Aa

Doanh nghiệp lãi nghìn tỷ REE và 36% trách nhiệm tại Nước Sạch Sông Đà?

Thứ Hai, 21/10/2019 - 16:34

CTCP Cơ Điện Lạnh REE là cổ đông nắm vốn sở hữu lớn thứ hai tại Viwasupco, đơn vị có trách nhiệm trong vụ nước dính dầu thải vừa qua.

Liên quan đến sự cố đổ dầu thải tại đầu nguồn nước sạch sông Đà, ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã ra Quyết định số 11 QĐ-CSĐT khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo điều 235 Bộ luật hình sự.

Tại buổi họp báo diễn ra chiều 17/10, ông Bùi Đăng Khoa - Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho rằng công ty chính là nạn nhân lớn nhất trong sự cố đổ dầu thải tại nguồn nước sông Đà.

Ông Bùi Đăng Khoa - Phó Giám đốc Viwasupco cho hay: Tới thời điểm hiện tại, đơn vị đã áp dụng các biện pháp để chất lượng nước đầu vào đạt tiêu chuẩn, thuê Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam tiến hành nạo vét dầu và Trung tâm này đủ năng lực để xử lý vụ việc.

Trước câu hỏi có xử lý được dầu trong nước không thì ông Khoa phân trần, việc khẳng định có xử lý được không còn phụ thuộc vào kết quả kiểm tra nước đầu ra. Còn tới thời điểm hiện tại, theo kết quả kiểm tra ngày 14/10 thì các chỉ số đã đạt chất lượng nước theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Đến thời điểm hiện tại, trước tình trạng cuộc sống hàng loạt hộ gia đình bị đảo lộn và không ngừng lo lắng về chất lượng nguồn nước mà họ đang sử dụng thì đơn vị cung cấp dịch vụ - Viwasupco chưa hề có động thái nào mang tính chất chấn an dư luận cũng như người dân hay xin lỗi vì đã để xảy ra sự cố.

Dù sự việc là ngoài tầm kiểm soát, nhưng ở góc độ cung - cầu thì Viwasupco vẫn là đơn vị cung cấp dịch vụ, thu phí dịch vụ và phải có trách nhiệm về chất lượng dịch vụ. Nhưng trả lời cho băn khoăn này, vị Phó Giám đốc Viwasupco chắc như đinh đóng cột rằng: "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất, mong thời gian tới công an Hòa Bình sớm tìm ra đối tượng để xét xử".

Viwasupco chưa nhận trách nhiệm, các cổ đông lớn có vô can?

Viwasupco (mã VCW) tiền thân là đơn vị thực hiện dự án Nhà máy nước sạch Sông Đà trực thuộc Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam - Vinaconex (mã VCG), được thành lập vào tháng 3/2009, với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng. Trong đó, Vinaconex nắm quyền chi phối với 51% cổ phần.

Tháng 11/2016, Viwasupco chính thức đưa 50 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM với mã chứng khoán VCW. Một năm sau, Vinaconex hoàn tất thoái vốn tại Viwasupco.

Khi Vinaconex thoái vốn, đã có nhiều doanh nghiệp "nhòm ngó" và nhìn thấy tiềm năng của VCW. Trong đó, CTCP Cơ điện lạnh (mã REE) đã mua vào hơn 17 triệu cổ phiếu, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 34,68%. REE đến nay vẫn là cổ đông lớn thứ hai sau Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex. Nhiều lần mua vào cổ phiếu với số lượng lớn và giao dịch "lòng vòng", Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Viwasupco từ tháng 3/2018, với 47,1% cổ phần.

Cổ đông Nước sạch Sông Đà

Vừa qua, cuối tháng 6/2019, Viwasupco thực hiện thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 và nâng vốn điều lệ lên mức 750 tỷ đồng. Năng lượng Gelex vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 60,46% cổ phần, REE là cổ đông lớn còn lại, sở hữu 35,95% vốn. Lượng cổ phiếu lưu hành tự do chỉ chiếm chưa đến 4%.

Viwasupco liên tục tạo ra hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm với biên lãi gộp trên 50% trong 3 năm trở lại đây. Tương đương “làm 2 ăn 1”.

Năm 2018, Viwasupco ghi nhận mức doanh thu kỷ lục với 468 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 218 tỷ đồng, cao hơn 29% so với kết quả đạt được năm trước.

Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu của công ty này đã tăng gần 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 công ty chỉ lãi 215 triệu đồng).

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty đã ghi nhận 263 tỷ đồng doanh thu và 126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 22% và 31% so với nửa đầu năm ngoái.

Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ đồng. Kế hoạch khá thận trọng với sự giảm nhẹ của lợi nhuận nhưng thực hiện lại cao hơn nhiều.

Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Công ty nước sạch Sông Đà đạt 1.477 tỷ đồng. Nợ phải trả của Nước sạch Sông Đà là 453 tỷ. Trong đó, chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ đồng.

Bất chấp những tai tiếng liên quan đến nguồn nước nhưng Viwasupco – cụ thể là cổ đông lớn vẫn hái ra tiền từ ngành kinh doanh này. Bởi nhu cầu nước sạch của người dân Hà Nội là vô cùng cấp thiết. 

Công ty con “làm 2 lãi 1” chưa nhận trách nhiệm thì hai cổ đông lớn Gelex và REE liệu có đứng ngoài cuộc?

Cổ đông lớn đều là doanh nghiệp lãi nghìn tỷ 

Cổ đông lớn của REE

Với lợi nhuận năm 2018, lượng cổ phần sở hữu chi phối, REE sẽ thu về hơn 60 - 70 tỷ đồng từ Viwasupco. Còn Gelex sẽ thu về hơn 100 tỷ đồng từ Viwasupco. Tất nhiên, đó chỉ là con số trên sổ sách. Còn theo các chuyên gia trong ngành, lợi nhuận mà REE và cổ đông lớn khác thực tế thu về còn cao hơn nhiều.

Công ty con kinh doanh siêu lợi nhuận là thế, hai cổ đông công ty mẹ cũng thuộc top lãi nghìn tỷ mỗi năm.

Theo BCTC hợp nhất quý II/2019 vừa được công bố, REE đạt doanh thu thuần gần 1.259 tỷ đồng. REE lãi ròng hơn 434 tỷ đồng.

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2019, Công ty đạt doanh thu thuần gần 2,338 tỷ đồng và hơn 786 tỷ đồng lãi ròng. Với kết quả này, REE đã thực hiện gần 42% kế hoạch doanh thu và 54% chỉ tiêu lợi nhuận ròng đề ra năm 2019.

Vào thời điểm 30/06/2019, REE có tổng tài sản hơn 17.793 tỷ đồng, tăng gần 15% so với đầu năm. Chủ yếu là sự tăng lên ở các khoản mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và phải thu ngắn hạn tạm ứng đầu tư dự án.

Năm ngoái, doanh thu thuần của REE đạt hơn 5.100 tỷ đồng. Lãi sau thuế 1.885 tỷ đồng, tăng 24% và vượt 37% kế hoạch năm.

Tại báo cáo thuyết minh, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 97 tỷ đồng, giảm 90%. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 402,6 tỷ đồng trong khi năm 2017 âm 926 tỷ đồng.

E Town của REE

Được biết, hồi đầu năm 2019, REE phát hành trái phiếu và sử dụng tổng số tiền 2.318 tỷ đồng để phát triển các dự án bất động sản văn phòng cho thuê trên quỹ đất hiện hữu (khu văn phòng E.town) ở TP.HCM. Doanh nghiệp này cũng dự định dùng cho việc thanh toán đối với việc phát triển các dự án mới trong khu E.town (nếu có) hoặc phát triển thêm quỹ đất mới để xây dựng các dự án văn phòng cho thuê ở TP.HCM. Số tiền này không dùng cho mục đích phát triển quỹ đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2.

Không chỉ REE, cổ đông lớn nhất của Nước sạch Sông Đà là Gelex cũng là doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng rất khả quan. Doanh thu năm 2018 của Gelex đạt mức tăng trưởng 14% so với cùng kỳ, lên gần 13.700 tỷ đồng - mức doanh thu kỷ lục từ trước đến nay. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 942 tỷ đồng tăng trưởng 47,8% so với năm 2017.

Là những cây đa cây đề trên thương trường với các kế hoạch kinh doanh siêu lợi nhuận, nhưng với "sự cố" lần này tại công ty con, chắc hẳn cả REE và Gelex đều không tránh được những câu hỏi về sự liên đới trách nhiệm hay uy tín? 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top