Ngân hàng lại rục rịch lên sàn

Thứ Năm, 03/05/2018 - 06:01

Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đang chuẩn bị kế hoạch lên sàn chứng khoán để thu hút nhà đầu tư.

Tựa vào vốn ngoại lên sàn?

Trong đại hội cổ đông (ĐHCĐ) VietBank vừa qua ngân hàng này đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 1.007 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần cho công chúng và cán bộ công nhân viên. Trước mắt, trong đợt 1 lượng vốn tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng và VietBank dự kiến niêm yết trên thị trường UPCoM và đến năm 2020 sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Nam A Bank cũng đưa ra tờ trình ĐHCĐ về việc niêm yết chứng khoán sau khi bị lỡ hẹn từ năm 2015. Theo đánh giá của Nam A Bank, vào năm 2018, tình hình thị trường diễn biến thuận lợi hơn nên Hội đồng quản trị (HĐQT) trình cổ đông xem xét thông qua việc niêm yết chứng khoán. Đồng thời giao và ủy quyền cho HĐQT cân nhắc quyết định lựa chọn thời điểm thích hợp thực hiện niêm yết theo đúng các quy định của pháp luật liên quan.

Tương tự, OCB cũng đã trình ĐHCĐ về việc niêm yết trên sàn HoSE trong năm 2018, thời điểm niêm yết chậm nhất vào cuối quý III đầu quý IV. HĐQT SCB cũng sẽ lên kế hoạch niêm yết sàn sau khi hoàn tất xong việc tái cấu trúc trong năm 2018 hoặc 2019...

Theo lý giải của lãnh đạo các ngân hàng về việc nhanh chóng niêm yết trong năm nay không chỉ vì thị trường chứng khoán đang thuận lợi mà việc thu hút vốn từ đối tác ngoại cũng đang có những tiến triển rõ rệt. Điển hình như HĐQT của SCB cho rằng, “thời điểm này là thời điểm vàng để lên sàn vì có nhiều lực đỡ từ vốn ngoại”.

TPBank

TPBank lên sàn có sự góp sức của dòng vốn IFC

Ghi nhận của phóng viên, nhiều ngân hàng đang được hỗ trợ từ nguồn vốn ngoại rất lớn nên việc niêm yết trong năm nay không còn là trở ngại. Đơn cử như OCB, từ cuối năm ngoái, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital đã đầu tư vài chục triệu USD vào ngân hàng này để sở hữu cổ phần. Hiện thông tin chi tiết về thương vụ này chưa được OCB tiết lộ rõ nhưng nguồn vốn từ VOF được xem là khoản đầu tư mạnh để đưa OCB lên sàn HoSE ngay mà không cần phải qua UPCoM.

Một lãnh đạo của Nam A Bank cho biết, ngân hàng này dự kiến sẽ bán được cổ phần cho nhà đầu tư ngoại trước khi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE. Nam A Bank cho rằng, hiện ngân hàng thu hút được khá nhiều đối tác chiến lược, trong đó một số nhà đầu tư tiềm năng đến từ Nhật Bản và Hong Kong. SCB cũng là một trong số ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với một số đối tác ngoại và đặt mục tiêu thu hút được tối thiểu 700 triệu USD…

Nhà đầu tư nhòm ngó cổ phiếu sắp niêm yết

Thực tế, những ngân hàng nếu thực sự thu hút được vốn ngoại thì việc lên sàn khá dễ dàng, chẳng hạn TPBank lên sàn có sự góp sức của dòng vốn IFC. Một số ngân hàng thời gian qua đã niêm yết trên sàn chứng khoán khá tốt như: ACB, Techcombank, Sacombank, Eximbank…

Chính vì lợi thế vốn ngoại nhiều nhà đầu tư tin tưởng rằng săn lùng cổ phiếu chuẩn bị niêm yết sẽ đem lại cơ hội lớn. Đặc biệt khi niêm yết lên sàn chứng khoán, có những cổ phiếu ngân hàng có mức giá tăng bình quân khoảng 20%, thậm chí 70% so với khi chưa niêm yết, tạo hiệu ứng săn cổ phiếu chờ niêm yết trên thị trường nóng hơn.

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, thừa nhận có không ít nhà đầu tư chỉ cần đăng ký mua cổ phiếu ngân hàng thành công đã bán quyền mua sang tay, mỗi cổ phiếu lời hơn chục ngàn. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng có những cổ phiếu chỉ tăng theo hiệu ứng, thậm chí có những cổ phiếu được chào bán với mức giá cao dù ít người mua, mục đích của việc này là để tạo mặt bằng giá mới cho cổ phiếu, tạo đà cho đợt niêm yết trong tương lai. Nhà đầu tư nếu theo đuổi ảo ảnh cổ phiếu chưa niêm yết dễ phải chịu hậu quả, mà bài học nhãn tiền đối với những cổ phiếu đã niêm yết là giữ lại thì không có cổ tức, bán thì lỗ.

Cũng có cái nhìn tương đồng, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc môi giới CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để các ngân hàng niêm yết. Nhưng đối với nhà đầu tư thì cần phải xem xét giá vì giá cổ phiếu ngân hàng đang bị đẩy lên rất cao. Chẳng hạn như Techcombank dự kiến sẽ lên sàn chính thức vào tháng 6 tới đây là một trong những ngân hàng lên sàn được nhà đầu tư chờ đợi nhất trong năm nay. Tuy nhiên, với mức giá chào bán 120.000 - 128.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư phải cân nhắc thật kỹ trước khi đặt mục tiêu sinh lời kỳ vọng.

Một điểm đáng lưu ý nữa là cổ phiếu ngân hàng tăng giá sau khi lên sàn nhưng kèm theo đó là hiện tượng có nhiều nhà đầu tư ngoại chỉ lướt sóng và thực tế khối ngoại chọn thời điểm chốt lời, do đó, khi họ ồ ạt bán ra sẽ tác động rất lớn đến giá cổ phiếu đó.