Theo nghệ nhân Nguyễn Đức Sảng, Phó Chủ tịch Hội làng nghề Sơn Đồng, với hơn 80% số hộ sinh sống bằng nghề, trong đó có hơn 1.000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân giỏi, mỗi năm người dân Sơn Đồng chế tạo ra hàng chục nghìn sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ khách hàng.

Với bề dày khoảng 800 năm, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng được ví như là "thiên đường" về đồ thờ cúng hay đồ trạm khắc thủ công mỹ nghệ.
Còn xưởng sản xuất của anh Nguyễn Trung Thành những ngày giáp Tết dường như hoạt động hết công suất của 20 nghệ nhân, bởi lượng hàng phải trả cho khách vào dịp cuối năm gấp 2 - 3 lần với hàng ngàn sản phẩm.

Mỗi một sản phẩm đều được làng nghề làm rất cầu kỳ, cẩn thận, nên mất nhiều thời gian. Có những tác phẩm phải để mộc nhiều tháng cho gỗ khô ngót một cách tự nhiên sau đó mới đưa vào hoàn thiện. Vì vậy, giá trị mỗi sản phẩm hàng chục triệu đồng, có bức tượng trị giá cả tỷ đồng.

Các pho tượng có hồn và sống động qua sự nhào nặn bởi những bàn tay tài hoa mất hàng tháng trời, với những quy trình tỉ mỉ, công phu và tinh tế.

Với tài nghệ trong nghề sơn, tạc, những nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng đã tạo ra được những bức tượng như Đức Thánh Trần, Văn Thù Bồ Tát, Tam Thế Phật, Phật bà nghìn tay nghìn mắt, Phật Thích Ca, Phật A di đà, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán...

Ngoài sự tài hoa, bí kíp riêng thì việc chọn chất liệu để làm tượng được nghệ nhân nơi đây chú trọng, đó là sử dụng gỗ mít bởi đặc tình mềm, dẻo, thớ dặm, bền, ít nứt, dễ gọt, chịu được ẩm ướt. Vì vậy, người dân làng nghề thường lựa chọn mua gỗ mít từ các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Thọ… Các khúc gỗ sẽ được loại bỏ hết phần giác và giữ lại phần lõi để tạc tượng.

Sau khi thực hiện xong phần đục các chi tiết, nghệ nhân sẽ tiến hành khâu rất quan trọng đó là sơn tượng. Kỹ thuật sơn tượng rất kỳ công và tỉ mỉ như nghệ thuật sơn mài. Đầu tiên, người thợ sơn sẽ trộn đất phù sa rồi bó bằng sơn sống và sơn thí để hom tượng. Sau mỗi công đoạn, tượng lại được mài bằng đá và nước. Người thợ sẽ sơn lên sau đó lại mài đi.

Việc này cứ được thực hiện cho đến khi bề mặt tượng được phẳng, nhẵn và mọng. Sau đó dùng một lớp sơn cầm thếp để sơn phủ lên. Tiếp theo là đợi cho sơn cầm thép se tới khi nào mà sờ tay thấy còn hơi dính thì người thợ sẽ dán bạc hoặc dán vàng quỳ tùy theo yêu cầu của khách.

Mỗi dịp Tết đến làng nghề càng trở nên bận rộn vì lượng hàng hóa phải trả cho khách đặt tăng cao gấp nhiều lần.

Có thể nói gần như trong các chùa chiền, nhà thờ, nhà cúng lớn nhỏ trên nhiều vùng của cả nước đều có những pho tượng hay đồ thờ cúng, sơn son thiếp bạc do nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng tạo ra.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, xã luôn chú trọng việc quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động cho làng nghề truyền thống phát triển. Từ phát triển mạnh làng nghề nên kinh tế các hộ gia đình khá giả, nhờ đó mà phong trào văn hóa, thể thao phát triển rất mạnh, dường như không có tệ nạn xã hội. Mặc dù là xã nông thôn, nhưng trên địa bàn có nhiều câu lạc bộ thể thao như: Câu lạc bộ đạp xe với cả ngàn chiếc xe đạp, 40 câu lạc bộ bóng đá, nhiều câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn, tennis…

Những ngày cuối tháng 11/2022, cả làng nghề Sơn Đồng nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách cách. Cả xã Sơn Đồng có 400 hộ, với khoảng 4.000 lao động đang hoạt động cho làng nghề truyền thống này.

Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, xã đang tiếp tục đề nghị với các cấp để thực hiện dự án phát triển làng nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập nhiều hơn nữa cho người dân địa phương. Xã cũng tập trung tuyên truyền, vận động cho các hộ sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP 2023…/.

Trọng Chính
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận