Aa

Bất động sản 24h: Phân lô bán nền trái phép tràn lan: Vừa có lách luật, vừa có "đi đêm"

Thứ Năm, 22/08/2019 - 10:30

Phân lô bán nền trái phép tràn lan: Vừa có lách luật, vừa có "đi đêm"; Xác định quỹ đất thanh toán trong Nghị định 69: Đủ “vá lỗ hổng” thất thoát dự án BT?;... là một số tin tức nổi bật 24h qua.

Phân lô bán nền trái phép tràn lan: Vừa có lách luật, vừa có "đi đêm"

Chỉ ra thủ phạm của tình trạng phân lô bán nền trái phép, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết: Chính giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản bất lương đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng. "Trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn", ông Châu khẳng định.

Lợi dụng bất cập của Luật Kinh doanh bất động sản, các đầu nậu sử dụng các phương thức như: thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ; thỏa thuận góp vốn; thỏa thuận hợp tác đầu tư; thỏa thuận hợp tác kinh doanh... theo quy định của pháp luật dân sự, với giá trị đặt cọc lớn, gây rủi ro cho khách hàng.

Còn ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và thi trường Bất động sản nói với VnEconomy rằng: Trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương phải cảnh báo, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan.

Cũng theo ông Ninh, để xảy ra tình trạng này lỗi một phần do người dân ham nhà giá rẻ. "Cư dân tăng số nhanh, nguồn tiền có hạn mà nhu cầu mua nhà lại lớn. Ai cũng muốn đi làm vài ba năm nhưng đã sở hữu được nhà riêng. Đó là cái người dân phải tính toán, tìm hiểu kỹ ở cơ quan công quyền thì sẽ không xảy ra trường hợp đó", ông Ninh nói.

Xem chi tiết tại đây

Dự án ma mọc lên, phân lô bán đấn nền trái phép tràn lan (Ảnh minh họa)

Xác định quỹ đất thanh toán trong Nghị định 69: Đủ “vá lỗ hổng” thất thoát dự án BT?

Mới đây, Bộ Tài chính đã có buổi họp báo chuyên đề về Nghị định số 69 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (gọi tắt là Dự án BT).

Nghị định này quy định 02 nhóm quỹ đất được sử dụng để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT, bao gồm: Đất chưa giải phóng mặt bằng và đất đã giải phóng mặt bằng. Nhà nước thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật đất đai để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT.

Đồng thời, việc lựa chọn quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư phải đảm bảo đúng quy định như sau: (i) Đất thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (ii) Việc thu hồi đất đối với quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đất đai; (iii) Trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Xem chi tiết tại đây

Thành lập Ban soạn thảo, nhóm chuyên gia sửa đổi Luật Đất đai 2013

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia và Kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là Trưởng Ban soạn thảo, đồng thời là Tổ trưởng và thường trực Tổ biên tập.

Ban soạn thảo còn có hơn 30 thành viên khác đến từ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Giám đốc Sở Tài nguyên các tỉnh thành phố.

Theo Quyết định, trách nhiệm của nhóm chuyên gia là nghiên cứu, tư vấn cho ban soạn thảo, tổ biên tập và tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện dự án.

Xem chi tiết tại đây

Những khu vực giao dịch sôi động trên thị trường nhà đất Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang cùng lúc tấn công thị trường BĐS Bà Rịa - Vũng Tàu - nơi được dự báo là điểm nóng về BĐS vùng giáp ranh TP.HCM trong thời gian tới nhờ lợi thế về kết nối hạ tầng và đứng hạng cao về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Bất động sản Vũng Tàu ở một số khu vực đang có sự biến động tăng giá

Các dự án mới từ các chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường này, nhiều dự án đang manh nha hình thành từ thời điểm tháng 4/2019 đến nay.

Theo ghi nhận, hầu hết các dự án “mới tinh” manh nha ra thị trường ở thời điểm này có lượng quan tâm khá tốt từ thị trường. Hầu hết các dự án mới chào giá giai đoạn đầu còn mềm từ 6-13 triệu đồng/m2 nên đa số là NĐT khu vực lân cận như Tp.HCM, Bình Dương tìm về mua. Nhiều NĐT có vốn trường thường mua một lúc 2-3 nền, chờ thời điểm tốt bán ra.

Thực tế thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuối tháng 7/2019 cho thấy, nếu trước đây đa số NĐT mua đất nền khu vực này là lướt sóng trong khoảng thời gian khá ngắn thì hiện tại khẩu vị có phần thay đổi, hầu hết các NĐT tìm kiếm các dự án được đầu tư về hạ tầng, tiện ích nội khu chỉn chu và đầu tư trong khoảng thời gian dài.

Xem chi tiết tại đây

Biến đổi khi hậu và câu chuyện phát triển bất động sản nghỉ dưỡng

Với những đường bờ biển dài, đẹp cùng những vùng đồi núi trù phú, Việt Nam là mảnh đất đầy tiềm năng cho việc phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Và thực tế, phân khúc này nhiều năm trở lại đây đã và đang phát triển mạnh mẽ, được nhiều doanh nghiệp chọn mặt gửi vàng.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng tại nhiều mảnh đất tiềm năng về du lịch thời gian qua đã kéo theo nhiều hệ lụy. Minh chứng rõ ràng nhất là câu chuyện thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc và Đà Lạt đã vừa phải trải qua đợt ngập lịch sử với hậu quả nặng nề. Điều này trái ngược với đặc thù địa lý là đảo và cao nguyên của các địa phương này.

“Một hòn đảo bốn bề là nước thì rất khó để úng ngập, nguyên nhân chính là do quy hoạch thiếu đồng bộ. Nhà ở, các dự án xây chen kín, dồn vào chỗ trũng, nơi có địa hình thấp, chắn hết đường thoát nước tự nhiên, trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước chưa được hoàn thiện, gây nên tình trạng ngập ở khu vực đó và dần dần ngập tới các khu vực cao hơn”, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhận định.

“Chung quy lại, hạ tầng đô thị ở những địa phương du lịch này đang không theo kịp tốc độ phát triển. Nguyên tắc của quy hoạch xây dựng là hạ tầng kỹ thuật (đường sá, điện, ống cấp thoát nước…) phải được làm trước, sau đó mới xây nhà, tuy nhiên, tại đa số khu du lịch của Việt Nam, bao giờ cũng ồ ạt xây dựng nhà ở, khu nghỉ dưỡng trước, còn đường sá, điện nước thì “chen cấy” vào sau”. Tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn, không tính đến sự gia tăng dân số và khách du lịch trong tương lai cũng là nguyên nhân dẫn đến các thiên đường du lịch phải trả giá”, ông Hồng nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top