Vô tư rao bán đất, thi công công trình trái phép?
Huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội) có địa hình đẹp, thuận tiện, với nhiều tuyến đường giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không huyết mạch của Trung ương và Thành phố. Huyện có 26 xã, thị trấn thì có đến 11 xã có rừng. Chính vì vậy, suốt thời gian qua, câu chuyện liên quan đến công tác quản lý đất rừng, xây dựng công trình trên địa bàn huyện Sóc Sơn luôn "nóng". Thực tế, nhiều sai phạm về đất đai, vi phạm trật tự xây dựng tồn tại nhiều năm qua chưa được xử lý dứt điểm. Song song với đó, một bài toán đặt ra với các cấp chính quyền địa phương là làm thế nào để ngăn chặn vi phạm mới phát sinh, tránh tình trạng để "sự đã rồi" và sau đó lại xin "hợp thức hóa" vi phạm.
Theo phản ánh, thời gian gần đây tình trạng vi phạm trong quản lý sử dụng đất, xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có diễn biến hết sức phức tạp, nhưng không được chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý dứt điểm như ở xã Minh Phú, xã Minh Trí, xã Hiền Ninh,... Hơn nữa, còn có dấu hiệu của việc mua bán, chuyển nhượng, xây dựng trái phép trên đất rừng, đất đã quy hoạch là đất quốc phòng, xây dựng tràn lan trên đất nông nghiệp,...
Khảo sát tại nhiều khu vực thuộc xã Minh Phú như thôn Phú Ninh, thôn Lâm Trường,... PV ghi nhận có nhiều tổ hợp công trình được xây dựng trên đất quy hoạch là đất rừng, đất quốc phòng.
Đơn cử, tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, tình trạng rao bán đất nằm trong quy hoạch đất quốc phòng diễn ra công khai và việc xây dựng trái phép diễn ra nhức nhối thời gian qua. Theo tìm hiểu, khu vực thôn Phú Ninh có nhiều diện tích đất nằm trong quy hoạch các dự án. Thế nhưng, những năm qua lần lượt các dự án vẫn “treo”, vì thế người dân nghĩ rằng dự án chưa thể triển khai và yên tâm xây dựng các công trình.
Thậm chí, người dân còn ngang nhiên san gạt, hạ cốt nền, xây dựng cả một khu nghỉ dưỡng homestay trên đất quy hoạch là đất quốc phòng.
Bà Hà, người tự nhận là chủ một khu nghỉ dưỡng cho biết: “Khu đất này khoảng 5.000m2 trước đây là đất quy hoạch nghĩa trang, gần đây nhất là quy hoạch của Trung đoàn 165. Tôi mới làm nhà cách đây 2 tháng”.
Theo quan sát của PV, khu vực này được chủ nhà thi công nhiều hạng mục công trình, có dấu hiệu đổ bê tông kiên cố. Khu đất có nhiều công trình hoành tráng. Theo tiết lộ của chủ nhà thì nơi đây sẽ là một khu nghỉ dưỡng homestay. Chủ công trình tiết lộ: “Em xây dựng và bị xử phạt 4 triệu đồng, vì ở đây là dự án treo”.
Tuy nhiên, điều khiến PV ngạc nhiên là tại sao khu đất nằm trong quy hoạch mà người dân lại ngang nhiên thiết kế nhiều hạng mục công trình và tạo ra cả một khu nghỉ dưỡng như vậy? Lý giải về điều này, chủ công trình tiết lộ: “Em đã "làm luật" với họ rồi, ở đây xây thoải mái họ không kiểm tra”. Chưa xác minh được câu chuyện "vượt rào" cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương theo như chia sẻ của chủ khu homestay này có đúng hay không, thế nhưng, trên thực tế là hàng loạt công trình đã mọc lên và tạo ra một khu nghỉ dưỡng quy mô lớn.
Không chỉ dễ dàng thi công tổ hợp công trình nghỉ dưỡng trên, bà Hà còn cho biết việc mua bán, chuyển nhượng khu đất này dễ như chở bàn tay. “Em bán giá 1.750.000 triệu đồng/m2. Mua bán bây giờ có 2 hình thức chuyển nhượng. Một là có xã chứng nhận, thứ 2 là ra phòng công chứng lập vi bằng giữa 2 bên” chủ homestay này khẳng định.
Trái ngược với lời người phụ nữ này khẳng định, theo tìm hiểu của PV, việc rao bán, chuyển nhượng đất tại khu vực này đã bị chính quyền nghiêm cấm từ trước đó. Cụ thể, ngày 7/5/2021, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành văn bản về việc nghiêm cấm mọi hành vi chuyển nhượng, tặng cho, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định, san gạt, hạ thấp mặt bằng và xây dựng công trình trái phép thuộc phạm vi đất quy hoạch nơi chuyển đến của Trung đoàn 165 (thuộc thôn Phú Ninh, xã Minh Phú).
Như vậy, mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng và xây dựng công trình trái phép tại khu vực quy hoạch đất quốc phòng nêu trên đều là trái quy định.
Chính quyền không biết hay “bật đèn xanh” cho vi phạm?
Theo khảo sát của PV, ngoài trường hợp điển hình trên, tại nhiều khu vực tại xã Minh Phú còn có tình trạng san gạt, hạ cốt nền, có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất rừng. Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc tại sao việc vi phạm "to như con voi" có dấu hiệu vi phạm, được thi công trong nhiều ngày lại dễ dàng "chui lọt lỗ kim" như vậy? Liệu rằng có sự “bảo kê” của nhóm lợi ích nào hay không?
Và ở đây, người dân cũng đặt ra vấn đề cần nêu rõ trách nhiệm của chính quyền xã Minh Phú và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn. Có hay không sự buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý những vi phạm trên địa bàn xã Minh Phú?
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hân - Chủ tịch UBND xã Minh Phú lại cho rằng: “Chúng tôi suốt ngày đi kiểm tra”. Vị Chủ tịch xã Minh Phú cũng thông tin về khu vực quy hoạch đất quốc phòng và tình trạng người dân thi công công trình trái phép: “Khu đó là dự án treo chưa có hiệu lực, từ 2009 là làm nghĩa trang sinh thái, sau đó tách ra làm địa điểm di dời của Trung đoàn 165. Họ xây chỗ nào xong sẽ phá hết”.
Ngoài ra, ông Hân cũng khẳng định, vị trí thi công khu nghỉ dưỡng thuộc khu vực đất quy hoạch di dời Trung đoàn 165 và đã xử lý vi phạm. “Chúng tôi đã kiểm tra có hết văn bản và cũng có hết quyết định ban hành cưỡng chế”, ông Hân nói thêm.
Trao đổi về phản ánh công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch là đất quốc phòng nêu trên, bà Huyền - Cán bộ Tổ Quản lý trật tự xây dựng địa bàn xã Minh Phú cho hay: “Cái này chúng tôi có kiểm tra, sai phạm đến đâu về đều báo cáo lãnh đạo và xã sẽ có kế hoạch xử lý. Nếu trường hợp phát hiện sai phạm, sẽ cưỡng chế tháo dỡ ngay. Chúng tôi làm có quy trình, thiết lập hồ sơ và báo cáo huyện”.
Lý giải việc để xảy ra vi phạm xây dựng trên địa bàn, bà Huyền cũng thừa nhận: “Về luật xây là sai, nhưng phải xét nhiều góc độ?”. Điều khiến dư luận ngạc nhiên đó là, cho dù chính quyền xã Minh Phú vẫn khăng khăng khẳng định rằng việc xây dựng trên đất quy hoạch là đất quốc phòng (dự án di dời Trung đoàn 165) là vi phạm và đã có biện pháp mạnh để tháo dỡ, tuy nhiên, tổ hợp công trình nghỉ dưỡng trên vẫn ngang nhiên bành trướng, tồn tại nhiều tháng qua.
Để tìm hiểu rõ hơn về công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn xã Minh Phú, PV đã liên hệ UBND huyện Sóc Sơn, nhưng đến nay nhiều ngày trôi qua chưa nhận được phản hồi.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội và Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn, Công an huyện Sóc Sơn kịp thời vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để ra sai phạm (nếu có) trong công tác quản lý đất rừng, xây dựng, mua bán chuyển nhượng đất trái phép trên địa bàn huyện Sóc Sơn và điển hình là xã Minh Phú./.
Reatimes.vn sẽ tiếp tục thông tin.
Vì sao huyện Sóc Sơn chậm xử lý vi phạm đất đai?
Theo Kết luận Thanh tra số 1085/KL-TTLN-P3 ngày 14/3/2019 và Kết luận số 1125/KL-TTLN-P3 ngày 15/3/2019 của đoàn Thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội, tại Sóc Sơn còn 2.915 trường hợp vi phạm đất đai có công trình xây dựng. Trong đó, có 2.715 trường hợp vi phạm đất rừng và 200 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp có công trình xây dựng.
Tuy nhiên, trên thực tế là sau hơn 3 năm khi có kết luận, nhiều trường hợp vi phạm kể trên vẫn chưa bị cưỡng chế và xử lý. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ khắc phục những vi phạm theo kết luận thanh tra nêu trên, Văn phòng UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Thông báo số 3731/VP-ĐT về việc xử lý, khắc phục sau thanh tra về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trong phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn gửi Thanh tra Thành phố và UBND huyện Sóc Sơn.
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu huyện Sóc Sơn cần khẩn trương và xử lý dứt điểm, khắc phục sau thanh tra về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trong phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn theo kiến nghị của Thanh tra thành phố.