Đầu tư thông minh

Khám phá thành phố lâu đài bị bỏ hoang ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đầu tư thông minh - 23:30, 30/01/2019 G1T+7 - Lê Công Vũ/Theo Bloomberg

Những tòa biệt thự có tổng giá trị lên tới 200 triệu USD nay chịu cảnh “đắp chiếu” tại khu đô thị Burj Al Babas, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là bài học cần được các nhà đầu tư nhớ đến khi có ý định tham gia vào thị trường đất nước này.

 

Khung cảnh hoang tàn quanh những tòa lâu đài

Khung cảnh hoang tàn quanh những tòa lâu đài

Vị khách nào đi qua khu đô thị Burj Al Babas ở vùng núi tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn không khỏi dừng lại mà ngắm nghía những tòa lâu đài theo kiểu giả Gothic tưởng như chỉ thấy trong phim hoạt hình Disney. Nhưng điều lạ lùng hơn là không có bất kỳ ai sống trong những tòa lâu này đài cả. Chủ đầu tư của Buj Al Babas, tập đoàn Sarot, khi khởi công dự án vào hồi năm 2014 đã tự tin rằng chắc chắn những khách hàng nước ngoài sẽ bị cuốn hút bởi những tòa lâu đài nghỉ dưỡng theo phong cách phương Tây này.

 

 

Burj Al Babas nhìn từ trên cao

Burj Al Babas nhìn từ trên cao

Năm năm sau, khu đô thị Buj Al Babas vẫn chịu cảnh “đắp chiếu”, không tìm được người mua, còn tập đoàn Sarot cũng đang trên bờ vực phá sản sau khi đã rót gần 200 triệu USD vào dự án.

 

 

Những tòa lâu đài của Buj Al Babas không chỉ là biểu hiện của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu, mà còn là đại diện cho hiện tượng càng ngày có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng không tìm được người mua trên khắp thế giới, từ New York, Las Vegas đến Tây Ban Nha và Nhật Bản.

 

Phóng mắt từ tòa lâu đài chỉ thấy những khu rừng trên núi

Phóng mắt từ tòa lâu đài chỉ thấy những khu rừng trên núi

Burj Al Babas nằm gần thị trấn nhỏ Mudurnu ở miền tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, một khu vực có cảnh quan đồi núi tuyệt đẹp nhưng vẫn chưa được chú trọng phát triển du lịch. Một tòa lâu đài có giá nằm trong khoảng 400.000-500.000 USD, một mức giá chỉ phù hợp với các vị tỷ phú dầu mỏ Trung Đông. Trong số 732 tòa lâu đài, khoảng 350 căn đã được bán cho các nhà đầu tư Ả Rập; tuy vậy, rất nhiều hợp đồng trong số đó đã bị đổ bể. Nhiều khả năng việc này xảy ra là do tác động của giá dầu mỏ đi xuống.

 

 

Trừ đường điện được nối tạm bợ ra, khu đô thị Burj Al Babas hoàn toàn không có hệ thống nước hay khí ga

Trừ đường điện được nối tạm bợ ra, khu đô thị Burj Al Babas hoàn toàn không có hệ thống nước hay khí ga

Ngay bản thân nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu cũng đang đẩy các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài đi. Trong tháng 10 năm 2018, mức lạm phát của nước này đạt mức kỷ lục trong vòng 15 năm là 25%. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cho tăng lãi suất lên nhưng vẫn không thể nào chặn được sự trượt giá của đồng Lira.

 

 

Tuy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn rất thiếu thốn về mặt cơ sở hạ tầng, tổng thống Recep Tayyip Erdogan gần đây liên tục phải chịu sự chỉ trích của công luận về việc đi vay vốn nước ngoài quá nhiều để rót cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Không chỉ làm cho nợ công tăng quá tầm kiểm soát, nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trở nên bất ổn vì hậu quả hành của ông Erdogan.

 

Trừ khi có một phép màu cứu lấy Thổ Nhĩ Kỳ khỏi một đợt suy thoái kinh tế vào năm 2019, thì chắc chắn ngày mở bán vào tháng 10 năm nay của Burj Al Babas sẽ không thể thực hiện được, và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của nước này còn ngắc ngoải.

 

Bạn đang đọc bài viết Khám phá thành phố lâu đài bị bỏ hoang ở Thổ Nhĩ Kỳ tại chuyên mục Đầu tư thông minh của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục