Sốt đất dưới con mắt của nhà đầu tư: Thật hay là ảo?

Thứ Ba, 30/04/2019 - 06:00

Theo các nhà đầu tư, sốt đất là khi thị trường xuất hiện một thông tin tốt, đủ sức tạo ra sự tăng giá đất cũng như lượng giao dịch mạnh.

Sốt đất vì tin đồn

Khi thị trường bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như: sự đổ bộ của các môi giới, nhà đầu tư về một địa phương; giá đất nền bắt đầu gia tăng, hoạt động mua bán bắt đầu diễn ra mạnh mẽ… thì hiện tượng “sốt đất” lại được gọi tên.

Một câu chuyện vẫn đang diễn ra, lặp đi lặp lại, đó là mỗi năm 1 - 2 lần, vào thời điểm sau Tết hoặc rơi vào giai đoạn quý III hoặc IV, thị trường thường diễn ra những cơn sốt đất nền cục bộ. Những thông tin đăng tải của truyền thông về khu vực sốt đất với rất nhiều hình ảnh như kiếm tiền trăm triệu, tiền tỷ từ mỗi đợt giao dịch… càng đẩy thị trường trở thành “điểm nóng”. Và khi ấy, dư luận lại bắt đầu bàn về hiện tượng “sốt đất”.

Theo các chuyên gia, Giá bất động sản có thể tăng nhưng tùy ngưỡng dao động sẽ đẩy thị trường vào các tình trạng: Tăng 10% - trạng thái bình thường, tăng 20-50% - tăng cao và khi giá tăng tới 100% thì xảy ra bong bóng.

Theo các chuyên gia, giá bất động sản có thể tăng nhưng tùy ngưỡng dao động sẽ đẩy thị trường vào các tình trạng: Tăng 10% - trạng thái bình thường, tăng 20-50% - tăng cao và khi giá tăng tới 100% thì xảy ra bong bóng.

Điển hình như giai đoạn quý I/2019, thị trường bất động sản tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Nhơn Trạch (Đồng Nai), Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam… được nhận định đã có sự tăng giá đất giá đột biến. “Người người đi mua đất, nhà nhà đi bán đất” đã tạo nên cơn sốt đất.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thực tế đây chỉ là cơn sốt ảo khi đội ngũ môi giới, cò nậu đã cố tình tạo ra những tin đồn, thổi giá đất lên cao. Tại Hội thảo "Tiêu điểm Bất động sản quý I - Xu hướng & cơ hội đầu tư quý II/2019", bàn về sốt đất, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của sốt đất, giá ảo xuất phát từ những tin đồn. Và để chấm dứt cơn sốt đất, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: “Khi nào thông tin rõ ràng minh bạch ví dụ sáp nhập tỉnh thành, lên thành phố, lên quận thì thị trường mới bớt sốt ảo, và không chạy theo tin đồn theo tâm lý đám đông."

 Sốt đất dưới con mắt nhà đầu tư

Ở góc nhìn của các nhà đầu tư, sốt đất lại trở thành một “định nghĩa” hoàn toàn khác. Với vị thế là một người nghiên cứu thị trường, trực tiếp bỏ vốn ra để đầu tư và kiếm lời thì những nhà đầu tư lại thường bỏ qua hiện tượng sốt đất ảo.

Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Sàn Thanh Tùng Land (Vân Đồn, Quảng Ninh), cho rằng, trong mắt giới đầu tư, thực tế, cơn sốt đất nền chỉ ra trong năm 2017 và đầu năm 2018 khi xuất hiện thông tin Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong lên đặc khu kinh tế. Còn giai đoạn đầu năm 2019, thị trường bất động sản Vân Đồn chỉ sôi động hơn so với thời điểm đặc khu kinh tế tương lai này “đóng băng”.

Ông Tùng cho rằng: “Để một thị trường trở thành sốt cần phải xuất hiện thông tin tốt, tạo ra hiệu ứng mới cho thị trường. Nhưng hiện tại, Vân Đồn chưa hề có dự án nào đủ lực để tạo ra khả năng kích cầu cho một cơn sốt mạnh mẽ”.

Khi được hỏi về “sốt ảo”, ông Tùng cho rằng, chỉ có sốt đất thật hoặc không. Bởi nếu sốt thật thì đồng nghĩa, giá tăng mạnh, lượng giao dịch thật lớn. Tất yếu khi đó, thị trường phải có một sự kiện đặc biệt, đủ lực đẩy giá và lượng giao dịch lên cao.

Ông Tùng lý giải rằng, các nhà đầu tư luôn là người quan sát thị trường rất kỹ lưỡng. Thế nên, một là họ sẽ đi trước đón đầu các thông tin tốt. Thứ hai, các nhà đầu tư đều có sự cân nhắc kỹ khi bỏ vốn dựa trên kinh nghiệm và khả năng đầu tư của mình. Với nhà đầu tư ít tiền, họ có xu hướng “lướt sóng” trong cơn sốt đất để kiếm tiền chênh. Nhưng với nhà đầu tư nhiều tiền, họ ít quan tâm tới cơn sốt đất bởi họ sẵn sàng bỏ vốn vào những khu vực có tiềm năng tăng giá.

“Tỷ lệ không thành công của các nhà đầu tư “ăn theo” thông tin tốt chỉ khoảng 20 - 30% là “chạy” theo trào lưu và khoảng 70% là những nhà đầu tư có tầm nhìn và chiến lược. Nếu đã đầu tư, họ chấp nhận đánh cược với rủi ro. Rủi ro càng cao thì mức lợi nhuận có thể càng lớn. Trong thời điểm thị trường nóng thì tất yếu tỷ lệ thành công rất cao. Đa phần các nhà đầu tư đều có chiến lược và lựa chọn góc độ an toàn”, ông Tùng chia sẻ.

Đồng quan điểm đó, ông L. L. (Giám đốc Sàn giao dịch V.L tại Hà Nội) cho rằng: “Đối với nhà đầu tư, họ chỉ có tư duy rằng, kiếm lời hay không kiếm lời, tiềm năng hay không tiềm năng. Còn lại, sẽ không có sốt đất thật hay ảo. Bởi nếu sốt thật là khi giá được đẩy lên quá mạnh so với thời điểm trước khi thông tin tốt xuất hiện. Vì nhà đầu tư chính là người trực tiếp tham gia thị trường nên họ sẽ có quyết định kỹ lưỡng trước khi bỏ vốn đầu tư”.