Aa

Tháo gỡ rào cản để phát triển vật liệu xây dựng xanh

Khởi Minh
Khởi Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 24/07/2019 - 20:25

Sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng đang là xu hướng tất yếu nhưng để loại vật liệu này có chỗ đứng trên thị trường thì buộc phải có cơ chế tháo gỡ những rào cản hiện có.

Đã đến thời của vật liệu xanh

Sự phát triển quá nóng của các ngành công nghiệp đã kéo theo những bất ổn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hiệu ứng nhà kính… Một trong những tác nhân gây ra bất ổn trên liên quan đến việc xây dựng các công trình. Theo số liệu thống kê, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải CFC, tạo ra 33% lượng khí thải carbonic và 40% phế thải rắn xây dựng.

Do vậy, xây dựng công trình xanh đang là xu hướng tất yếu của tương lai nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Và muốn có công trình xanh thì bắt buộc phải sử dụng vật liệu xanh. Việc thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh ở Việt Nam là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

“Nếu sống trong một ngôi nhà được xây dựng bằng các vật liệu xanh và ngôi nhà xây dựng theo kiểu phổ biến hiện nay, chủ nhân sẽ có hai cảm nhận khác nhau, đặc biệt là khi sử dụng sơn sinh thái. Ngôi nhà xây bằng vật liệu xây dựng xanh, sơn bằng sơn sinh thái sẽ không có mùi, không khí thông thoáng, sạch sẽ, không bị ẩm mốc, không chứa các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) và Formanfehyde độc hại, tạo cho gia chủ một môi trường sống trong lành.  Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà đầu tư cũng đang dần chuyển hướng sang sử dụng vật liệu xây dựng xanh để phát triển công trình xanh”, ông Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia trong lĩnh vực sơn sinh thái, Chủ tịch HĐQT Hi – Pec nhận định.

Gạch bùn.

Gạch bùn.

Các loại vật liệu xanh được sử dụng trong ngành xây dựng ở Việt Nam hiện nay có thể kể đến: Sơn sinh thái, gạch không nung, các tấm cách nhiệt, các tấm bê tông đúc sẵn, gỗ áp tường xanh, xi măng xanh, tấm thu năng lượng mặt trời, tấm lợp hữu cơ, đèn LED… Đây là những loại vật liệu được đánh giá là có “trách nhiệm” với môi trường vì các ảnh hưởng của chúng được cân nhắc trong suốt vòng đời sử dụng của vật liệu đó. Đồng thời, đảm bảo các điều kiện: Không độc hại, tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, độc hại của môi trường bên ngoài tới không gian trong phòng như cách âm, cách nhiệt, vòng đời sử dụng lâu dài và có thể tái chế sau khi sử dụng.

Gạch không nung.

Gạch không nung.

Gỡ nút thắt, “xanh hóa” vật liệu xây dựng

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam bắt đầu bước vào cuộc cách mạng vật liệu xây dựng xanh rất sớm, tuy nhiên, từ tư duy, mong muốn, chính sách đến triển khai trên thực tế còn là cả một quá trình. Bởi vẫn còn nhiều những thách thức khiến việc đưa vật liệu xanh vào thực tế xây dựng gặp khó.

“Đã có nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh nhưng việc sử dụng lại chưa được phổ biến, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự quan tâm, vẫn quen sử dụng những sản phẩm truyền thống. Ví dụ như gạch không nung là một sản phẩm phổ biến với nhiều ưu điểm vượt trội so với sản phẩm gạch truyền thống, Chính phủ cũng đã có Chương trình phát triển Vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 nhằm thúc đẩy đưa loại vật liệu này vào cuộc sống; tuy nhiên, không ít người tiêu dùng vẫn “ngại” sử dụng.

Nhiều đơn vị sản xuất, cung ứng còn mập mờ, nhập nhèm trong việc khẳng định sản phẩm vật liệu xanh hay không xanh. Nhiều doanh nghiệp xây dựng chưa mặn mà sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình của mình vì sợ chi phí tăng, chưa hiểu rõ và ngại cập nhật cách sử dụng các vật liệu mới.”, TS. Nguyễn Thanh Hải khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, quá trình phát triển công trình xây dựng xanh chưa được quan tâm đúng mức cả về góc độ quản lý nhà nước và hoạt động doanh nghiệp.Cùng với đó, do người dân chưa có thói quen trong sử dụng vật liệu xây dựng xanh, phía doanh nghiệp chậm đổi mới, đầu tư dây chuyền sản xuất mới, do những lợi ích mà sản phẩm vật liệu xây dựng truyền thống vẫn chiếm ưu thế.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để phát triển vật liệu xây dựng xanh một cách bền vững, cần có các cơ chế rõ ràng. Một mặt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất, một mặt có những cơ chế kiểm soát đối với vật liệu xây dựng truyền thống. Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng và xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng trên có quy mô trên cả nước…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiên. Đặc biệt, đối với công trình xanh cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể. Có chế tài xử lý hành chính đối với các chủ thể xây dựng không thực hiện quy định sử dụng vật liệu xây dựng xanh.

Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến công tác về đào tạo chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng mới; công bố rộng rãi những hiệu quả thực tế của công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh để người dân và doanh nghiệp hình thành thói quen thay thế vật liệu xây dựng cũ bằng các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường trong các công trình xây dựng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top