Nằm trên lưu vực sông Trường Giang, Hoàng đế Tống Quang Tông đặt tên cho vùng đất này là Trùng Khánh sau khi đăng cơ năm 1189. Đây là tên gọi có ý nghĩa khá đặc biệt, theo tiếng Hán “Trùng Khánh” có nghĩa là “hạnh phúc nhân đôi”, mong ước tốt lành của vua Tống cho người dân sống hai bên bờ sông Dương Tử.

Ngay khi ngang qua cây cầu dẫn vào trung tâm thành phố, hình ảnh gây ấn tượng với du khách là những dãy nhà chọc trời nằm sát nhau hai bên bờ sông Trường Giang.
Được ví như “thành phố của những cây cầu”, Trùng Khánh hiện có khoảng 4.000 cây cầu lớn nhỏ, trong đó 24 cây cầu lớn kết nối các đô thị hai bên bờ sông như cầu dây văng Chaotianmen bắc qua sông Trường Giang trong ảnh.

Trùng Khánh xưa vốn thuộc đất Ba cho đến khi Lưu Bị vào Xuyên đã gộp chung thành Ba Thục. Lưu Bị thống lĩnh một cõi Ba Thục nhưng vì muốn báo thù cho Quan Vũ và Trương Phi bị Đông Ngô hãm hại nên đã cất bảy mươi lăm vạn quân báo thù. Bị tướng Đông Ngô là Lục Tốn dùng kế hỏa công, đốt sạch hơn 700 liên hoàn trại, Lưu Bị dẫn bại binh về thành Bạch Đế và mất ở đó. Hàng loạt các dấu ấn liên quan đến đất Ba Thục xưa còn lưu lại trên đất Trùng Khánh như Thành Bạch Đế, Miếu Trương Phi...

Di chuyển trên các tuyến phố Trùng Khánh, đập vào mắt du khách là cảnh đường chồng đường, nhà chồng nhà…
… hệ thống giao thông được ví như “ma trận” tại Trùng Khánh…
… và những nhà ga của các tuyến tàu điện ngay các tòa nhà.

Với khoảng 30 triệu dân, TP. Trùng Khánh tách khỏi tỉnh Tứ Xuyên năm 1997 và hiện là một trong những đô thị phát triển nhất vùng Tây Nam Trung Quốc. Vùng đô thị trung tâm của thành phố có tên là bán đảo Du Trung, nằm ở giao điểm của hai con sông Trường Giang và Gia Lăng, có vị trí chiến lược quan trọng trong vận tải đường thủy và cũng là đầu mối giao thông của vùng Tây Nam Trung Quốc.

Các nút giao thông chồng chéo với các khúc cua và cầu vượt cũng là điều ấn tượng cho du khách khi đến Trùng Khánh…
… thậm chí uốn lượn quanh hàng loạt cao ốc mọc sát nhau hai bên bờ sông Trường Giang.

Nếu so sánh với Bắc Kinh mang vẻ đẹp hiện đại sầm uất, Thượng Hải mang đến nét đẹp hoài cổ độc đáo thì đến Trùng Khánh là chứng kiến sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại trong từng đường nét kiến trúc. Ấn tượng đầu tiên khi đến Trùng Khánh là kiến trúc đô thị với nhà chồng tầng độc đáo. Thử hình dung khi bạn bấm thang máy lên xuống tầng 1 mà mở ra thấy ngay mặt đường, rồi bấm ngược lên tầng 9, mở ra lại là một con phố mặt tiền khác. Điều đó bắt nguồn từ cấu trúc địa hình phức tạp bên dòng sông Dương Tử và Gia Lăng, bờ sông là những vách đá cao sừng sững và sâu khoảng vài chục mét. Những chung cư và cao ốc xây dọc theo bờ sông bởi thế có cấu trúc móng rất chắc chắn, xếp tầng lên nhau.

Trùng Khánh có vô số con đường, giao lộ, đường tàu xây trên cao và “chồng” lên nhau chằng chịt làm khó cả các tài xế địa phương mỗi khi di chuyển tìm địa chỉ đến.

Ngoài ra, kiến trúc đô thị, giao thông ở Trùng Khánh cũng khiến bạn hoa mắt với những cây cầu vượt chồng lên nhau. Một con số khó tin nổi là có khoảng 4.000 cây cầu lớn nhỏ, trong đó 24 cây cầu nối đô thị 2 bên bờ Trường Giang đã khiến Trùng Khánh được ví như “thành phố của những cây cầu”.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Trùng Khánh ngày càng có nhiều chung cư được xây dựng ở các vùng ven đô phục vụ nhu cầu nhà ở người dân trong khu vực.

Một kiểu kỳ lạ khác của giao thông Trùng Khánh còn ở việc các tuyến đường sắt trên cao với các chuyến tàu điện chạy ngang cửa căn hộ chung cư. Tại đây, bạn sẽ phải làm quen với việc tàu cứ chạy vùn vụt trên đầu cả ngày, quen với việc đang tản bộ ở một quảng trường rộng lớn mà dưới đó là cả chục tầng nhà… Điểm tham quan mà phần đông du khách đến Trùng Khánh không thể bỏ qua là ga tàu Liziba. Đông nhất là vào dịp cuối tuần có hàng chục ngàn du khách được các công ty du lịch đưa đến chỉ để tận mắt ngắm, để chụp hình giây phút các đoàn tàu điện xuyên qua chung cư 19 tầng, với một cảm giác hồi hộp, thót tim.

Tham quan Trùng Khánh, du khách sẽ không cảm thấy nhàm chán bởi độ tấp nập và náo nhiệt nơi đây. Trong ảnh là những người phụ nữ Trùng Khánh chuẩn bị tham gia cuộc thi múa dành cho lứa tuổi trung niên, một trong những hoạt động sinh hoạt cộng đồng rất được chú trọng ở thành phố này.

Rối rắm với cơ sở hạ tầng phức tạp là thế, nhưng Trùng Khánh vẫn là địa điểm đáng đi nhất trong đời được du khách đón nhận nồng nhiệt. Bỏ qua những cây cầu phức tạp, bạn còn có dịp trải nghiệm món lẩu cay cay Tứ Xuyên, thách thức giới hạn con người, khiến ai cũng mê đắm sau một lần thử sẽ được viết tiếp ở kỳ sau./.

Trọng Chính
Lê Quyên
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận