Aa

Xin nước sông Hồng làm lễ mộc dục

Thứ Tư, 01/03/2023 - 06:03

Kiệu ông kiệu bà đi trước, đi phía sau là 2 chóe nước được múc ở giữa dòng sông Hồng, nơi được cho là tinh khiết nhất của trời đất. Sau khi lấy và rước nước từ bến sông về đình để tế lễ, làm lễ mộc dục (tắm phật).

Làng Đông Dư Hạ tên Nôm là làng Gỏi, quận Long Biên, Hà Nội là một làng lớn nằm ven sông Hồng, đông dân cư với đặc sản cải bẹ ngon có tiếng đất kinh kì và giống ổi bốn mùa.

Thời Nguyễn, làng Đông Dư có hai người đỗ Hương cống là Nguyễn Huy Trinh (đỗ khoa đầu tiên của nhà Nguyễn - năm Kỷ Mão đời Gia Long) và Nguyễn Tư Giản đỗ Hoàng giáp, là một trong những trụ cột của triều đình Tự Đức cuối thế kỷ 19. Con ông là Nguyễn Huy Chiểu, đỗ khoa Tân Tỵ đời Vua Minh Mạng, từng làm Hữu Thị lang bộ Hộ, sung vào Nội các và được cử đi sứ Trung Quốc.

Đình Đông Dự Hạ cùng thờ ba vị thành hoàng là Cao Sơn đại vương Bạch Đa đại vương và Linh Lang đại vương. Hội làng Đông Dư diễn ra từ ngày mồng 9 đến ngày 13 tháng hai hàng năm. Mở đầu hội là lễ lấy nước trên sông Hồng với nghi thức đoàn rước long trọng. Trai tráng nam nữ trong làng chia làm hai tốp để khênh kiệu ông và kiệu bà. Đi sau kiệu là 2 chóe nước được múc ở giữa sông Hồng, nơi được cho là tinh khiết nhất của trời đất. Sau khi lấy được nước và rước nước từ bến sông về đình để tế lễ, làm lễ mộc dục (Tắm phật).

Đặc biệt trong lễ rước thì khiêng kiệu ông và kiệu bà là vinh dự nhất. Những người được chọn khiêng kiệu đều là trai, gái chưa lập gia đình. Trong lễ rước, hai kiệu chao đảo liên tục, lúc lên lúc xuống nên giữ được kiệu thăng bằng là rất khó. Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian từ xa xưa thì những lúc đó là tướng ông tướng bà vui mừng về dự hội. Thường thì đội rước kiệu bao giờ cũng về sau cùng và rất lâu kiệu mới chịu dừng lại ở sân đình.

                                                                  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top