Chữ "duyên"

Chủ Nhật, 08/04/2018 - 06:00

Duyên cớ nào cho chúng ta gặp nhau ở đời? Rồi cái gì đã buộc số phận, buộc cuộc đời ta vào một người trước đó hoàn toàn xa lạ?

Chuyên mục REABLOG của Reatimes ra đời, là một nơi để trao đổi, luận bàn hướng đến nhân văn và bền vững… Mỗi ngày, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc một câu chuyện nhỏ, một cảm nhận từ cá nhân tác giả về nhiều phương diện của cuộc sống hôm nay để chúng ta cùng chia sẻ. Ngày Thứ hai sẽ là câu chuyện của Nhà báo Phạm Nguyễn Toan (Toan), Thứ ba là Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Thiều làng Chùa), Thứ tư là Nhà văn Tạ Duy Anh (Lão Tạ), Thứ năm là Nhà báo Trần Đăng Tuấn (Tuấn Cơm có thịt), Thứ sáu là Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến (Tiến trọc), Thứ bảy là Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, Chủ nhật là Nhà văn, dược sỹ Trần Thanh Cảnh (Thầy Thanh Cảnh).

Chuyên mục do Nhà văn Nguyễn Thành Phong trực biên tập.

Đối với tôi, những bài thơ đầy tính hài hước, ý vị của ông Bảo Sinh, Chủ hệ thống khách sạn và bệnh viện dành cho các con vật nuôi ở thành phố, cho chó mèo, là những bài thơ đích thực và ông là một nhà thơ đích thực. Nhà thơ Bảo Sinh có viết thế này:

                       “Nhân duyên đến, nhân duyên đi

                        Chúng mình ngoài cuộc hẹn gì với nhau

                        Lá trầu chẳng đợi quả cau

                       Tự nhiên tan hợp thành màu nhân duyên”

Chữ “duyên” ở đây là duyên cớ, duyên phận chứ không phải là duyên dáng của sắc đẹp thiếu nữ thắt đáy lưng ong, mắt biếc mày ngài e lệ bên những bông loa kèn trắng muốt, thơm nức đang rợp trên khắp phố phường Hà Thành.

Nhà Phật thì nói, vì “nhân” mà được “quả” chính là “duyên” vậy. Luật nhân quả là luật trời, cấm cãi. Thế cho nên cũng ông nhà thơ trên từng viết: “Duyên trăm năm mới cùng ăn/ duyên ngàn năm mới được nằm với nhau!". Thế mới thấy cái chữ “nhân duyên” của nhà Phật ghê gớm thế nào. Gieo nhân từ trăm năm trước thì mới được ngồi nhậu với nhau một bữa đấy ông nhà thơ Nguyễn Thành Phong ạ. Còn như từ abc đến xyz thì phải tu từ cả ngàn năm trước cơ! Mà ngàn năm thì đã là bao nhiêu sông cạn núi mòn, bao nhiêu đời, qua bao lần cái vòng “sinh- lão- bệnh- tử” để được tới “ngũ đại mai thần chủ” mà siêu sinh đi làm kiếp khác, để rồi ngàn năm sau mới được nên duyên nhau? Thế mới biết chữ “duyên” kia nói ra thì nhẹ miệng như không, nhưng thực nó nặng thế nào. Nhà Phật còn dùng từ, duyên nghiệp, duyên nợ kia! Ta có duyên với việc này từ kiếp trước, nay phải làm để trả “nghiệp”. Ta có nợ duyên với ai từ muôn trùng xa thẳm, nay phải đến, phải gặp, để mà trả “nợ” ngàn xưa...

Ở đời, nhiều người bạn đã tâm sự và bản thân tôi ngẫm ra cũng thấy vậy, là nhiều khi gặp ai đó lần đầu tiên, ta bỗng thấy quý mến, tin tưởng và cảm thấy gần gũi ngay không có gì xa lạ. Như đã gặp nhau từ muôn kiếp trước! Tôi dám chắc không ít người đã thốt lên như vậy trong những khoảng khắc giao cảm thần bí của cuộc đời. Duyên cớ nào cho chúng ta gặp nhau ở đời? Rồi cái gì đã buộc số phận, buộc cuộc đời ta vào một người trước đó hoàn toàn xa lạ? Thậm chí là còn ở tít chân trời góc bể xa xôi. Chẳng ai trả lời được. Chẳng ai giải thích được cho tới ngọn ngành.

Đa số người ta đành tặc lưỡi, thôi cái duyên phận nó thế, cái số phận mình nó thế. Thế là ở đây chữ “duyên” lại là duyên phận. Bởi có khi quả cau vốn mãi tít mù khơi trong Nam, vào tay ông thương lái ra tận ngoài xứ Bắc để rồi hợp với lá trầu vừa hái vườn nhà thà nh miếng trầu duyên, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta! Lá trầu xứ Bắc đâu có đợi quả cau phương Nam, có khi cây cau hàng xóm trĩu quả kia vẫn đợi sánh duyên cùng lá trầu xanh mướt bên giàn. Thế mà lại bỗng nhiên/ ngẫu nhiên được têm cùng quả cau mua ngoài chợ về. Thế là nên chuyện ra màu nhân duyên! Đời là vậy, tự nhiên tan hợp chả ai định trước ấy mới nên chuyện, ấy mới để cho người ta gói cả vào một chữ “duyên”. Trầu cau duyên thắm vôi nồng thế mà có lúc cuộc đời bỗng trở ra nhạt toẹt. Trường hợp này thì người ta lại bảo là đã cạn duyên.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến cuộc ly hôn đình đám của đại gia cà phê Tây Nguyên đang thu hút sự chú ý của dư luận. Tôi vốn không khoái gì cái sự đọc về những cuộc chia tay của các nhân vật nổi tiếng, nhất là giới showbiz. Nhưng cuộc chia tay này thì tôi quan tâm, là bởi vì... nghiền cà phê! Sáng nào cũng phải có một tách, ngày nào cũng vài ba cữ. Tôi thấy hình như cuộc hôn nhân của vợ chồng đại gia nọ đã tới lúc cạn duyên. Vâng, duyên đã cạn thì sao mà cứu vãn được nữa. Thậm chí khi duyên đã cạn, họ còn chả nói chuyện được với nhau, mà nói qua tòa án, qua báo chí...

Tôi quan tâm tới vụ ly hôn này bởi một lẽ nữa, thương hiệu cà phê Trung Nguyên, vốn đang là một trong số ít ỏi những thương hiệu hàng hóa sản phẩm có xuất xứ thuần Việt, rất có chất lượng. Một sản phẩm đại diện cho một loại nông sản thế mạnh của chúng ta. Ông bà chủ vương vào câu chuyện lùm xùm rồi để cho mai một cái danh tiếng gây dựng bấy lâu chả phải là một điều đáng tiếc sao?

Cũng nhà thơ Bảo Sinh đã viết:

                                   “Mới yêu nhìn đã tri âm

                            Lâu dần tiếng Việt nghe nhầm tiếng Tây"

                                    "Nói toàn ngoại ngữ với nhau

                            Không người phiên dịch nghĩ đau nhân tình”

Cái bi kịch của cuộc đời, bi kịch của hôn nhân là ở chỗ đó. Khi mới yêu nhau, mới đến với nhau hình như đôi tình nhân/vợ chồng nào cũng dường như hiểu/cảm nhau từ chân tơ kẽ tóc! Người kia muốn gì, người này chỉ cần nhìn vào mắt đã hiểu, đâu phải nói nhiều. Cứ tưởng rằng về ở với nhau thì sẽ ngày càng gắn bó khăng khít và thấu hiểu tận nguồn nhau hơn... Thế mà trái lại, vô số cuộc tình/hôn nhân cứ lần lần tan vỡ mà lý do được đưa ra rất phổ thông là: Không hiểu nhau! Thật là lạ lùng. Con người là một giống loài khác biệt nhất trong thế giới của sự sống. Chẳng thế mà các cụ nhà mình xưa đã từng nói, trâu bò ở với nhau lâu thành quen, người ở với nhau lâu sinh chuyện! Chả có lẽ đúng?

Bởi thế cho nên, sự “phiên dịch” của ngôn ngữ pháp đình, truyền thông chỉ càng làm cho đôi lứa thêm không hiểu, thêm xa cách mà thôi. Pháp luật hiện thời cho phép thuận tình ly hôn không phải ra tòa xử: Cạn duyên rồi thì anh chị dắt nhau đến pháp đình, cùng ký tờ ly hôn thỏa thuận, rồi chia tay, “anh đi đường anh tôi đường tôi/ tình nghĩa đôi ta có thế thôi...”. Thế là ứng với cái câu: “Tự nhiên tan hợp thành màu nhân duyên”

Ấy là bởi chữ DUYÊN kia đã hết!