Lời tòa soạn:

Loạt phóng sự của Photo Travel từ kỳ này là những khám phá và trải nghiệm trên đất phật Triệu Voi (Lào) và xứ sở của những ngôi chùa Tháp (Campuchia). Đó là cảm giác thật an yên, mê hoặc khi ghé thăm những ngôi chùa tôn nghiêm, các pho tượng Phật độc đáo và nụ cười thân thiện, hiếu khách của người dân Lào. Còn ở đất nước láng giềng xinh đẹp Campuchia, lại là một hành trình dài theo dọc vương quốc của những quần thể mang dấu ấn lịch sử, từ Phnom Penh thăm Hoàng Cung, qua Kampong Thom, Kampot, đến Siem Reap, lênh đênh trên hồ Tonle Sap và khám phá nét cổ kính và kỳ vĩ của quần thể Angkor Wat, Angkor Thom, Ta Prohm…

Nằm ngay giữa trung tâm Thủ đô, That Luang là danh thắng nổi tiếng nhất Vientiane với hơn 400 tuổi, cao 45 mét nổi bật với đỉnh tháp được dát vàng lá lấp lánh.

Khi đã đi cả Đông lẫn Tây, tôi vẫn luôn khao khát có một chuyến lãng du xuyên Đông Dương, khám phá hai quốc gia có đường biên giới chung với Việt Nam là Lào và Campuchia. Rồi một chuyến đi may mắn vào những ngày cuối năm đã nối dài thêm bước chân dịch chuyển khi cùng lúc tới cả hai đất nước láng giềng, ngay trước khi dịch bệnh bùng phát.

Bên trong tháp, các hành lang được bài trí với vô vàn các pho tượng Phật có niên đại, kích thước, chất liệu khác nhau…
…như pho tượng đồng trong ảnh vàng mạ vẫn còn được lưu giữ trên đó dù đã hơn cả trăm năm.

Nằm bên bờ sông Mê Kông, Vientiane là thành phố có rất nhiều điểm đến lý tưởng và tôi đã dành trọn một ngày để khám phá và tìm hiểu cuộc sống yên bình của người dân Lào. Theo lời khuyên của các đồng nghiệp ở đây, đến Vientiane mà chưa ghé thăm That Luang là một thiếu sót lớn nên điểm đến lấp lánh màu vàng của tháp cổ là nơi tôi chọn ghé thăm đầu tiên trong những ngày có mặt ở đất nước Lào.

Các biểu tượng Phật giáo xuất hiện ở những kiến trúc xung quanh That Luang với hai màu đỏ - vàng ấn tượng.

Nằm cuối đại lộ Lane Xang, That Luang là di sản văn hóa thế giới và cũng là biểu tượng của quốc gia Phật giáo tiểu thừa Lào. Chediloka Chulamani, tên chính thức của That Luang mang một ý nghĩa rất cao quý là “Tháp ngọc trên thế giới”. Nhưng với người dân Vientiane, bao đời nay họ vẫn gọi “Tháp ngọc” đó là That Luang, có nghĩa là “tháp lớn” theo tiếng Lào, để mô tả sự vĩ đại, to lớn của kiến trúc đặc biệt này. 

Pho tượng phật nằm bằng đồng nổi tiếng ở That Luang trong khuôn viên ngôi chùa có cùng tên tháp cổ.

Truyền thuyết của người Lào kể về That Luang rằng, năm 236 Phật lịch (Thế kỷ III TCN), năm nhà sư người Lào sau khi học xong ở Ấn Độ đã trở về quê hương và mang theo chiếc xương đầu gối của Đức Phật. Tới mường Vientiane, họ thuyết phục châu mường cho dựng tháp để cất giữ xá lỵ Phật. Là người mộ đạo, châu mường Vientiane đồng ý và cho dựng lên ngôi “tháp lớn”.

Trung tâm That Luang là một tòa tháp cao 45m, xung quanh trang trí bởi 332 hình lá bồ đề cách điệu cùng hàng chục tháp phụ sơn thếp vàng.

Rồi Phật giáo trở thành quốc đạo và Vương quốc Lạn Xạng (Triệu Voi) dời đô từ Luong Phrabang về Vientiane vào năm 1566. Cùng việc xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, vua Xệt Tha Thi Lạt đã cho tu bổ lại Thạt Luổng khi xây bọc lên ngôi tháp cũ một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy giữ nguyên đến ngày nay.

Kiến trúc That Luang mang đậm phong cách văn hóa và bản sắc Lào nên cũng là nơi nhiều đôi trẻ đến thăm và chụp bộ ảnh cưới với trang phục truyền thống như cô dâu trong ảnh.

Với mặt ngoài dát vàng, That Luang trở thành tháp xá lị lớn nhất và đẹp nhất ở Lào. Cao khoảng 40m, dưới chân của That Luang được thiết kế tựa một đài sen vuông. Dưới cùng là bệ tháp, cạnh dài 69m (từ phía Tây, Đông) và 68m (từ phía Bắc Nam), cả 4 cạnh được ốp bằng 323 phiến đá. Trên tầng thứ hai, mỗi cạnh dài 48m và vòng quanh cả 4 cạnh được tạo hình những hoa sen lớn với 120 cánh. Tiếp giáp giữa tầng hai và tầng ba bao quanh bởi 30 tháp nhỏ mang hình dáng tương tự tháp trung tâm. Đây chính là biểu tượng của Đức Phật Thích ca với 30 năm tu hành trở thành Phật. Trên các tháp nhỏ này là những hàng chữ Bali đắp nổi, ghi các lời răn của đức Phật.

Vườn tượng Phật ở That Luang với hơn các pho tượng Phật giáo và các nhân vật trong Hindu giáo.

Tầng trên cùng là khối trung tâm của tháp, có hình dáng quả bầu và được đặt trên một khối hình bán cầu, trang trí hình những cánh sen nở bung bốn phía. Đây là phần thiêng liêng, trang trọng và cao quý nhất của kiến trúc tháp That Luang bởi đỉnh tháp này không chỉ tạo một dáng vẻ riêng biệt, thanh thoát mà còn mang theo cả một ý niệm thầm kín của người Lào là cội nguồn dân tộc. “Quả bầu mẹ” chính là huyền thoại giải thích về nguồn gốc của các dân tộc khác nhau sinh sống trên đất nước Lào.

Dưới ánh mặt trời, Pha That Luang rực sáng như một cung điện trong cổ tích.

Với vé vào tham quan chỉ 3.000 kip/người, kiến trúc đặc sắc và màu sơn vàng óng ánh của That Luang luôn thu hút rất đông du khách. Đặc biệt, nếu may mắn đến nơi lưu giữ xá lợi của Đức Phật này dịp trăng tròn tháng 11 hằng năm, bạn sẽ chứng kiến một lễ hội được tổ chức trong suốt 3 đêm với những nghi lễ rất trang trọng và tôn kính. 

Nhìn từ xa, That Luang như một đài sen 5 cánh nâng bảo vật, nơi chứa đựng thánh tích Phật giáo và điểm nhấn đặc biệt chính là hình tượng quả bầu ở trung tâm tháp.

Trong bối cảnh thế giới đang dần mở cửa lại, du khách Việt Nam cũng nhận được những tín hiệu tích cực khi đi du lịch, đặc biệt khi cái tên Việt Nam xuất hiện trong danh sách những quốc gia được nới lỏng hạn chế nhập cảnh vào Lào, hy vọng bạn đến chiêm bái tháp xá lị lớn và đẹp nhất ở đất Phật Triệu Voi một ngày không xa./.

Trọng Chính
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận