Aa

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn còn “băn khoăn” trước giờ bấm nút

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 17/01/2024 - 11:46

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang ở giai đoạn nước rút quan trọng bởi những góp ý tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ được xem xét, chọn ra phương án tối ưu để chính thức thông qua luật vào ngày mai (18/1).

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra sáng 15/1, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật).

Do đó, tại kỳ họp bất thường lần này, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật lần này; đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận sáng ngày 15/1 tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn ghi nhận 29 ý kiến phát biểu và 9 ý kiến góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về một số điều còn vướng ở luật. 

TÁI ĐỊNH CƯ VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ NAN GIẢI

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo chất lượng trước khi được thông qua, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến đất tái định cư trong dự thảo Luật.

Quan tâm đến nội dung về bố trí tái định cư tại Khoản 4, Điều 111, ĐBQH Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) đề nghị sửa đổi, chia làm 2 trường hợp như sau: Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi nếu đủ điều kiện để tách hộ theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp tỉnh quy định mức đất ở tái định cư cho từng hộ; và Trường hợp có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (1) thửa đất ở bị thu hồi thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất tái định cư và tình hình thực tế của địa phương giao 01 suất đất ở tái định cư, quy định mức giao thêm đất ở có thu tiền sử dụng đất hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở.

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn còn “băn khoăn” trước giờ bấm nút- Ảnh 1.

ĐBQH Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai). Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Bởi trong thực tế khi các hộ bị thu hồi đất, trong hộ gia đình có nhiều thế hệ chung sống, điển hình đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế có khó khăn (trong hộ gia đình, có nhiều trường hợp đủ điều kiện tách hộ nhưng họ chưa kết hôn, hoặc ít có khả năng lấy vợ, lấy chồng, những trường hợp chồng chết, hoặc vợ chết, độc thân…  có nhu cầu ở thực tế cần được xem xét, giao đất để đảm bảo có chỗ ở theo tinh thần Hiến pháp).

"Việc quy định sẽ tránh trường hợp nhiều hộ gia đình lợi dung khe hở chính sách để trục lợi bằng hình thức mua chung 1 thửa đất ở để được hưởng chế độ giao đất tái định cư, đặc biệt là đối với những địa phương quỹ đất hạn chế, đất có khả năng sinh lời cao",

Cũng quan tâm đến nội dung về tái định cư, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) đánh giá cao quy định tại điều 91 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, và điều 110 về các dự án hỗ trợ tái định cư khi đã cụ thể hóa khá rõ yêu cầu của Nghị quyết 18 là việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải đảm bảo cho người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Điểm a Khoản 2,  Điều 110 quy định: "Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị".  Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây là tiêu chuẩn tối thiểu đối với khu tái định cư. Có thể có địa phương  có điều kiện xây dựng khu hạ tầng khu vực nông thôn đạt chuẩn của khu vực đô thị. Do vậy, tại điểm này Đại biểu đề nghị thêm là hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, tối thiểu đạt tiêu chuẩn khu đô thị mới đối với khu vực đô thị.

Đại biểu Cường đồng tình với quy định tại Điểm Khoản 3. Điều 110: "Địa điểm tái định cư được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau đây: tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi; sau đó mới mở rộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố ; sau đó tại địa bàn khác có điều kiện tương đương". Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thêm một điểm là: "Ưu tiên lựa chọn khu đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất ở địa bàn được lựa chọn để làm khu tái định cư".

Đại biểu Cường lý giải, như vậy để tránh tình trạng, cùng địa bàn xã, có địa phương dành quỹ đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư. "Một bài học thực tế là các dự án tái định cư đường vành đai 4 Hà Nội đang thực hiện dành vị trí thuận lợi nhất cho tái định cư nên người dân phải di dời chỗ ở rất đồng tình ủng hộ", đại biểu Cường nêu rõ.

THU HỒI ĐẤT CẦN RÕ RÀNG

Về thu hồi đất, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhất trí với việc liệt kê cụ thể các trường hợp quy định tại Điều 79 của Dự thảo Luật cũng như nhất trí với các căn cứ, điều kiện thu hồi đất tại Điều 80 của Dự thảo Luật.

Theo quy định của Hiến pháp 2013, để thu hồi đất, các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: thứ nhất, phải là trường hợp thật cần thiết; thứ hai, phải do luật định và thứ ba phải vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đối chiếu với các yêu cầu này, quy định tại Điều 79 và Điều 80 chưa thể hiện rõ tính chất "thật cần thiết".

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn còn “băn khoăn” trước giờ bấm nút- Ảnh 4.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn). Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, trên thực tế có trường hợp thu hồi đất nằm trong 31 trường hợp quy định tại Điều 79 và đáp ứng quy định của Điều 80 nhưng công trình sau đó lại bị bỏ hoang, lãng phí, không đi vào cuộc sống do không thật cần thiết đối với Nhân dân, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong Báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cũng nêu cụ thể nhiều trường hợp dự án đất hoang hóa hóa, lãng phí. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung cụm từ "thật cần thiết" vào phần mở đầu của Điều 79 Dự thảo Luật.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất tại Điểm b Khoản 2, Điều 87, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị bổ sung cụm từ "hoặc cấp tỉnh" thành "trường hợp không liên lạc được và không gửi được thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi thông báo trên một số báo hằng ngày của trung ương hoặc cấp tỉnh trong 3 số liên tiếp và phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình của trung ương hoặc cấp tỉnh trong 03 lần trong 03 ngày liên tiếp". Vì nếu chỉ quy định trên báo trung ương chắc chắn sẽ rất khó khăn và vướng mắc. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm báo và đài của tỉnh.

Đồng thời, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị bỏ quy định tại khoản 5 về nội dung Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất, ban hành quyết định thu hồi đất trong thời hạn 10 ngày, vì không có tính khả thi do giao thời điều chỉnh đơn giá bồi thường tài sản do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thay đổi đơn giá bồi thường giữa đơn giá sau so với đơn giá trước. Và cũng đồng thời bỏ các quy định tại điểm a, b, c, d, e, g của khoản này để gộp vào quy định tại điểm c khoản 3 của Điều 87.

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Vẫn còn “băn khoăn” trước giờ bấm nút- Ảnh 5.

ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu. Nguồn ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng, thu hồi đất vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng không có trường hợp các dự án thương mại dịch vụ trong các khu chức năng của khu kinh tế, việc này sẽ trở thành rào cản phát triển toàn diện Khu kinh tế theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và kinh tế biển của quốc gia.

Do đó, Đại biểu đề nghị bổ sung thêm 01 khoản vào Điều 79 Dự thảo Luật là "Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thương mại dịch vụ trong các khu chức năng của khu kinh tế".

Về quy định thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 82), tại điểm a khoản 1 của Điều này, đề nghị nghiên cứu giữ nguyên nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013: "a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất".

Sáng 17/1, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại phiên họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về: Kết cấu của báo cáo; các nội dung tiếp thu, giải trình; góp ý trực tiếp vào dự thảo luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top