GFS hợp tác với doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc

Thứ Hai, 03/12/2018 - 21:20

Sáng ngày 30/11/2018, tại Hà Nội, Chương trình giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hồ Nam – Trung Quốc đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tầm cỡ. Tập đoàn GFS và Tập đoàn Kiến Công Hồ Nam - doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc, có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực: bất động sản - xây dựng hạ tầng, thiết bị đường sắt, kể cả các hoạt động ở nước ngoài… đã ký biên bản ghi nhớ về việc đẩy mạnh hợp tác phát triển tại Việt Nam và Hồ Nam – Trung Quốc.

Hình ảnh ký kết

Hình ảnh ký kết

Theo đó, hai bên sẽ tập trung hợp tác phát triển trong lĩnh vực bất động sản và phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, thủy lợi, đô thị tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu mở rộng hợp tác tại những lĩnh vực khác mà hai bên có tiềm năng phát triển.

Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Quyết Tiến – Phó Chủ tịch Tập đoàn GFS cho biết: “Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ mở ra nhiều cơ hội hợp tác tuyệt vời giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, mà còn khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời giữa nhân dân hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển bền vững. Trên con đường đi đến thành công, ngoài các nguồn lực và sức mạnh tự thân GFS còn cần đến sự hợp tác và tương trợ của đối tác trên tinh thần chân thành, tin cậy, tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và duy trì lợi ích bền vững, dài lâu”. Với tiềm năng và thế mạnh của doanh nghiệp hai nước, Tập đoàn GFS kỳ vọng và tin tưởng rằng trong tương lai sẽ tiếp tục còn nhiều cơ hội hợp tác mới nữa được mở ra cho cả hai bên. Tập đoàn GFS mong muốn và đã sẵn sàng để hợp tác với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc trong lĩnh vực phù hợp – ông Tiến cho biết thêm.

Ông Hoàng Quyết Tiến phát biểu

Ông Hoàng Quyết Tiến phát biểu

Đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, ông Đỗ Gia Hào – Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam, Chủ nhiệm Ban Thường vụ Hội đồng nhân dân tỉnh Hồ Nam cho biết: Những năm gần đây, doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, tỉnh Hồ Nam nói riêng đã chú trọng triển khai hợp tác thương mại và không ngừng mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai bên đang có nhiều triển vọng hợp tác lâu dài. Hồ Nam sẵn sàng mở rộng hợp tác và mong muốn xây dựng nền tảng hợp tác song phương với các tỉnh, thành, doanh nghiệp của Việt Nam trong các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, kinh tế thương mại, năng lượng, nông nghiệp...

Ông Đỗ Gia Hào

Ông Đỗ Gia Hào

Tính đến hết tháng 4/2018, Trung Quốc xếp thứ 7 trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với gần 1.900 dự án, tổng vốn đầu tư trên 12,5 tỷ USD. Trong đó, có 84 doanh nghiệp Hồ Nam với vốn đầu tư hơn 510 triệu USD. Với xu hướng mở rộng và dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay, dự báo dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung Quốc là nền kinh tế có năng lực sản xuất mạnh, các doanh nghiệp Trung Quốc đang không ngừng mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam hiện là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau và vị trí địa lý thuận lợi cho việc trao đổi thương mại. Đó là lý do mà doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao tiềm năng và mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư với Việt Nam.

Hiện tại, GFS đang có kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Hồ Nam để có thể hỗ trợ tốt nhất cho việc hợp tác của 2 bên cũng như giúp cho việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu hữu cơ cao cấp đặc sắc của GFS được thuận lợi tại thị trường hơn 1,3 tỷ dân này.

Hồ Nam là là một tỉnh giàu tài nguyên và khoáng sản, có dân số khoảng 80 triệu người và đa dạng về dân tộc. GDP năm 2017 đạt hơn 500 tỷ USD. Ngành nông nghiệp tại Hồ Nam tương đối phát triển, cây trồng chủ yếu là lúa và bông. Hiện nay, tỉnh Hồ Nam đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và ngành công nghiệp vật liệu mới, chế biến thực phẩm và công nghiệp nặng.

GFS tin rằng, nhiều vận hội mới, cơ hội mới đang chờ đón doanh nghiệp hai nước ở phía trước để thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm tiêu biểu tại thị trường hai nước.

Trải qua hơn 20 năm, Tập đoàn GFS không ngừng phát triển với 12 đơn vị thành viên và ghi dấu ấn thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Với tôn chỉ “Cùng hợp tác, cùng sáng tạo và cùng chia sẻ để vươn tới thành công”, GFS luôn nỗ lực hợp tác với đối tác và khách hàng trong mọi hoạt động kinh doanh, phấn đấu trở thành doanh nghiệp uy tín, đẳng cấp và chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam với các lĩnh vực đầu: Bất động sản - xây dựng hạ tầng - năng lượng tái tạo; khoa học - công nghệ và nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc.

Với chiến lược phát triển ứng dụng, trao đổi khoa học công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn và chuyển giao những công nghệ hiện đại nhất từ các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc về Việt Nam và ngược lại, Viện Công nghệ GFS là nơi quy tụ và hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Nga, Israel, Ukraina…; thực hiện liên kết sâu rộng với các tổ chức khoa học - công nghệ trong nước và quốc tế.

Tập đoàn Kiến Công Hồ Nam (HCEG) là doanh nghiệp nhà nước vốn lớn, có doanh thu 30 tỷ USD, nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, 80 nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc, 60 công ty Thiết kế kỹ thuật & Kiến trúc xây dựng hàng đầu Trung Quốc. 

Kiến Công Hồ Nam đã thiết lập doanh nghiệp tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong các lĩnh vực xây dựng nhà ở, cầu & đường, đường truyền tải điện, cấp thoát nước, thuỷ điện, bảo vệ môi trường… Sáng tạo và phối kết hợp tốt với xã hội bản địa tạo hình ảnh đẹp về một doanh nghiệp Trung Quốc trong thị trường đấu thầu quốc tế là mong muốn của doanh nghiệp này. Kiến Công Hồ Nam phấn đấu trở thành nhà thầu đẳng cấp thế giới và nhà đầu tư quốc tế.