Aa

Bài 2: Người xây dựng trái phép và cán bộ xã Minh Phú (Sóc Sơn) nếu thiếu trách nhiệm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thứ Năm, 14/04/2022 - 06:15

Tùy vào tính chất mức độ vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tổ chức, cá nhân vi phạm và cán bộ làm sai, làm chưa đúng chức năng nhiệm vụ được giao có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Như Reatimes đã phản ánh, tình trạng vi phạm xây dựng trên địa bàn xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) thời gian qua có diễn biến phức tạp, nhưng không được chính quyền địa phương xử lý triệt để. Theo ghi nhận của PV, nhiều khu vực người dân ngang nhiên san gạt, hạ cốt nền đất rừng, thậm chí xây dựng cả một khu nghỉ dưỡng, homestay trên đất quy hoạch là đất quốc phòng.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis đã đưa ra những đánh giá về góc độ pháp lý liên quan đến vấn đề này.

Luật sư Hà phân tích, theo quy định tại Điều 12 Luật Đất đai 2013 các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích…. Do đó, khi tổ chức, cá nhân có hành vi lấn, chiếm, hủy hoại và xây dựng công trình trái phép trên đất rừng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ của hành vi sai phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

“Pháp luật có quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng, là hành vi tự ý chuyển mục đích trái phép đất rừng thành đất phi nông nghiệp căn cứ theo khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo các quy định tại các điểm c, d khoản 1 Điều 57 của Luật Đất đai”, luật sư Hà nói.

Sai phạm đất rừng xã Minh phú Sóc Sơn
Tùy vào mức độ vi phạm nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi lấn, chiếm, hủy hoại tài nguyên để xây dựng công trình trái phép trên đất rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Hủy hoại rừng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định, người có hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép đất rừng sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền lên đến 250 triệu đồng. Đồng thời phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp nào có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

“Đối với các hành vi có tính chất nghiêm trọng, tùy vào mức độ vi phạm nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi lấn, chiếm, hủy hoại tài nguyên để xây dựng công trình trái phép trên đất rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Hủy hoại rừng theo quy định của Điều 243 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư Hà khẳng định.

Với tội danh này, khung hình phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm là từ 7 năm đến 15 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Đối với tổ chức có khung hình phạt cao nhất từ 6 tháng đến 3 năm, nếu phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Cần áp dụng các chế tài xử lý để chống tham nhũng, tiếp tay cho sai phạm

Như phân tích ở trên, rõ ràng là việc xây dựng trái phép trên đất rừng, đất đã quy hoạch đất quốc phòng là trái quy định. Hơn nữa, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã ban hành văn bản nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng, xây dựng trái phép đất quy hoạch đất quốc phòng (di dời Trung đoàn 165). Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà tại xã Minh Phú lại xảy ra tình trạng “trên thì nóng, dưới vẫn lạnh”, dẫn đến việc vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra và tiếp tục “phình to”?

Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Hân  - Chủ tịch UBND xã Minh Phú vẫn khẳng định: “Chúng tôi suốt ngày đi kiểm tra”. Lý giải về tình trạng để xảy ra các công trình xây dựng trên địa bàn, bà Huyền - Cán bộ Tổ Quản lý trật tự xây dựng địa bàn xã Minh Phú thì thanh minh: “Cái này chúng tôi có kiểm tra, sai phạm đến đâu về đều báo cáo lãnh đạo và xã sẽ có kế hoạch xử lý. Nếu trường hợp phát hiện sai phạm, sẽ cưỡng chế tháo dỡ ngay. Chúng tôi làm có quy trình, thiết lập hồ sơ và báo cáo huyện”.

Một mặt, bà Huyền cũng phải thừa nhận: “Về luật xây là sai, nhưng phải xét nhiều góc độ” (?). Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng các đơn vị chức năng địa phương yếu năng lực đến mức độ không phát hiện ra những công trình sai phạm ngang nhiên trên đất rừng, hay có sự bao che của chính quyền địa phương, sự “bảo kê” của một “thế lực ngầm” nào đó dẫn đến các công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại trong suốt thời gian qua. Và, liệu rằng UBND xã Minh Phú có đang “phớt lờ” chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn, về công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn?

Theo luật sư Hà, đối với cơ quan quản lý Nhà nước (ở đây là UBND xã Minh Phú, UBND huyện Sóc Sơn) nếu có sự thờ ơ, buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng dẫn đến hậu quả các công trình xây dựng mọc lên ngang nhiên, họ là cán bộ, công chức, viên chức cũng phải chịu trách nhiệm.

“Theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Ngoài ra, tùy vào mức độ của hành vi vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 229 của Bộ luật hình sự 2015 về Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, luật sư Hà phân tích.

Vi phamjd đát rừng sóc sơn
Cử tri kiến nghị, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cần chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh, triệt để và đối chiếu các quy định pháp luật nếu cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Bên cạnh đó, luật sư Hà cũng đánh giá: “UBND cấp huyện thì có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, tuy nhiên thực tiễn công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vẫn hời hợt, chưa đủ mạnh tay, chưa đủ răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với các cán bộ làm sai, làm chưa đúng chức năng nhiệm vụ được giao, thì cần áp dụng các chế tài xử lý kỷ luật để nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống tham nhũng, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho các hành vi sai trái”.

Trước những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai, xây dựng xảy ra tại địa bàn xã Minh Phú, một vấn đề đặt ra ở đây là đến khi nào chính quyền địa phương – cụ thể là UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Minh Phú mới xử lý quyết liệt, triệt để vi phạm. Trong khi, chế tài xử lý vi phạm theo quy định pháp luật đều đã có trong tay, không hiểu vì sao chính quyền địa phương vẫn “bình chân như vại”?

Chiếu theo các quy định, để xảy ra tình trạng như trên thì việc chỉ đạo xử phạt hay cưỡng chế là thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh. Để xử lý vi phạm, căn cứ Điều 38, Điều 39 Nghị định 19/2019/NĐ-CP, quy định Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thì tùy vào mức độ vi phạm thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra, còn có Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đất đai đang thi hành công vụ, Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đất đai do Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Giám đốc sở, Chánh Thanh tra Sở TNMT...

Cùng với đó, đối với việc buộc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, thì căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (quy trình buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép).

Như vậy, việc xử lý vi phạm tại huyện Sóc Sơn và điển hình là xã Minh Phú cần được cơ quan quản lý Nhà nước xử lý rốt ráo, nghiêm minh, triệt để và đối chiếu các quy định pháp luật nếu cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn và các cơ quan ban ngành có liên quan chỉ đạo giải quyết, áp dụng các chế tài về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cán bộ nếu để xảy ra sai phạm.

Cùng với đó, có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm đất đai, xây dựng tái diễn và việc mua bán chuyển nhượng trái phép đất rừng ở Sóc Sơn, từ đó tránh gây bức xúc trong dư luận.

Chủ tịch UBND xã Minh Phú (Sóc Sơn) từng bị đình chỉ chức vụ!

Theo báo chí đăng tải, ngày 26/10/2018, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn (TP. Hà Nội) đã họp, bàn các giải pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, trong đó đã thống nhất sẽ chỉ đạo tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Hân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Phú.

Thời gian đình chỉ là 30 ngày, UBND huyện đã ban hành văn bản vào đầu tháng 11/2018. Việc đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND xã là để ông Nguyễn Văn Hân không điều hành các việc khác, mà chỉ tập trung xử lý 18 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng thuộc địa bàn xã.

Trước đó, Đoàn thanh tra công vụ huyện Sóc Sơn đã làm rõ những vấn đề liên quan đến Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Văn Hân; ghi nhận một số hạn chế, khuyết điểm trong thực thi công vụ. Trong đó, đoàn thanh tra cho hay Chủ tịch UBND xã Minh Phú chưa tập trung thực hiện theo ý kiến của lãnh đạo hoặc chậm thực hiện, thậm chí không chấp hành. Bên cạnh đó, còn có một số vi phạm trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư tố cáo…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top