Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị không quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo luật vì không đúng bản chất hợp tác công tư. Đồng thời đề nghị dừng triển khai mới loại hợp đồng BT vì cho rằng thời gian qua dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, dư luận không tốt; có tình trạng mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản công với giá rẻ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
“Cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định dự án áp dụng loại hợp đồng BT trong dự thảo luật. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, không quy định loại hợp đồng BT tại dự thảo luật”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo.
Như vậy, kể từ thời điểm ngày luật này có hiệu lực (1/1/2021), sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức BT. Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020. Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện.
Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Đối với dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực, cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Như vậy, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua quy định 7 loại hợp đồng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, gồm: Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO); Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO); Kinh doanh - Quản lý (O&M); Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL); Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT); hỗn hợp - kết hợp nhiều loại hợp đồng.
Luật cũng quy định 5 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, gồm: Giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết quy định này có nghĩa là chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu và đã có thực tiễn triển khai trong 20 năm qua.
Trước đó, Reatimes đã phản ánh một loạt vụ việc liên quan tới sai phạm, biến tướng tại các dự án BT ở nhiều địa phương, tạo chênh lệch địa tô, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Trong năm 2019, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện kiểm toán 28 dự án BT tại các địa phương và phát hiện nhiều vi phạm. Cụ thể, theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi tới Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án; các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước sang PPP và dự án do nhà đầu tư đề xuất không lấy ý kiến các bộ, ngành theo quy định.
Bên cạnh đó, một số dự án lựa chọn nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính nên phải thay đổi từ hình thức thanh toán bằng đất sang bằng tiền, như Dự án xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ tại TP.HCM...
Thông qua kết quả kiểm toán 28 dự án BT, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý 5.058,4 tỷ đồng. Trong đó, tăng thu ngân sách Nhà nước 112,4 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước 1.260,2 tỷ đồng; xử lý khác 1.316,1 tỷ đồng; thu hồi nộp ngân sách Nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 355,5 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 2.014,2 tỷ đồng.