Đà Nẵng: Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân

Thứ Tư, 07/11/2018 - 03:33

Vụ khiếu nại về thu hồi đất của ông Phan Văn Kỉnh (70 tuổi, trú tổ 28A, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) không mấy phức tạp, nhưng chính quyền giải quyết chưa thấu tình, đạt lý dẫn đến khiếu kiện kéo dài 20 năm nay khiến gia đình ông điêu đứng...

Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân Thửa đất mà gia đình ông Phan Văn Kỉnh khiếu kiện lâu nay chưa được giải quyết dứt điểm

Cần bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân Thửa đất mà gia đình ông Phan Văn Kỉnh khiếu kiện lâu nay chưa được giải quyết dứt điểm

Theo đơn của ông Kỉnh, dòng họ tộc Phan của gia đình ông đến tổ 28, phường Mân Thái khai hoang và lập nghiệp từ thời xa xưa. Sau năm 1975, để lại mảnh đất gồm 6 thửa có diện tích 682m2. Hưởng ứng phong trào làm ăn tập thể, gia đình ông Kỉnh tham gia vào tập đoàn sản xuất nông nghiệp (SXNN) tại địa phương, trực tiếp quản lý, sản xuất mảnh đất này và nộp sản lượng khoán, nộp các khoản thuế cho Nhà nước từ năm 1976. Đồng thời, kê khai đầy đủ theo Chỉ thị 299/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có xác nhận của UBND phường và Tập đoàn SXNN phường Mân Thái; lập sổ thuế nông nghiệp tại cơ quan quản lý thuế Nhà nước...

Năm 1993, do không đủ sức lao động, cha ông Kỉnh làm đơn chuyển nhượng đất khai hoang cho người cháu với diện tích 112m2 đất; được Tập đoàn SXNN và UBND phường ký xác nhận.

Tiếp tục sử dụng đất đến năm 1994, gia đình ông Kỉnh phát hiện ông Nguyễn Hữu Lộc sống tại địa phương, tự phá bỏ đường ranh giới đất liền kề của 2 gia đình cha và chú ông để lấn chiếm hơn 100m2 đất để mở móng xây dựng công trình. Ông Kỉnh liền khiếu nại lên phường, UBND phường và các ngành chức năng đến kiểm tra hiện trường, tiến hành hòa giải nhiều lần và yêu cầu ông Lộc tự tháo dỡ phần xây dựng lấn chiếm, trả lại đất cho ông Kỉnh, nhưng ông Lộc không chấp hành. Vụ việc được chuyển lên UBND TP Đà Nẵng (cũ) để xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, thay vì xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành cưỡng chế công trình lấn chiếm đất của ông Lộc trả lại cho ông Kỉnh, UBND TP lại ra Quyết định số 2273/QĐ-UBND ngày 27/11/1996, không chấp nhận đơn khiếu nại tranh chấp quyền sử dụng đất của ông Kỉnh và ông Lộc đối với lô đất nông nghiệp do Tập đoàn SXNN phường quản lý và giao khoán, diện tích 763m2 tại tổ 28, phường Mân Thái. Giao Ban Địa chính TP lập thủ tục trình UBND tỉnh QN - ĐN (cũ) thu hồi 651m2 đất trên giao cho UBND TP tổ chức khai thác quỹ đất...

Sau khi nhận được quyết định trên, vì thấy bất hợp lý, gia đình ông Kỉnh tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên UBND TP đề nghị xem xét lại Quyết định số 2273. Đến năm 1997, thực hiện chia tách tỉnh QN - ĐN thành 2 đơn vị hành chính như hiện nay, nên việc giải quyết đơn của ông Kỉnh gặp nhiều ách tắc, kéo dài.

“Nếu chính quyền thu hồi đất vì mục đích công cộng, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển TP thì gia đình chúng tôi sẵn sàng giao đất; nhưng quyết định lại không xử lý việc lấn chiếm đất mà lại thu hồi luôn lô đất rồi bỏ trống thì nhất định chúng tôi không đồng ý...” - ông Kỉnh nhấn mạnh.

Dù gia đình ông Kỉnh liên tục tiếp khiếu đòi quyền lợi đất đai, nhưng đến năm 2016, UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định số 3875/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ thửa đất trên mà gia đình ông Kỉnh không hề nhận được quyết định này.

Không đồng ý với quyết định của chính quyền, ông Kỉnh gửi đơn khởi kiện ra TAND TP. Ngày 24/7/2018, phiên tòa được mở nhưng phải hoãn vì các đại diện phía bị đơn và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong thời điểm ông Kỉnh khiếu kiện, gia đình ông vẫn sản xuất trên thửa đất này, đến năm 2014, UBND quận Sơn Trà cấm không cho ông sản xuất nữa; cũng từ đây thửa đất vắng chủ, nhiều người tranh thủ đổ xà bần, rác thải, dựng quán nhậu trông rất nhếch nhác và ô nhiễm môi trường nặng. Trong khi đó, gia đình ông Kỉnh đã có công khai phá, tạo dựng và sử dụng, nộp thuế cho Nhà nước lại phải mòn mỏi đi khiếu kiện nhiều nơi qua hàng chục năm nay...

Ông Phan Văn Cư, Tổ trưởng tổ 28A Mân Lập (phường Mân Thái - nguyên là Phó Chủ nhiệm Tập đoàn SXNN Mân Thái) xác nhận, thửa đất nói trên được gia đình ông Kỉnh sử dụng canh tác nông nghiệp, có đóng thuế đầy đủ. Ông Cư kiến nghị sớm giải quyết rõ ràng, minh bạch cho ông Kỉnh. “Nhà nước thu hồi đất có đúng hay không và mục đích để làm gì? Nếu không thì trả lại cho ông Kỉnh sản xuất và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định...”- ông Cư nói thêm.

Nhiều ý kiến của các hộ dân xung quanh khu vực này cũng bày tỏ chính quyền cần quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng về đất đai của hộ ông Kỉnh; bởi vì hộ ông Kỉnh đã gắn bó và dày công khai phá, bồi đắp thửa đất này; tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng đất. Mặt khác, thửa đất trên có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp và quá trình sử dụng liên tục... nên việc ra quyết định thu hồi đất của hộ ông kỉnh là không có căn cứ, không theo trình tự, thủ tục thu hồi đất.

Vụ khiếu nại của ông Kỉnh đã kéo dài hàng chục năm nay, lãnh đạo Thành ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP... cũng đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, đề nghị UBND TP tập trung xác minh và có hướng xử lý dứt điểm, nhưng đến nay ông Kỉnh vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết thỏa đáng, đúng quy định.

“20 năm qua là chặng đường tôi tốn không biết bao công sức đi gõ cửa khiếu kiện nhiều nơi để đòi quyền lợi chính đáng của mình, nhưng vụ việc đùn đẩy, quanh co cho nhiều cơ quan khác nhau... rốt cục chẳng có ai đứng ra giải quyết dứt điểm cho tôi. Tôi mong lãnh đạo TP sớm có văn bản trả lời dứt điểm vụ việc theo quy trình, quy định của pháp luật”, ông Kỉnh thầm mong và chờ đợi.