Trách nhiệm của cơ quan chức năng nhìn từ vụ việc nước bẩn sông Đà

Thứ Tư, 23/10/2019 - 06:30

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Bộ luật Hình sự đã quy định về xử lý pháp nhân nên nếu Công ty nước sạch sông Đà vi phạm nghiêm trọng có thể xử hình sự và người dân có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường.

Đủng đỉnh, “mất bò mới lo làm chuồng”

Đã gần 2 tuần sau khi sự việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà xảy ra, đến nay, nước đã được cấp lại, chất lượng thì: "Các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả ở ngưỡng an toàn" theo công bố mới nhất của Sở Y tế Hà Nội ngày 20/10.

Nhưng dù có vậy thì người dân vẫn chưa hết lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của bản thân.

Trước đó, vào chiều ngày 10/10, hàng loạt hộ dân phía Nam Hà Nội phát hiện nước máy có mùi clo nồng nặc, và đến sáng 11/10 thì nước chuyển sang mùi khét như mùi nhựa cháy. Không dám dùng nguồn nước ấy để nấu nướng hay ăn uống, cư dân các tòa chung cư khu VP3, VP5, HH Linh Đàm, khu Kim Văn - Kim Lũ... đã phải đặt mua nước sạch ở ngoài về để sử dụng.

Gọi điện phản ánh tới Công ty cổ phần Viwaco - đơn vị cung cấp nước sạch, thì nhận được giải thích rằng: Do lượng clo trong nước dư cao hơn bình thường, còn chất lượng nước "không vấn đề gì".

Hình ảnh nước sánh đặc dầu khi thau rửa bể chứa nước tại 1 chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Mặc dù, theo đại diện của Viwaco, sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nước sạch bốc mùi, với trách nhiệm đơn vị phân phối, Viwaco đã có văn bản gửi Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) yêu cầu trả lời về vấn đề chất lượng nguồn nước, tại sao nước có mùi. Đồng thời, Viwaco cũng đã mời Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hà Nội lấy mẫu và kiểm tra chất lượng nước khu vực đầu nguồn nhà máy nước Sông Đà.

Tới ngày 14/10, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết Nhà máy nước sạch sông Đà bị ô nhiễm là do đổ trộm dầu. Cùng ngày, Viwasupco mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo về hiện tượng dầu loang.

Trên thực tế, sự việc đổ trộm dầu thải vào khu vực đầu nguồn sông Đà đã được người dân phát hiện trong ngày 8/10. Đến 9 - 10/10, Viwasupco đã thuê người vớt dầu loang trên sông. Có thể thấy, đơn vị phân phối nước này đã nắm được sự việc nguồn nước nhiễm dầu, không đảm bảo an toàn nhưng vẫn tiếp tục cung cấp nước cho người dân.

Đánh giá về hành vi này, ông Hoàng Văn Thức, Tổng Cục phó Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: "Doanh nghiệp biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm".

Và cho tới chiều 15/10, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố kết quả xét nghiệm nguồn nước, theo đó các mẫu nước xét nghiệm đều có lượng styren cao 1,3 đến 3,65 lần quy chuẩn. Từ đó, cơ quan này khuyến cáo người dân chỉ dùng nước để tắm giặt, không dùng để ăn uống.

Như vậy,  gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng có liên quan mới thực sự lên tiếng và cảnh báo tới người dân về chất lượng và tính chất nguy hại của nguồn nước nhiễm dầu. 

Đáng lưu ý hơn khi đến ngày 16/10, Viwaco ra thông báo tạm dừng cấp nước vô thời hạn để xử lý sự cố khiến hàng loạt hộ gia đình hoang mang. Nhưng ngay sau đó, sáng 17/10, ông Nguyễn Hữu Tới, Tổng Giám đốc Công ty Viwaco (đơn vị phân phối nước sạch sông Đà) cho biết, Nhà máy nước sông Đà đã cấp nước trở lại từ 20h30 ngày 16/10 sau khi đã thau rửa bể chứa, súc xả đường ống.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tới cũng thông tin: "Về chất lượng nước an toàn hay chưa thì Sở Y tế thành phố và các nhà khoa học sẽ công bố".

Vậy là người dân - "khách hàng là thượng đế" bỗng nhiên bị đẩy vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, không biết phải làm sao trong hoàn cảnh này. Không có nước dùng cũng khổ, nhưng đến khi có nước, người dân lại chẳng biết có nên dùng hay không bởi đến chính đơn vị phân phối nước cũng đang không biết được chất lượng nước hiện có an toàn hay không...

Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?

Khu vực hồ Đầm Bài - nơi chứa nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước Sông Đà. Ảnh Tô Thế/Lao động

Trước những diễn biến ấy, dư luận đặt ra câu hỏi: Vai trò, chức năng của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương ở đâu? Hay chăng cứ để người dân mãi loanh quanh trong ma trận "nước sạch" mà Viwasupco vẽ ra?

Đánh giá về sự việc này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho hay: Bộ luật Hình sự đã quy định về xử lý pháp nhân nên nếu Công ty nước sạch sông Đà vi phạm nghiêm trọng có thể xử hình sự và người dân có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường.

Theo vị đại biểu này, chính quyền đã quá chậm trễ trong việc xử lý, vào cuộc sau khi sự cố xảy ra. "Việc này xuất phát từ nhận thức và tính chủ động trong việc xử lý sự cố liên quan đến môi trường khi có hiện tượng bất thường xảy ra", đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.

Đại biểu Hồng cho rằng, vai trò của chính quyền và hai chữ “trách nhiệm” vẫn luôn ẩn khuất ở đâu đó, không rõ ràng, chỉ quy vào tập thể và không giải quyết được căn cơ các vấn đề liên quan.

Đi sâu hơn vào câu chuyện trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng rõ ràng với vai trò là người đứng đầu địa phương - ở đây là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, phải vào cuộc ngay tức thì. Việc mất nước xảy ra trên địa bàn Hà Nội nên lãnh đạo TP cần phải vào cuộc ngay để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Qua đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất, trước hết cần phải có quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Đặc biệt, cần có cơ chế xử lý kịp thời khi các sự cố xảy ra, đề phòng đến hoạt động phá hoại, đưa chất độc hại vào nguồn nước. Có như vậy khi xảy ra sự cố mới có phương án xử lý hiệu quả.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng việc Hà Nội đưa ra khuyến cáo đối với người dân sử dụng nước sạch sông Đà sau 7 ngày xảy ra sự việc là chậm trễ. Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, để xử lý cần phải có cơ sở pháp lý và các cơ quan chức năng cần có thời gian để điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Về tình trạng ô nhiễm môi trường và công tác quản lý nguồn nước sạch sinh hoạt, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nhiều vụ việc vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra, cụ thể như ở Hà Nội và TP.HCM. 

"Người dân và chính quyền đều thấy được những bất cập đó nhưng vẫn bộc lộ hạn chế thiếu sót trong vấn đề quản lý", ông Hòa nhấn mạnh. 

Và theo vị đại biểu này, chính vụ việc ô nhiễm nguồn nước ở Hòa Bình dẫn đến cuộc khủng hoảng về nước sạch cho hàng vạn hộ dân Hà Nội đã đặt ra vấn đề về an ninh nguồn nước, và nguy cơ đe dọa sức khỏe của hàng triệu người dân đang hàng ngày, hàng giờ sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong khi người dân hoang mang thì việc xử lý của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chậm trễ, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

“Người dân thấy như vậy họ không yên tâm với sự quản lý nhà nước trong việc đảm bảo sức khỏe của người dân. Tôi mong là những sự cố, sự việc xảy ra vừa qua sẽ là bài học kinh nghiệm cho những người vi phạm lĩnh vực này. Tôi mong muốn cơ quan các cấp, chính quyền địa phương từ trung ương đến cơ sở phải quan tâm nhiều hơn đối với sức khỏe người dân trên tất cả các lĩnh vực. Có như vậy thì người dân mới yên tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quảng Bình cho hay. 

Có thể thấy, dù với lý do gì thì những thông báo, lên tiếng của chính quyền sau gần cả tuần khi sự cố nguồn nước sông Đà nhiễm dầu xảy ra vẫn là sự chậm trễ và đầy lo ngại đối với tính mạng, sự an nguy của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn TP. Hà Nội. 

Hành vi "bưng bít" sự cố của Viwasupco - đơn vị liên đới trực tiếp, có trách nhiệm trực tiếp khiến cho người dân rơi vào cảnh hoang mang lo lắng bao nhiêu, mong chờ sự vào cuộc của chính quyền bao nhiêu thì sự chậm trễ của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương lại làm cho sự lo lắng ấy lên đến tột cùng vì chẳng còn biết bấu víu vào đâu. 

Như lời của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, sự cố diễn ra trong nhiều quận, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm nghìn người dân, thậm chí còn nảy sinh nhiều vấn đề mà người dân bức xúc, có phản ứng dẫn đến mất an ninh trật tự. Và thậm chí một số người còn lợi dụng sự cố này để đầu cơ… 

"Vì vậy, vai trò của người đứng đầu địa phương rất lớn”, đại biểu Hồng nhấn mạnh.