lưu ý không đặt ban thờ tựa vào vách kính.
Thứ hai, trong phòng khách thường có đặt các thiết bị điện, điện tử như ti vi, quạt điện, điều hòa, dàn nghe nhạc… Các thiết bị này thuộc dương, trong khi không gian thờ thuộc âm; hơn nữa, không gian thờ cần yên tĩnh, trong khi các thiết bị trên lại có tính động (quạt thổi gió, ti vi phát ra hình ảnh động, dàn nghe nhạc phát ra âm thanh…). Do đó, khi sắp đặt các thiết bị trên cần chú ý tạo khoảng cách với ban thờ và nhất là không để các thiết bị này chiếu thẳng vào ban thờ, đặc biệt là tuyệt đối không để luồng gió của quạt điện thổi thẳng vào ban thờ.
Thứ ba, diện tích trong căn hộ chung cư thường được sử dụng một cách triệt để. Vì vậy khi thiết kế hay mua ban thờ cần tính toán kích thước hợp lý, cân đối với căn phòng, tránh phòng nhỏ mà ban thờ quá lớn vừa tốn diện tích vừa không cân xứng.
Theo kinh nghiệm của nhiều người thì trong căn hộ chung cư không nên đóng tủ thờ có cánh mở ra vì như thế vừa tốn diện tích vừa tạo cảm giác bức bối; tốt nhất là làm ban thờ 4 chân. Trong trường hợp làm ban thờ 4 chân mà gia chủ muốn đặt đồ lễ mặn, nhất là trong những dịp cúng giỗ thì có thể đặt đóng ban thờ có mặt bàn phụ như cái ngăn kéo có thể kéo ra để bày cỗ và khi xong việc đóng vào được sẽ rất gọn gàng và tiện lợi. Hoặc cũng có thể đặt một cái ban nhỏ thấp hơn phía trước ban thờ để bày cỗ, xong việc lại xếp gọn vào để dưới ban thờ hoặc sử dụng làm bàn trà cũng tiện.
Trường hợp căn hộ quá chật, có thể dùng giải pháp ban thờ gắn tường. Tuy nhiên, khi lắp đặt cần chú ý về độ chắc chắn và nếu gắn ban thờ quá gần trần cần có giải pháp chống ố vàng trần nhà do khói hương bằng cách dùng tấm kính ngăn phía trên./.