Aa

Vực dậy thị trường TPDN: Đâu là hướng ra sau những giải pháp tháo gỡ tạm thời?

Thứ Năm, 02/11/2023 - 06:00

Kể cả khi những quy định nới lỏng tại Nghị định 08 tiếp tục được gia hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn cần những giải pháp mang tính tổng thể, căn cơ hơn.

Theo quy định, việc lùi thời hạn áp dụng một số điều kiện trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, theo Nghị định 08/2023/NĐ/CP sẽ chỉ đến ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, kể cả khi những quy định nới lỏng tại Nghị định 08 tiếp tục được gia hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn cần những giải pháp mang tính tổng thể, căn cơ hơn.

Những giải pháp tháo gỡ mới chỉ mang tính tạm thời

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 140.000 tỷ đồng. Riêng quý III/2023, thị trường chứng kiến 88 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành trên 100.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với quý II/2023 và gấp 1,5 lần cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản xếp thứ 2 về giá trị phát hành riêng lẻ, đạt gần 30.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33%.

Như vậy, thị trường đã có dấu hiệu tích cực sau các chính sách hỗ trợ và nỗ lực của nhiều bên liên quan. Song, tương lai của thị trường trái phiếu chưa thể hết bấp bênh khi những giải pháp tháo gỡ mới mang tính tạm thời và nhiều nguy cơ vẫn hiện hữu.

Chia sẻ với Reatimes, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã sửa đổi một số điểm quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu. Tuy vậy, những giải pháp này mới là tháo gỡ mang tính chất tạm thời.

“Chúng ta đang làm chính sách theo kiểu tháo gỡ một lần, chủ yếu là tháo gỡ để cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các nhà đầu tư. Trong khi, điểm mấu chốt quan trọng nhất, là đường đi của dòng tiền, lợi ích của các nhà đầu tư được bảo đảm như thế nào, có được thanh toán và trả lãi hay không, tỷ lệ trả lãi là bao nhiêu thì lại chưa được xử lý dứt khoát”, ông Phạm Xuân Hòe nói.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước). (Ảnh: Báo Đầu tư)

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường, ngoài Nghị định 08, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023, quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021.

Theo đó, cho phép tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra đến trước ngày 31/12/2023, nhưng với điều kiện, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tối đa không quá 5 lần. Đồng thời, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Tán thành những điều này, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, Nhà nước đã tiếp cận đúng theo câu chuyện thị trường và chuẩn mực của thế giới chứ không phải đi giải quyết hệ lụy của thị trường trái phiếu.

“Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chưa thể “cứu” thị trường hiện tại. Một lượng lớn trái phiếu đáo hạn thời gian tới chủ yếu là của doanh nghiệp bất động sản. Nếu không xử lý một cách căn cơ từ thị trường bất động sản, thì khó khăn sẽ lây lan từ thị trường trái phiếu sang hệ thống ngân hàng, với các khoản nợ xấu gia tăng như giai đoạn 2008 - 2011. Khi đó, phải mất nhiều năm để nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại”, ông Hòe nói.

Kiểm soát mục đích sử dụng vốn không phải là giải pháp để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu

Với kinh nghiệm hơn 10 năm xử lý nợ xấu, tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hòe đồng tình với việc xem xét tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phân loại doanh nghiệp bất động sản nào còn năng lực thì tiến hành hỗ trợ tái cấu trúc, hỗ trợ về mặt tài chính để họ thoát khỏi khó khăn; đồng thời theo dõi, quản lý dòng tiền chặt chẽ.

“Việc hỗ trợ này nên trao cho Hội đồng quản trị các ngân hàng thương mại tự quyết định, vì họ là người cho vay. Đối với những doanh nghiệp không thể “cứu” được cần giải quyết dứt điểm. Như vậy, phải có bản đề án rất tổng thể về thị trường trái phiếu. Trong đó, phân loại doanh nghiệp bất động sản và xử lý theo từng nhóm cụ thể, chứ không thể xử lý chung chung”, ông Phạm Xuân Hòe nêu quan điểm.

Liên quan đến việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng không nên, vì thực tế, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản thường có một lúc 10 - 15 dự án. Khi phát hành trái phiếu, họ có thể đưa ra 3,4 dự án, nhưng có khi những dự án này chưa xong thủ thủ tục pháp lý thì dự án khác đã xong, do đó buộc phải sử dụng vốn trái phiếu đã phát hành và đang trả lãi.

“Kiểm soát dòng tiền, mục đích sử dụng vốn không phải là giải pháp để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu. Điều này cần giải pháp ở tầm cao hơn. Nước ta đã hình thành rất nhiều tập đoàn tài chính, gồm các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm và cả những doanh nghiệp trong tập đoàn, trong đó có công ty bất động sản, tạo ra một hệ sinh thái khép kín mà nếu không giám sát hợp nhất thì rất khó lành mạnh hóa thị trường”, ông Phạm Xuân Hòe đặt vấn đề, và cho biết thêm, các nước có Ủy ban Giám sát Tài chính và Luật Giám sát hợp nhất, hoặc ít nhất là có một Nghị định Giám sát hợp nhất để đảm bảo hoạt động của tập đoàn tài chính là lành mạnh.

Bên cạnh đó, để thị trường trái phiếu minh bạch, việc thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm là cần thiết. Kết quả xếp hạng tín nhiệm có thể khách quan, độc lập hơn so với đánh giá tín nhiệm nội bộ ở các ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn có thể có rủi ro đạo đức xuất phát từ người thực hiện xếp hạng.

Triển vọng tín nhiệm thời gian tới theo VIS Rating. (Nguồn: VIS Rating)

Để đảm bảo chất lượng, cần có sự cạnh tranh giữa các đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập, cùng với sự giám sát của Bộ Tài chính. Theo đó, chúng ta đã có Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định Bộ Tài chính là cơ quan cấp phép và chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm.

“Nếu hoạt động xếp hạng tín nhiệm phát triển tốt, các ngân hàng thương mại sẽ sẵn sàng cho vay tín chấp nhiều hơn, thay vì chỉ yêu cầu tài sản đảm bảo. Cùng với đó, nhà đầu tư sẽ có niềm tin để quay lại thị trường, giúp doanh nghiệp có thêm dòng vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nhưng để làm được điều này, doanh nghiệp cũng phải chấn chỉnh, củng cố lại hồ sơ để sẵn sàng theo được những chuẩn mực kế toán quốc tế.

Ngoài ra, nếu thiết lập môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, với hệ thống luật pháp ổn định, tiên đoán được, thì doanh nhân có thể nghĩ xa hơn, thay vì đầu tư - kinh doanh theo kiểu ngắn hạn”, ông Phạm Xuân Hòe nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top