Nghĩ về "cuộc chiến vỉa hè"

Thứ Ba, 07/03/2017 - 07:13

Những ngày này, chính quyền TP. Hồ Chí Minh, mà đi đầu là Quận I, đang rầm rộ và quyết liệt dùng mọi biện pháp hành chính để làm sạch vỉa hè, vốn bị một bộ phận dân cư chiếm dụng trái phép từ nhiều năm nay, để trả lại cho giao thông đi bộ và mỹ quan đô thị. Hà Nội cũng vậy, đặc biệt là ở các phố khu vực trung tâm, công việc lập lại trật tự vỉa hè cũng đang được triển khai tích cực với sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu TP và sự ủng hộ của dư luận xã hội.

1. Vỉa hè là một phần quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị. Đó là không gian công cộng, không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là nơi sinh hoạt của cộng đồng…, kể cả bán hàng rong. Vỉa hè không thuộc sở hữu cá nhân và càng không phải là nơi trông giữ xe máy, để ô tô!

Cách đây hơn 5 năm, GS. Attnote Kim, một chuyên gia về đô thị của Viện Công nghệ Kỹ thuật Massachusetts Hoa Kỳ (MIT) đã công bố một chuyên khảo về hoạt động của vỉa hè TP. Hồ Chí Minh mà ông cùng nhóm cộng sự đã dày công khảo sát, nghiên cứu trong hơn 10 năm. Theo đó, các hoạt động buôn bán, sinh hoạt và cả đi bộ chỉ chiếm tối đa 40% diện tích vỉa hè, còn 60% là bị chiếm dụng để xe máy. Đây là điều rất bất cập chỉ có ở các đô thị Việt Nam.

Lâu nay, có nhiều quan niệm khác nhau về vỉa hè. Có người cho rằng, hoạt động buôn bán lộn xộn, ăn uống nhếch nhác diễn ra hàng ngày trên  vỉa hè là bình thường, thậm chí còn coi đó là một phần không thể thiếu của văn hóa đô thị. Nhưng cũng có người thì cho rằng vỉa hè chỉ là dành riêng cho người đi bộ, mọi hoạt động khác là không được phép v.v…

Vậy phải hiểu thế nào cho đúng, cho đầy đủ. Như đã nói, vỉa hè là không gian công cộng, là một phần trong cấu trúc không gian đô thị, và vì thế, nó cũng phải được quản lý và kiểm soát để đảm bảo cho hoạt động trên vỉa hè theo đúng chức năng vốn có.

Sẽ không ngạc nhiên khi du khách đến Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đều rất bất ngờ và thích thú trước nhịp sống sôi động trên các đường phố và trên vỉa hè ở các phố cổ, khu vực Hồ Gươm ở Hà Nội, hay khu vực chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ, Nhà thờ Đức Bà … ở T.P Hồ Chí Minh.

Nhịp sống sôi động trên vỉa hè tạo cho đô thị một hình ảnh thân thiện, cởi mở và bình yên. Trên thế giới, nhất là ở châu Á, không đô thị nào không có hoạt động thương mại trên vỉa hè. Ở đó, người đi bộ, người bán hàng rong và người ngồi uống ca phê hòa vào nhau thân thiện. Người đi bộ có thể dễ dàng ghé vào một cửa hiệu nào đó hay mua một ổ bánh mỳ kẹp thịt trên chiếc xe đẩy của người bán hàng rong trên vỉa hè. Mọi hoạt động trên vỉa hè diễn ra sôi động nhưng không quá ồn ào, hỗn độn. Tất cả đều được quản lý chặt chẽ bởi luật pháp. Vứt rác, vứt mẩu thuốc lá, khạc nhổ ra vỉa hè là bị phạt. Hàng quán có thể được kê bàn ghế, che ô dù trong phạm vị nhà chức trách cho phép và phải đóng thuế phần sử dụng (được thuê) này.

Chuyện xây cất chiếm dụng vỉa hè trái phép, để xe bừa bãi… thì tuyệt nhiên không được phép và cũng không ai dám làm bởi sự nghiêm minh của luật pháp. Và vì thế, du khách đến đây chỉ cần quan sát nhịp sống trên vỉa hè là có thể thấy thành phố này thân thiện và đáng sống như thế nào.

Cho dù đô thị đó còn nghèo, chưa có nhiều tòa nhà cao to hoành tráng, nhiều đại lộ rộng thênh thang với chằng chịt hệ thống đường sắt trên cao uốn lượn như những con lươn khổng lồ bằng bê tông và sắt thép. Hội An của Việt Nam là một TP đáng sống như thế!

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang quyết liệt lập lại trật tự vỉa hè. Đây là điều rất cần thiết và cũng không phải là biện pháp mới. Bởi vì, đã có biết bao lần chính quyền đô thị ra tay làm sạch vỉa hè. Cũng tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo, phạt, rồi rầm rộ tháo dỡ hàng quán lấn chiếm với sự tham gia của thanh tra xây dựng, dân phòng, cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố, đại diện chính quyền địa bàn… nhưng dọn dẹp vừa xong thì hôm sau đâu lại vào đấy, lại “vẫn y nguyên” tình trạng lấn chiếm cũ(?!).

Vậy cái mà báo chí gọi  “cuộc chiến giành lại vỉa hè” liệu có đem đến kết quả như mong muốn. Đây là điều cần suy nghĩ.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang lập lại trật tự vỉa hè.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang lập lại trật tự vỉa hè.

2. Chúng ta đã buông lỏng quản lý vỉa hè (hay nói đúng hơn là quản lý không đến nơi đến chốn) trong rất nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo của chính quyền thành phố.

Chúng ta đã để cho một bộ phận cư dân đô thị từ rụt rè lấn chiếm, đến ngang  nhiên (rồi trở thành thói quen)  lấn chiếm coi phần diện tích vỉa hè là của riêng nhà mình, là sở hữu cá nhân để khai thác kiếm lời bất chấp lợi ích chung của cộng đồng.

Chúng ta không thiếu luật pháp nhưng lại buông lỏng việc thực thi pháp luật. Thậm chí có những người được giao quyền thực thi pháp luật lại dung túng cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Không có cái gọi là văn hóa vỉa hè, nhưng lại có kinh tế vỉa hè. Đó là thực tế. Không phải tự nhiên mà có câu “giàu nhà quê không bằng ngồi lê vỉa hè Hà Nội”. Vậy để cho vỉa hè trở lại đúng chức năng của nó một cách lâu dài, bền vững chứ không chỉ một vài đợt ra quân rầm rộ để “giành lại vỉa hè”, thì chính quyền đô thị phải có những giải pháp cần thiết, hữu hiệu giải quyết được bài toán lợi ích của người dân (kiếm sống trên vỉa hè) và lợi ích chung của cộng đồng mà trước hết là người đi bộ.

Cần phải có một khảo sát toàn diện hoạt động vỉa hè trên mỗi đường phố, trước mắt tập trung vào các đường phố của khu vực trung tâm, nơi có nhiều hoạt động thương mại,văn hóa và du lịch.

Các cơ quan chức năng cần dựa vào vị trí, chiều rộng của từng vỉa hè cụ thể đề xác định vỉa hè nào đủ tiêu chuẩn làm cả ba chức năng vừa đảm bảo hoạt động đi bộ, bán hàng rong và để xe máy. Vỉa hè nào chỉ cho phép bán hàng rong và cho người đi bộ. Và cuối cùng là vỉa hè chỉ dành cho đi bộ và để xe máy (như vỉa hè 3m).

Cũng cần có các thiết kế đô thị từng tuyến phố để có vị trí hợp lý cho trồng cây xanh; đặt trạm ATM, điện thoại công cộng, thùng rác trên vỉa hè.

Đối với các hộ dân, người bán hàng rong tạo điều kiện để họ đăng ký thuê phần diện tích vỉa hè nếu vị trí đó cho phép để kinh doanh, nhưng tuyệt đối không được xây cất kiến trúc trên vỉa hè. Số tiền thu được từ cho thuê vỉa hè để kinh doanh (bán hàng rong, gửi xe máy) sẽ là nguồn kinh phí để tu bổ, chỉnh trang vỉa hè và hạ tầng tuyến phố.

Cần có quy định cụ thể việc sử dụng vỉa hè một cách công khai, minh bạch. Không được để vỉa hè trở thành mỏ vàng cho một nhóm người nào đó làm giàu bất chính, gây hỗn loạn xã hội. Cần phát huy vai trò tham gia quản lý vỉa hè của cộng động như các tổ chức chính trị-xã hội, thanh thiếu niên, người cao tuổi, phụ nữ, cựu chiến binh…

Cuối cùng, rất quan trọng là sự nghiêm minh của người thực thi pháp luật và kiểm tra việc thực thi pháp luật.

Nếu được như vậy, tôi tin, vỉa hè ở Hà Nội, hay TP. Hồ Chí Minh sẽ là không gian công cộng sạch đẹp, trật tự, ngăn nắp, sống động, thân thiện và an toàn dành cho người đi bộ và mọi hoạt động thường ngày của đô thị,

Đó cũng là thông điệp đầy ý nghĩa của một thành phố đáng sống gọi mời du khách bốn phương!