Nền tảng của văn hoá truyền thống Việt Nam là văn hoá dân gian mà biểu hiện tập trung là Hội làng. Đi hội chính là tìm đến nơi còn lưu giữ được vẻ đẹp thuần khiết của hồn Việt, hồn làng.

Mỗi hội làng dù có những ý nghĩa nội dung khác nhau nhưng cốt lõi cơ bản vẫn là tinh thần cố kết cộng đồng và cầu mùa cho nghề nông. Các nghi lễ tín ngưỡng dân gian cùng với các hình thức vui chơi, giải trí, đua sức, đua tài của cư dân trồng lúa nước đều diễn ra trong mấy ngày lễ hội.

Hết phần lễ là rộn ràng phần hội. Âm thanh làm nền cho hội làng chính là các nhạc cụ dân gian như trống khẩu, kèn, nhị, đàn tranh, đàn nguyệt, phách, sáo... của dàn nhạc bát âm. Lại còn có tiết mục múa “Con đĩ đánh bồng” với hai người nam giả nữ vận áo tứ thân đổi vạt, mặc váy đeo trống bồng điệu bộ lặc lè ngả nghiêng uốn lượn theo điệu trống cà rùng. Những cô thôn nữ làng ngày thường tần tảo chân lấm tay bùn, những chàng trai làng quen việc cày bừa gặt hái bây giờ mặc áo mớ bảy mớ ba, đội nón quai thao, khăn xếp áo the bước vào canh hát giao duyên.

Trên cây đu làm từ bụi tre già đầu làng, nhiều nam thanh nữ tú chao lượn vút giữa không trung. Dưới mặt đất, sới vật đông kín người đang hồi so tài quyết liệt mà giải cao nhất cho ông đô là một ruột chăn treo toòng teng suốt mùa hội. Cũng không kém hồi gay cấn là sới chọi gà, nơi những chú gà chọi được om bế cả năm tranh tài.

Những trò chơi dân gian như đánh cờ người, ăn mía nấu cơm, bắt vịt, bịt mắt đập niêu đất... được tất thảy nam phụ lão ấu tham gia thi tài. Làng đã mất hẳn cái im lìm lặng lẽ thường ngày, gặp ai cũng như đang bay bổng phiêu diêu theo tiếng trống hội làng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận