Bình Thuận: Điều chỉnh quy hoạch và triển khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Bình Thuận (Nghị quyết số 69/NQ-CP).

23:30 01/10/2018

Để tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh có sử dụng đất cho thống nhất với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh.

Theo đó, việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tỉnh Bình Thuận cần tiến hành xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Cần phải điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước để bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng. Và phải có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất. Tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.

Thêm vào đó, việc quản lý sử dụng đất theo đúng quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng thu ngân sách, đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Bản đồ điều chỉnh quy hoạch đất đến năm 2020 tỉnh Bình Thuận

Bản đồ điều chỉnh quy hoạch đất đến năm 2020 tỉnh Bình Thuận

Tỉnh Bình Thuận nên khuyến khích sử dụng đất một cách tiết kiệm và hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Trong quá trình triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, cần quy hoạch diện tích đất vùng phụ cận để tạo quỹ đất sạch tạo nguồn lực từ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, ưu tiên cho người bị thu hồi đất được giao đất ở hoặc mua nhà ở (tái định cư tại chỗ) trên đất đã thu hồi mở rộng trong vùng lân cận theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhất định không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Phải kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định.

Điều đặc biệt quan trọng, UBND tỉnh Bình Thuận phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang các mục đích khác, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích đất rừng và trong việc rà soát, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định.

Riêng các công trình, dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc trường hợp phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, đất quốc phòng, đất an ninh kết hợp làm kinh tế, đất do các đơn vị quốc phòng, công an làm kinh tế tại các địa phương để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Phải đẩy mạnh điều tra, đánh giá về chất lượng, tiềm năng đất đai, đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong quản lý đất đai, nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Bình Thuận có 677.181 đất nông nghiệp, chiếm 85,25%; đất phi nông nghiệp là 112.047 ha, chiếm 14,10%; đất đô thị 47.968 ha, chiếm 6,04%.

Từ năm 2016 - 2020, có 35.065 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; có 31.355 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; có 337 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

Đối với các khu chức năng, đến năm 2020, khu sản xuất nông nghiệp có 265.892; khu lâm nghiệp 291.946 ha; khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 45.231 ha; khu phát triển công nghiệp 3.048 ha; khu đô thị có 47.968 ha; khu thương mại - dịch vụ 12.203 ha; khu dân cư nông thôn có 39.054 ha.

Hoài Phương

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Điều chỉnh quy hoạch và triển khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tại chuyên mục Nam Trung Bộ của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận