Quy hoạch Thủ Thiêm thay đổi thế nào trong 22 năm?

Chủ Nhật, 06/05/2018 - 14:01

Quy hoạch Thủ Thiêm thay đổi thế nào trong 22 năm; Giá đất Nhơn Trạch tăng gấp đôi; Dừng chuyển nhượng đất đai tại Vân Đồn: Chuyên gia nói gì?; Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất vay mua nhà, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng thế nào?... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Quy hoạch Thủ Thiêm thay đổi thế nào trong 22 năm

Ngày 27/12/2005, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua ký Quyết định 6565 phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 với các nội dung chính: Khu đô thị Thủ Thiêm có diện tích quy mô khu trung tâm là 737 ha, trong đó khu đô thị phát triển mới là 657 ha, khu đô thị chỉnh trang là 80 ha. Tổng số dân định cư là 130.000 người...

Từ quyết định này, trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính, gồm: Khu lõi trung tâm hành chính, Khu đa chức năng Đại lộ Đông Tây, Khu dân cư phía Bắc, Khu dân cư phía Đông và Khu lâm viên sinh thái phía Nam.

Bán đảo Thủ Thiêm nhìn từ hướng quận 1. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bán đảo Thủ Thiêm nhìn từ hướng quận 1. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trong Điều 2 của quyết định này có nội dung Quyết định này thay thế Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng.

Cùng ngày, UBND TP HCM cũng ban hành Quyết định 6566 duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/.2000 (do Công ty Sasaki Associates kết hợp với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố lập). Tại Điều 2 của quyết định này nêu rõ Quyết định này thay thế cho Quyết định 13585 ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố.

Hai năm sau, ngày 2/11/2007, UBND TP HCM lại có Quyết định 5945 điều chỉnh hủy bỏ đoạn Quyết định này thay thế quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ tại Điều 2 Quyết định 6565.

Xem chi tiết tại đây.

Giá đất Nhơn Trạch tăng gấp đôi

Theo báo cáo mới nhất cập nhật cuối tháng 4/2018 của DKRA Việt Nam, thị trường đất nền tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, khu vực giáp ranh với TP HCM về hướng Cát Lái, quận 2, đang có biến động giá khá mạnh.

Cuối năm 2016 đất nền dự án ở Nhơn Trạch chỉ dừng lại ở mốc 4-6 triệu đồng mỗi m2. Đến giữa năm 2017 giá đất bình quân tại đây nhích lên vùng 5-7,5 triệu đồng mỗi m2. Thế nhưng từ quý I/2018 bất động sản liền thổ trên địa bàn này đã vươn lên ngưỡng 6-12 triệu đồng mỗi m2. Những khu vực đường lớn, dân cư đông, giá đất đã chạm mốc 13-15 triệu đồng mỗi m2.

Trong quý II/2018 thị trường Nhơn Trạch đón nhận thêm nguồn cung đến từ 3 dự án và mức giá cao nhất ghi nhận được đã tiệm cận ngưỡng 17-18 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, nếu so với mặt bằng chung đất nền tại Nhơn Trạch đã tăng giá 60-100% so với cùng kỳ năm ngoái và trong vòng 4 tháng qua, biên độ tăng ghi nhận 15-30%.

Đơn vị khảo sát này nhận định, giá đất Nhơn Trạch tăng mạnh do tác động của cú hích hạ tầng phát triển về hướng TP HCM. Điểm sáng tích cực của địa bàn này là bài toán về sự kết nối giao thông liên vùng đang được Nhà Nước ưu tiên giải đáp.

Xem chi tiết tại đây.

Dừng chuyển nhượng đất đai tại Vân Đồn: Chuyên gia nói gì?

Nhiều ý kiến cho rằng quyết định này không phù hợp với quy định của pháp luật cũng như đi ngược lại quy luật phát triển tự nhiên của thị trường bất động sản cung – cầu. 

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nơi được quy hoạch phát triển là đô thị, đặc khu thì có thể giá đất tăng cũng là đúng quy luật. Chính vì vậy mới có những người dựa vào điểm này để buôn bán, lướt sóng, đầu cơ đẩy giá đất lên cao, tạo "sốt đất ảo".

Việc cơ quan quản lý nhà nước ban hành lệnh cấm chuyển nhượng đất có thể là một giải pháp hữu hiệu ngăn sốt ảo, song giải pháp này lại không phù hợp pháp luật. Bởi theo quy định của pháp luật về đất đai của Việt Nam, chỉ khi Nhà nước đã ban hành quyết định thu hồi đất thì quyền chuyển nhượng mới bị cấm.

Vấn đề là phải công khai quy hoạch và những nơi nào thu hồi đất để giao cho dự án đầu tư, khu vực nào phát triển nông nghiệp… Từ đó, mọi người đều hiểu rõ đất nào có thể sinh lợi khi nhận chuyển nhượng và đất nào không thể.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường thiết bị báo, phòng cháy: Vàng thau lẫn lộn

Theo chia sẻ của các nhà phân phối tại Hà Nội, dù thiết bị PCCC đang được tiêu thụ mạnh, nhưng hàng nội lại vắng bóng trên thị trường, “nhường sân” cho hàng ngoại nhập. Một số mặt hàng bán chạy như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, dây thoát hiểm... có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, nhưng đa số đến từ Trung Quốc. Đại diện Công ty cổ phần Bảo hộ lao động Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất bình chữa cháy mà thường nhập về từ Trung Quốc do giá rẻ, chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng/bình.

Mua thiết bị PCCC trôi nổi rất dễ “dính” phải hàng kém chất lượng. Ảnh: Dũng Minh.

Mua thiết bị PCCC trôi nổi rất dễ “dính” phải hàng kém chất lượng. Ảnh: Dũng Minh.

PGS. TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học PCCC cho biết, hiện trên thị trường không có bình cứu hỏa do Việt Nam sản xuất. “Cách đây khoảng 15 năm, Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công An) đã cho phép doanh nghiệp Việt sản xuất bình cứu hỏa, nhưng sản phẩm không được người tiêu dùng chọn mua, nên sau đó không sản xuất nữa. Đến nay, một lượng lớn bình cứu hỏa trên thị trường do Trung Quốc sản xuất”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại hóa chất Việt Đức (một đơn vị chuyên cung cấp các thiết bị báo, phòng cháy từ Đức) cũng cho biết, hàng giá rẻ, kém chất lượng, công dụng báo cháy vẫn hoạt động được nhưng cảm biến không tốt và độ bền, độ nhạy kém hơn, đa số những sản phẩm này đến từ Trung Quốc.

Xem chi tiết tại đây.

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất vay mua nhà, thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng thế nào?

Trước tình các các ngân hàng siết chặt tín dụng cho bất động sản, nhiều chuyên gia cho biết sẽ tác động mạnh mẽ đến người mua nhà. Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu từng đánh giá, việc tăng lãi suất vay lĩnh vực bất động sản kèm với quy định vay bị siết lại gây bất lợi cho khách hàng, hạn chế khả năng trả nợ của khách hàng.

"Khách hàng thường trả nợ dựa vào nguồn thu từ kinh doanh và các nguồn thu cố định khác. Nếu lãi suất tăng, chi phí vay trong mỗi tháng tăng lên sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho người vay. Nếu tiếp tục theo xu hướng này, có thể nó sẽ đẩy một số khách hàng vào rủi ro mất khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Đặc biệt, trong tình hình ngân hàng hiện nay, mặc dù có thể họ cho vay trung và dài hạn, có chỗ lên đến 20 năm, nhưng có những khoản vay không nhận được sự hỗ trợ của NHNN mà lãi suất được điều chỉnh theo thời kỳ, ví dụ 3 tháng, 6 tháng, 12 năm. Khi lãi suất có xu hướng tăng thì nó sẽ là gánh nặng cho người đi vay", TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Cũng lo ngại việc tăng lãi suất ngân hàng sẽ gây khó khăn cho những người có thu nhập thấp mua nhà, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng Nhà nước cần có chính sách cụ thể để kiểm soát chặt chẽ đối với từng phân khúc của thị trường BĐS, chỉ siết ở phân khúc cao cấp còn mở ở phân khúc trung và thấp cấp. Bởi lẽ, hiện nay nhà giá rẻ, chung cư bình dân vẫn đang có nhu cầu rất nhiều. "Vì thế, nên có chính sách ưu tiên hướng đến dự án thuộc phân khúc này, đặc biệt là các gói lãi suất ưu đãi", ông Châu nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội ra "tối hậu thư" yêu cầu khắc phục tồn tại về PCCC trước ngày 30/6

Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 426 công trình còn tồn tại về PCCC, trong đó có 118 chung cư tái định cư, 188 chung cư thương mại; 120 nhà cao tầng loại hình khác như văn phòng, khách sạn...

Trong đó: quận Hoàn Kiếm có 5 công trình, quận Hai Bà Trưng có 14 công trình, trong đó có cả Bệnh viện Thanh Nhàn, Tổng Cty xây dựng Hà Nội; Quận Ba Đình có 36 công trình trong đó đáng chú ý có hàng loạt khách sạn, đặc biệt có cả Trung tâm hội nghị quốc tế; Quận Đống Đa có 36 công trình; quận Cầu Giấy có 106 công trình; quận Bắc từ Liêm có 25 công trình; Nam Từ Liêm (34); Long Biên (14); Mê Linh (2); Tây Hồ (17); Thanh Trì (1); Hoàng Mai (31); Thanh Xuân (29); Hà Đông (38); Đan Phượng (1); Hoài Đức (2); Thạch Thất (1).

Chung cư Golden Field Mỹ Đình (KĐTM Mỹ Đình – Nam Từ Liêm) do Công ty Cổ phần Tổng Công ty MBLand làm chủ đầu tư chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa một số hộ dân vào sinh sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.

Chung cư Golden Field Mỹ Đình (KĐTM Mỹ Đình – Nam Từ Liêm) do Công ty Cổ phần Tổng Công ty MBLand làm chủ đầu tư chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa một số hộ dân vào sinh sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn.

UBND TP yêu cầu Chủ đầu tư cơ sở, công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng còn các tồn tại, vi phạm về PCCC tại từng tòa nhà, công trình khẩn trương tổ chức thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, vi phạm về PCCC, thời hạn hoàn thành trước ngày 30/6/2018.

Nghiêm túc thực hiện việc thường xuyên duy trì, đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC tại công trình, chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Đối với các giải pháp liên quan đến việc thay đổi công năng, cải tạo bố trí mặt bằng, quy mô, kiến trúc, kết cấu phải xây dựng hồ sơ, trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép theo quy định.

Xem chi tiết tại đây.

Truy trách nhiệm Chủ tịch tỉnh để "cò đất", "xã hội đen" mua bán đất lộng hành tại đặc khu

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

Cụ thể, văn bản nêu rõ, thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn toàn quốc, đặc biệt tại các huyện: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) diễn ra phức tạp (chuyển nhượng nhiều lần, đẩy giá lên cao, san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp), nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận.

Về vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang có biện pháp chấn chỉnh ngay công tác quản lý đất đai, rừng và xây dựng; bảo đảm việc sử dụng đất nông nghiệp, rừng đúng mục đích, đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai và xây dựng trái phép đang diễn ra tại các huyện Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, bảo đảm trật tự xã hội, không để tình trạng “cò đất”, “xã hội đen” mua bán đất lộng hành, đẩy giá lên cao trên địa bàn.

Văn bản nêu rõ: “Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để tiếp diễn tình trạng trên”.

Xem chi tiết tại đây.