"Lực hấp dẫn" của vùng đông nam Quảng Nam

Chọn khu vực đông nam để phát triển công nghiệp và dịch vụ là một chọn lựa có tính quyết định của Quảng Nam. Xung lực vùng đất này sẽ đủ sức để kéo cả con tàu kinh tế Quảng Nam trong chiến lược tăng trưởng liên vùng giữa các địa phương.

04:01 08/05/2019

Động lực công nghiệp

Đúng 11h ngày 24.3.2019, 30 container chuối tươi (tổng giá trị ước tính hơn 500.000 USD) từ cảng Chu Lai đã lên đường sang Thanh Đảo (Trung Quốc). Lô hàng đầu tiên khởi sự cuộc làm ăn của Công ty CP Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp THADI (thành viên Thaco) với kế hoạch hơn 300.000 tấn trái cây năm 2019 (1 triệu tấn trái cây vào năm 2021) sẽ được xuất sang Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Đại Liên, Thanh Đảo (Trung Quốc). Kể từ “cột mốc” đặc biệt này, trên con đường hiện thực hóa cảng Chu Lai trở thành cảng loại I, không chỉ có những chuyến hàng vận chuyển ô tô, thiết bị phụ tùng cơ khí, máy nông nghiệp… mà còn có cả container lạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của những vùng chuyên canh trái cây ăn quả, kết nối Tây Nguyên, Lào và Campuchia…

“Con sếu đầu đàn” Thaco hoạch định chiến lược trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành chỉ là lát cắt về sự sinh động đột phá công nghiệp Quảng Nam. Khu vực đông nam tiếp tục bùng nổ các dự án đầu tư công nghiệp. Các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý khẳng định sẽ có một làn sóng đầu tư, tạo nên động lực mới cho vùng đông nam. Có thể dễ dàng nhìn thấy Quảng Nam trông đợi về sự phát triển của các nhà đầu tư sau hơn 30 cuộc gặp gỡ, xúc tiến đầu tư, không thiếu những thỏa thuận, cấp phép đầu tư đã được ký kết như Exxon Mobil (Mỹ), Misubishi (Nhật Bản), UMS (Singapore), ADB, PHI Group... Theo UBND tỉnh, khá nhiều cuộc khảo sát, kết nối, ký kết biên bản hợp tác với Peugeot (Pháp), các khu công nghiệp dược liệu Hàn Quốc và nhiều cuộc vận động xúc tiến, đàm phán cụ thể, chọn lựa từng dự án đầu tư, tập trung vào các nhà đầu tư tiềm lực của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Macao, Mỹ... có thể kỳ vọng vào một sự bùng nổ đầu tư vào khu vực này.

Công nghiệp là một trong những lựa chọn hàng đầu của Quảng Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

Công nghiệp là một trong những lựa chọn hàng đầu của Quảng Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế.

Dấu ấn du lịch, dịch vụ

Trên con đường 129, “siêu dự án” Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (nay là HOIANA) 4 tỷ USD đã dần lộ diện trên mặt cát nóng ven biển Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Bình Minh (Thăng Bình) với những lô nhà, ao hồ, cảnh quan môi trường đầu tiên. Ước tính giai đoạn 1 của dự án sẽ tạo ra hơn 2.000 việc làm đảm bảo thu nhập, phúc lợi và mở rộng cơ hội đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Ngày 26.3.2019, 85 học viên chuyên ngành bảo trì và điều hành sân golf do HOIANA đào tạo miễn phí vừa tốt nghiệp đã nhận được thư mời làm việc tại dự án này. Nhiều lớp học khác về buồng phòng, nghiệp vụ nhà hàng được mở, chiêu sinh. Ông Steve Wolstenholme - quyền Tổng Giám đốc HOIANA cho biết, dự án dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2019. Công ty cam kết hỗ trợ cộng đồng địa phương. Người dân địa phương chính là đối tượng sẽ hưởng lợi từ sự phát triển của kinh tế - xã hội mà công ty góp phần mang lại cho vùng đất này.

Không “may mắn” như  HOIANA và Vinpearl Nam Hội An tiếp diễn dự án kể từ ngày khởi công, các dự án bị buộc phải dừng lại vì vướng quy hoạch ở khu vực đông nam đã có cơ hội tiến hành đầu tư trở lại. Ven con đường 129, đã xuất hiện đầy những tấm biển chỉ dẫn, giới thiệu về các dự án đầu tư du lịch, dịch vụ. Ông Phạm Ân – Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho hay, những nhà đầu tư, dự án lớn như An Thịnh – PPC, BRG, Opal Ocean View, MB Land, TUI BIUE Hyosung (Hàn Quốc), Misubishi (Nhật), Globe Developers Inc (Mỹ)… đang nóng lòng, hối thúc chính quyền địa phương hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch để sớm triển khai dự án. Các bên liên quan đang hoàn tất thủ tục để đưa giai đoạn 1 dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An vào hoạt động. Các dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí của nhiều tập đoàn đang được chuẩn bị đủ các điều kiện để khởi công.

Không ai nghi ngờ về ý tưởng và dự báo tương lai về cụm đô thị sẽ hình thành ở phía bắc Quảng Nam nổi tiếng về du lịch, dịch vụ và đô thị, phía nam đầy sức mạnh về công nghiệp. Con đường 129 kết nối từ cực bắc đến cực nam sẽ hoàn thành trong một vài năm tới, sẽ là xung lực cho vùng đất này gánh vác sứ mệnh phát triển cả con tàu kinh tế Quảng Nam tiến về tương lai. Lựa chọn nhà đầu tư chất lượng để rộng đường khai phóng vùng đông nam là một lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam!

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: “Chờ lực đẩy thị trường”

Nếu không có sự kiên trì chuyển đổi cơ cấu kinh tế công nghiệp thì chắc chắn nền nông nghiệp vốn không có lợi thế, sẽ không thể tạo dựng được diện mạo Quảng Nam như hiện nay. Sự quan trọng nhất của phát triển công nghiệp, dịch vụ chính là tạo ra đội ngũ công nhân lành nghề, tạo thu nhập ổn định cho cuộc sống gia đình.

Quảng Nam hướng đến năm 2020 sẽ đón gần 8 triệu lượt khách, tỷ trọng công nghiệp chiếm 92%. Sẽ tránh những sai lầm như đầu tư du lịch phía bắc Hội An (cắt xén, quy mô nhỏ…), khu đông nam sẽ giao diện tích lớn cho nhà đầu tư quy hoạch mang ý tưởng chiến lược. Trong vòng 10 hay 20 năm sau vẫn sẽ kiên trì chọn con đường phát triển công nghiệp và dịch vụ. Phát triển nhanh hay chậm đều phải dựa vào “lực đẩy” của thị trường chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Nhà nước.

TS.Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: “Cần doanh nghiệp đầu tàu”

Sự chọn lựa dự án động lực cho vùng đông khi từng nhóm có một “con sếu đầu đàn” là một lựa chọn đúng đắn. Kinh nghiệm phát triển, dù hiện đại hay truyền thống, đều phụ thuộc vào sự trỗi dậy của các doanh nghiệp then chốt. Quảng Nam cần có hướng tiếp cận phát triển theo quy mô vùng, đầu tư có trọng điểm, hình thành những cụm liên kết sản xuất, đồng thời tạo được sự đột phá về thể chế. Kết nối liên vùng nhanh hay chậm tùy thuộc rất nhiều vào thiện chí của các địa phương, nhưng thiếu vai trò đầu tàu của doanh nghiệp thì khó phát triển.

TS.Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: “Phát huy lợi thế biển về du lịch, dịch vụ”

Quảng Nam là một trong số địa phương có mặt tiền Biển Đông nhiều nhất đất nước. Không nhất thiết phải đợi cho thu nhập tăng lên, càng không phải đợi du lịch phát triển mà phải chọn mặt tiền biển, phát huy lợi thế về biển và lợi thế du lịch. Không thể bỏ qua bất động sản du lịch gắn liền, trực tiếp phục vụ cho nghỉ dưỡng, ẩm thực, cho các loại hình dịch vụ văn hóa, làm đẹp… Không nên chỉ chọn dự án quy mô lớn mà hãy tính đến các dự án nhỏ tạo ra môi trường cạnh tranh dịch vụ đa dạng, giá rẻ hoặc logistic du lịch trọn gói cho tất cả ngành liên quan đến du lịch.

Theo Trịnh Dũng/Báo Quảng Nam

Bạn đang đọc bài viết "Lực hấp dẫn" của vùng đông nam Quảng Nam tại chuyên mục Nam Trung Bộ của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận