Trong câu chuyện với Nguyễn Khánh Hoàng, họa sĩ chuyên vẽ tranh bút lửa ở chợ đêm Đà Lạt thì tranh bút lửa xuất hiện ở thành phố cao nguyên vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Người được xem như “cọ lửa” đầu tiên là ông Bùi Văn Dưỡng (tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris).

Khoảng thời gian những năm 1985-1990 được coi là thời hoàng kim của nghề chế tác hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ ở Đà Lạt, các hợp tác xã với hàng trăm nghệ nhân, thợ lành nghề chế tác tranh bút lửa, xuất khẩu sang các nước.

Với chiếc “bút lửa” có ngòi bằng đồng, gắn vào ổn áp 220V, các họa sĩ chuyên vẽ tranh bút lửa như Nguyễn Khánh Hoàng đã tạo nên những bức tranh “nóng” trên gỗ, mê hoặc lòng người mà không nơi nào có được.

Sức nóng từ đầu bút của họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng chạm bề mặt tấm gỗ tạo ra màu nâu cháy và tỏa mùi thơm dìu dịu. Ngòi bút lửa ấn xuống mặt gỗ mạnh, vết cháy sẽ có màu nâu đậm và chỉ khẽ chạm, màu sẽ nhạt hơn. Dưới bàn tay tài hoa của anh cũng như các nghệ sĩ khác ở chợ đêm, các tác phẩm dần hiện ra trên mặt gỗ một cách sống động, khắc họa phong cảnh, chân dung con người thành phố ngàn hoa.

Chính mảng tranh màu nâu khói này như “mối duyên tiền định” khiến họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng và những đồng nghiệp khác gắn bó nơi chợ đêm cuối tuần, giữ lại cái nghề một thời được coi là “nét duyên thầm” của Đà Lạt.

Gọi là tranh bút lửa bởi người họa sĩ không dùng mực, màu, bút chì, cọ vẽ thông thường để vẽ mà dùng bút điện hay còn gọi là bút lửa, do người vẽ tự chế tác là sợi dây dẫn điện nối cây bút có ngòi bằng đồng với nguồn điện từ chiếc ổn áp biến điện từ 220V sang 12V
Nguyễn Khánh Hoàng, họa sĩ chuyên vẽ tranh bút lửa ở chợ đêm Đà Lạt là một trong số họa sĩ có tiếng và gắn bó lâu năm với nghề vẽ tranh bút lửa, sản phẩm nghệ thuật từng một thời mang đậm dấu ấn văn hóa của Đà Lạt
Giữa ồn ào, náo nhiệt của chợ đêm Đà Lạt, ở một góc khuất có người họa sĩ trẻ vẫn lặng lẽ, mê mải chiếc bút lửa trên tay, lướt như múa trên tấm gỗ trắng mịn. Sau làn khói mỏng quyện với mùi thơm dịu từ miếng gỗ bay lên là các đường nét, hình khối dần hiện ra một tác phẩm thư pháp bút lửa.
Sản phẩm được du khách đi chợ đêm Đà Lạt yêu thích nhất của tranh bút lửa là tranh chân dung. Thường mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ một bức tranh sẽ hoàn thiện nên sau khi dạo một vòng chợ đêm, họ sẽ quay lại nhận bức chân dung còn “nóng” vẽ từ các tay “cọ lửa”…
… và với tranh bút lửa, vẽ chân dung nghệ thuật là chủ đề khó thể hiện nhất, bởi vì ngòi bút rất nóng, bắt lửa nhanh, chỉ cần giữ ngòi bút quá vài giây trên bề mặt ván, vết cháy sẽ loang ra làm mất nét. Mặt khác, ngoài việc vẽ giống nhân vật, người họa sĩ phải chọn được góc đẹp, thể hiện cái hồn của nhân vật.
Không nhiều màu sắc nhưng mỗi họa tiết từ bức tranh bút lửa vẫn toát lên vẻ đẹp riêng
Đề tài sáng tác của tranh bút lửa khá đa dạng, từ bức vẽ thư pháp đến các chủ đề tôn giáo, phong cảnh, con người
Hầu hết các tác phẩm chân dung vẽ bút lửa đều theo lối tả thực và khách có thể ngồi mẫu cho họa sĩ vẽ để lấy sản phẩm ngay hoặc với các nền tảng số, họ gửi ảnh vào điện thoại để họa sĩ thực hiện sau, đó nhận tác phẩm qua đường bưu điện
Khắc phục khó khăn về thị hiếu của du khách chọn mua sản phẩm vẽ bút lửa, các họa sĩ ở chợ đêm Đà Lạt đã đa dạng hóa chất liệu gỗ cũng như những tác phẩm như bảng tên phòng, thư pháp Việt… để thỏa mãn ước mơ được vẽ
Nghề vẽ tranh bút lửa dù gặp nhiều khó khăn khi mất hẳn thị trường nước ngoài, nhiều nghệ nhân lần lượt bỏ nghề, nhưng còn đó số ít người bám trụ vì trót đam mê dòng tranh này. Đặc biệt, có thêm nhiều họa sĩ còn rất trẻ, những người đang giữ cho dòng tranh này như một mạch ngầm bền bỉ chảy trong đời sống nghệ thuật của thành phố cao nguyên.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận