Bế tắc lời giải cho vật liệu xây dựng không nung

Thứ Tư, 21/08/2019 - 15:06

Phá vỡ những rào cản đối với việc phát triển vật liệu không nung tại Việt Nam không chỉ cần sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn của cơ quan quản lý mà còn cần sự thay đổi nhận thức của người sử dụng cũng như việc tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng.

Đó là nội dung chính tại Hội thảo Vật liệu xây dựng không nung, khởi động chuẩn bị cho Diễn đàn doanh nghiệp vật liệu xây dựng (BMF2019): “Vinh danh các điển hình tiên tiến trong sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung - Vật liệu xanh cho cuộc sống xanh” dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 11/2019 sắp tới đây.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg và một số nghị định khác về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp đã hào hứng đầu tư vào lĩnh vực vật liệu thân thiện với môi trường này. Điều đáng buồn là đa phần trong số đó không lớn được sau 7 năm ra đời, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận rời bỏ sân chơi vật liệu không nung.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, nổi cộm là câu chuyện các nhà đầu tư chạy đua theo chính sách nhưng không có sự nghiên cứu, đánh giá cũng như các tư vấn chưa sát với thực tiễn thị trường, dẫn đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ không đạt chuẩn, đưa ra các sản phẩm kém chất lượng.

Trong khi người sử dụng vẫn còn bỡ ngỡ với loại hình vật liệu không nung so với các sản phẩm đất nung truyền thống thì việc “vàng thau lẫn lộn” càng khiến cho người sử dụng cảm thấy khó khăn trong việc chuyển đổi sang sử dụng các loại vật liệu mới nhưng nhiều lợi ích này.

Cũng theo ông Nga, có không ít doanh nghiệp quyết tâm theo đuổi việc phát triển vật liệu xây dựng không nung đến tận bây giờ như Viglacera, Gạch Khang Minh, Xuân Mai Corp, tuy nhiên, cũng vì các ấn tượng xấu về sản phẩm trước đó khiến việc bán hàng đối với các dòng sản phẩm này thực tế không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lương Đức Long, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho rằng, nhận thức của một số nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây dựng không nung còn chưa đầy đủ, chưa nghiên cứu, cập nhật các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong công trình xây dựng…

Bên cạnh đó, mặc dù các tiêu chuẩn lẫn khung pháp lý quản lý hiện nay đối với vật liệu sản xuất không nung đã tương đối đầy đủ, nhưng vấn đề nằm ở việc thực thi các cơ chế giám sát kiểm soát chất lượng lại không được đảm bảo. Hệ quả là tình trạng “vàng thau lẫn lộn” đối với chất lượng sản phẩm đầu ra.

Ngoài ra, thực tế triển khai, các cơ chế ưu đãi cũng không được đảm bảo đúng theo những cam kết, dẫn đến việc cạnh tranh của các sản phẩm không nung đạt tiêu chuẩn khó khăn hơn nhiều so với vật liệu xây dựng truyền thống.

“Biên lợi nhuận của một viên gạch không nung thấp hơn rất nhiều so với biên lợi nhuận của gạch nung truyền thống”, ông Long nói và cho biết thêm dẫn đến nhiệt huyết với việc sản xuất gạch không nung của nhiều doanh nghiệp hiện nay đã giảm đi khá nhiều.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Hoài An, Tổng giám đốc Gạch Khang Minh cho rằng, xu hướng phát triển đô thị thông minh, công trình xanh đang được chú trọng chính là thời cơ cho các vật liệu xây dựng xanh phát triển.

Định hướng trong tương lai, vật liệu xây dựng không nung sẽ thay thế gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội, việc nâng chuẩn sử dụng được coi là yêu cầu cần thiết.

“Vì thế, nếu không chú tâm vào việc thúc đẩy phát triển gạch không nung, mà cụ thể ở đây là tăng cường việc thực thi các cơ chế giám sát đối với đầu ra của sản phẩm gạch không nung sẽ rất khó đưa loại vật liệu này tới tay người tiêu dùng”, ông An nhấn mạnh.