Đi tìm phương án khả thi

Thứ Sáu, 28/09/2018 - 06:00

Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ những dự án triển khai không gian xanh trong lòng đô thị ở các quốc gia khác trên thế giới.

Ngày nay, ở Việt Nam, ý tưởng về việc xây dựng những không gian xanh trong lòng đô thị đã trở nên quen thuộc. Mọi người đã nhận thức được từ lâu rằng mỗi cá nhân chúng ta đều có nhu cầu tiếp xúc với tự nhiên, tương tự như nhu cầu về thức ăn, nhà ở, giáo dục, v.v… Việc phát triển đô thị ồ ạt mà bỏ qua nhu cầu chính đáng đó đã làm giảm rõ rệt chất lượng sống của người dân về mọi mặt.

Một bản báo cáo được WHO xuất bản năm 2017 liệt kê ra một loạt lợi ích của việc phát triển không gian xanh. Tại các thành phố tham gia vào công cuộc này, tỷ lệ mắc các bệnh, đặc biệt là bệnh liên quan đến béo phì và bệnh tim, đều giảm rõ rệt. Các loài động vật cũng được bảo tồn và dần dần phục hồi lại số cá thể trước khi bị mất đi không gian sống do đô thị hóa. Ngay cả tỷ lệ tội phạm cũng giảm đi, trong hệ thống cơ sở hạ tầng như được “thổi luồng gió mới”.

Tuy vậy, ở Việt Nam, cho dù đã đạt được những thành tựu rõ rệt trong vòng gần 30 năm qua, nhưng từ nhà quản lý, doanh nghiệp, đến những người dân bình thường đều đang có phần ngần ngại trong việc áp dụng những phát kiến mới để “xanh hóa” các thành phố. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta có thể học hỏi được gì từ thành công trong việc phát triển không gian đô thị xanh tại các nước khác?

Điểm đầu tiên cần chú ý tới là những ý tưởng, công nghệ mới được áp dụng để thực hiện mục tiêu xanh hóa đô thị thường không có gì là phức tạp như nhiều người lầm tưởng. Các nhà quy hoạch và xây dựng có thể không cần phải thay đổi quá nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có. Trong khi đó, một phát kiến nhỏ thôi được đưa vào áp dụng cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến một cộng đồng lớn.

Đơn cử như trường hợp của thành phố Atlanta, Mỹ. Trong một thời gian dài, nhiều tuyến đường sắt chạy quanh thành phố bị bỏ hoang do hệ thống tàu hỏa ngừng hoạt động. Vào năm 1999, kiến trúc sư Ryan Gravel, khi đó là sinh viên trường đại học Georgia, đề xuất ý tưởng cải tạo những con đường này thành không gian xanh của thành phố. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của Ryan Gravel và các cộng sự, kế hoạch chính thức được thành phố chấp thuận triển khai vào năm 2006.

Người đi xe đạp trên tuyến đường Atlanta BeltLine

Người đi xe đạp trên tuyến đường Atlanta BeltLine

Cho đến nay, tuyến đường Atlanta BeltLine đã trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch tại Atlanta. Mỗi cá nhân có thể dễ dàng đi xe đạp giữa các công viên và khu phố cổ được nối với nhau bằng tuyến đường Atlanta BeltLine. Người đi xe đạp có cơ hội được tận hưởng những hàng cây hai bên đường hay thậm chí là những tác phẩm nghệ thuật đường phố mà không phải lo ngại về tình trạng tắc đường, mất an toàn giao thông thường gặp.

Từ những ý tưởng, sáng kiến nhỏ như trên, chúng ta hoàn toàn có thể đưa vào áp dụng một số thay đổi lớn hơn và có tác động lâu dài. Tuy vậy, quá trình này yêu cầu sự liên kết chặt chẽ trong cả thông tin lẫn hành động giữa chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, và người dân.

Lấy ví dụ trường hợp của ngôi làng Connswater Community Greenway. Xuất phát điểm ban đầu, dự án là một liên kết giữa một tổ chức phi chính phủ với cộng đồng địa phương tại một khu vực nhỏ bên rìa thủ đô Belfast của Ai-xơ-len để xây dựng không gian xanh. Dự án bắt đầu gây được tiếng vang và thu hút sự tham gia của cả khu vực công và tư - chính quyền thành phố muốn cải tạo khu vực này như một phần của kế hoạch giảm nguy cơ lũ lụt cho Belfast, trong khi các doanh nghiệp lữ hành có ý định phát triển một khu sinh thái du lịch bên sông Connswater.

Một góc làng Connswater Community Greenway

Một góc làng Connswater Community Greenway

Tuy các bên tham gia có những kế hoạch của riêng mình và thậm chí là trái ngược nhau; nhưng nhờ vào những buổi đối thoại thẳng thắn và một quá trình trao đổi trong công bằng, nhân ái, và minh bạch, mà tất cả các bên đều đạt được mục đính của mình. Người dân làng Connswater Community Greenway nay không chỉ tận hưởng chất lượng môi trường tốt hơn rõ rệt, họ và các doanh nghiệp còn đang thu lời lớn từ nguồn khách du lịch đổ đến nơi đây. Trong khi đó, những đầm lầy và kênh rạch tại khu vực được bảo tồn và phát huy tốt vai trò thoát lũ cho thành phố mỗi khi mùa mưa về.

Mặt khác, chính quyền có thể sử dụng luật pháp như một công cụ để "áp đặt" xu hướng phát triển không gian xanh trong thành phố. Một trong những ví dụ được biết đến nhiều nhất là thành phố Toronto, Canada. Vào năm 2009, sau ba năm triển khai chiến dịch “Mái nhà xanh”, chính quyền Toronto ban hành luật yêu cầu mọi căn nhà ở thành phố phải có mái nhà xây dựng làm sao cho cây thân cỏ và các loại thảo mộc khác mọc được ở trên. Cho dù là mái gạch ngói có cỏ trồng ở bên trên, hay là khu vườn trên mái, những “mái nhà xanh” này đã đem lại rất nhiều lợi ích cho các hộ gia đình nói riêng và thành phố nói chung.

Một khu dân cư tại thành phố Malmö, Thụy Điển

Một khu dân cư tại thành phố Malmö, Thụy Điển

Tất nhiên, để có thể làm tốt được việc liên kết, thì các bên, đặc biệt là chính quyền, phải có một kế hoạch đề ra những mục tiêu và biện pháp rõ ràng. Thành phố Vancouver của Canada, một trong những đô thị thân thiện với môi trường trên thế giới, phát triển không gian xanh dựa trên các bản kế hoạch 5 - 10 năm. Bản kế hoạch mới nhất (tầm nhìn 2020) đề ra 10 mục tiêu, ví dụ như trồng thêm tối thiểu 150.000 cây xanh, hay thực hiện việc cải tạo các bãi rác xưa nay thành công viên và không gian mở. Mô hình phát triển của Vancouver thành công đến mức được nhiều đô thị khác bắt chước làm theo, như dự án Dubai Marina ở Dubai, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Các thành phố châu Âu, kể cả những thành phố có lịch sử phát triển lâu đời như Rotterdam (Hà Lan) và Stuttgart (Đức) cũng đang chạy đua để xây dựng không gian xanh. Ở Anh Quốc, bất cứ khu dân cư nào có từ mười hộ gia đình sinh sống trở lên phải có hệ thống thoát nước thân thiện với môi trường. Để làm được điều này, ngoài hệ thống cống rãnh thông thường, chính quyền và người dân còn cùng xây dựng những chiếc hồ hay con đường lát sỏi. Mục tiêu chính ở đây là giúp điều hòa thủy lợi và môi trường bằng cách tăng tỷ lệ nước mưa thấm vào đất.

Ngoài những bài học kể trên, còn có kinh nghiệm gì mà Việt Nam có thể rút ra từ những thành công của các nước đi trước? Có lẽ đó là cách để chúng ta tự thay đổi cách suy nghĩ của mình. Trong thời buổi Internet như hiện nay, có thể dễ dàng tiếp cận được những ý tưởng, công nghệ mới. Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải thay đổi toàn bộ những quan điểm và nỗi sợ hiện có nếu muốn theo đuổi con đường phát triển đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.