Mỗi khi ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng” cất lên, có một chi tiết khiến tôi luôn nhắc nhớ về điểm mình phải đến trong những hành trình theo dọc dài đất nước chính là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Được nhiều người yêu thích, ca khúc bắt đầu từ những câu thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhà thơ Dương Soái, phóng viên Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn.

Trong chuyến công tác của mình khi đó (năm 1979), ông Soái đã viết những câu thơ đầy xúc cảm nơi biên cương Tổ quốc. Một năm sau, nhạc sỹ Thuận Yến tình cờ đọc được và từ những câu thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” đã phổ nhạc để trở thành những ca từ được nhiều người yêu thích.

Cột mốc biên giới số 92, nơi đánh dấu điểm sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam.
Cột cờ Lũng Pô đặt tại Trạm biên phòng Lũng Pô ở xã A Mú Sung với chiều cao 31,43m - tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m.
Muốn lên đỉnh cột cờ phải vượt qua 125 bậc thang thiết kế theo hình xoắn ốc. Đứng ở nơi cao nhất này có thể phóng tầm mắt để ngắm quang cảnh hùng vĩ, bao la của núi rừng biên viễn…
… đặc biệt nhìn rõ ngã 3 sông, 1 dòng đậm, 1 dòng nhạt cùng hòa vào nhau.

“Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” giờ là một địa điểm cụ thể ở địa phận xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai có cái tên Lũng Pô. Đó cũng là tên của dòng suối ven cương vực, trở thành biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Từ đây, con sông chảy qua các tỉnh miền Bắc Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông qua cửa Ba Lạt (Nam Định).

Dòng nước xanh của con suối Lũng Pô hòa cùng với dòng sông Hồng để chảy vào nước Việt.
Cột mốc Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Cột mốc biên giới 92, đánh dấu điểm sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam.

Ở gần nơi hợp dòng của suối Lũng Pô và sông Hồng là cột cờ Lũng Pô. Đứng sừng sững, hiên ngang nơi miền biên viễn, cột cờ Lũng Pô là điểm “nhất định phải đến” của nhiều du khách như tôi trong hành trình Tây Bắc. Khi cột cờ Lũng Pô chưa được xây dựng, khu vực cột cờ vốn là trạm biên phòng A Mú Sung. Cuối năm 2017, sau khi khánh thành với diện tích 2.100 mét vuông, cột cờ Lũng Pô có đủ quần thể gồm cột cờ chính cùng phần ngoại cảnh với sân cỏ, bãi đỗ xe, tường rào bao quanh rộng rãi.

Công trình cột cờ Lũng Pô không chỉ có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự tôn vinh những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập chủ quyền biên giới Tổ quốc.
Lá cờ rộng 25m, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Lào Cai. 
Từ trên cột cờ Lũng Pô nhìn xuống là những nếp nhà với cây trái xanh mướt một vùng biên ải.

Không chỉ là công trình khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, cột cờ Lũng Pô còn là nơi mỗi người con đất Việt nhớ về lịch sử, trân trọng quá khứ để thêm yêu mảnh đất hình chữ S. Leo 125 bậc thang hình xoắn ốc bên trong thân cột cờ là cánh cửa mở ra cả một vùng trời bao la trên đỉnh ở độ cao 31,43m - tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m. Ngước nhìn lá cờ Tổ quốc với diện tích 25m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống ở Lào Cai bay phần phật trong gió là một cảm xúc thật khó diễn tả.

Trên ngã ba sông huyền thoại, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay giữa trời xanh Lũng Pô, soi bóng xuống dòng sông Hồng thật đẹp và thiêng liêng của chủ quyền Tổ quốc nơi biên ải./.

Trọng Chính
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận