Một thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 11/06/2020 - 05:55

Kinh tế ban đêm là một trong những giải pháp giúp bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ hậu Covid-19, nhất là ở các khu kinh tế trọng điểm với nhiềm tiềm năng và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, kinh tế ban đêm có vai trò quan trọng trong thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Thứ nhất, nếu làm tốt có thể đóng góp 5 - 8% GDP. Thứ hai, giúp cho phát triển kinh tế bền vững, trong đó du lịch là mũi nhọn. Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng hình thành các dịch vụ mới. Thứ tư là thu hút đầu tư hấp dẫn. Cuối cùng, mang lại yếu tố văn hoá mới, rất nhiều văn hoá sinh hoạt du lịch ban đêm được phát triển.

Vị chuyên gia này đã chỉ ra những tiềm năng thấy rõ của việc phát triển kinh tế ban đêm, đó là: Khả năng hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu du lịch toàn cầu; định hướng coi “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” và xu hướng phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về giải trí, du lịch, chi tiêu gia tăng; quá trình đô thị hoá nhanh dẫn tới sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ; tiềm năng gia tăng chi tiêu, số ngày lưu trú của khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế còn rất lớn trong khi các hoạt động du lịch, dịch vụ ban ngày đã đến ngưỡng.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Bên cạnh đó, các chỉ số vĩ mô và môi trường kinh doanh của Việt Nam so với khu vực đều đứng đầu bảng. Về kinh tế vĩ mô: Tiêu dùng cá nhân 2019 đạt 68,2%; tăng trưởng tầng lớp trung lưu 9,2%; tỷ lệ đô thị hoá 2018 là 36%. Về môi trường kinh doanh, Việt Nam thu hút FDI 2019 7,7%; thứ hạng về môi trường kinh doanh 2019 - 2020 xếp thứ 70…

Về tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam, năm 2019 khách quốc tế tăng 16,2%, khách nội địa tăng 6,2%. Đóng góp trực tiếp khoảng 9% GDP. Theo chiến lược phát triển du lịch đến 2025, du lịch sẽ đóng góp 12 - 14% GDP và 2030 đóng góp 15 - 17% GDP.

Phân tích các yếu tố phát triển kinh tế ban đêm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam có hàng trăm khu kinh tế các loại trên khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước, song cho đến nay vẫn chưa có một khu kinh tế ban đêm đúng nghĩa. 

"Việt Nam có những thuận lợi để phát triển “kinh tế ban đêm”, như có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế. Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam là tất yếu vì phù hợp với xu hướng quốc tế và để níu chân khách du lịch. Trên thực tế, Việt Nam đã có các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (TP.HCM)…", TS. Phong cho hay.

Còn ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa nhận định: "Việt Nam đã có các tổ hợp du lịch giải trí tốt, chuyên nghiệp, đồng bộ nhưng đáng tiếc lại thiếu đi cơ chế hoạt động của nền kinh tế ban đêm. Một thị trường tiềm năng mà chúng ta lại bỏ ngỏ, đó là thiếu xót vô cùng lớn".

Điển hình như ở Khánh Hòa, hiện đã xuất hiện một số dịch vụ đêm nhưng mới chỉ dừng ở chợ đêm mà chưa hình thành các tổ hợp dịch vụ bài bản và hiện đại. Du khách đến dễ gặp tình trạng bị "chặt chém" trong ăn uống và mua sắm.

Theo ông Quý, Việt Nam đang loay hoay trong cách tạo ra chuỗi quần thể nghỉ dưỡng thật sự mà ở đó du khách có thể tự tìm hiểu, khám phá và an tâm với chất lượng dịch vụ. Trong khi đó, mô hình kinh tế ban đêm rất cần thiết nhưng thực tế lại thiếu đi định hướng rõ ràng hay một hành lang pháp lý hỗ trợ đầy đủ.

Ông Quý khẳng định: "Nếu như mô hình kinh tế về đêm phát triển, chắc chắc đây sẽ là “mỏ vàng” cho tăng trưởng du lịch. Đây còn là mô hình thu hút khách du lịch, tạo ra động lực tăng trưởng rất tốt, bổ trợ cho bất động sản nghỉ dưỡng. Kinh tế ban đêm là đòn bẩy, kim chỉ nam và là minh chứng giá trị du lịch của địa phương đó. Đây là cơ sở để bất động sản nghỉ dưỡng được khai phá và phát triển".

Vân Đồn - "Miền đất hứa" của kinh tế ban đêm

Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, Vân Đồn đã đủ cơ sở, tiềm lực để phát triển bất động sản du lịch cũng như kinh tế ban đêm.

Theo Quyết định số 226/QĐ-TTg, Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế.

Ở góc độ quan điểm của mình, luật sư Đức cho hay, quy hoạch Vân Đồn chính là điểm tựa pháp lý cơ bản để kinh tế khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản du lịch khi Vân Đồn hội tụ đầy đủ các tiềm năng sẵn có và trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang kích cầu phát triển du lịch hậu Covid-19.

Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Theo ông Đức, Vân Đồn đã có những thay đổi đáng kể sau khi các nhà đầu tư lớn xuất hiện và đầu tư, khai thác tại khu vực này. Song song với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng đã phát triển đồng bộ.

Về mặt pháp lý, so với các khu vực khác thì việc định hướng phát triển Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành nghề là một thuận lợi rất lớn. Bên cạnh đó, Chính phủ hoàn toàn có thể đặt ra các mức ưu đãi, khuyến khích cao nhất thuộc thẩm quyền của Chính phủ và không trái luật để tạo điều kiện khai thác tiềm năng của khu vực kinh tế này.

Về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế ban đêm không chỉ là định hướng chung mà là xu hướng phát triển đúng đắn và cần được khai thác càng sớm càng tốt.

“So với ban ngày, ban đêm có thể dễ xảy ra tiêu cực hơn, như đánh bạc, an ninh trật tự… nên cần tăng cường quản lý, giám sát để phát huy mặt được, hạn chế mặt trái. Ví như tại Vân Đồn thì có thể khoanh vùng, dành một khu phố, một khu vực cho phố đi bộ, làm phố vui chơi, ăn uống… là hoàn toàn hợp lý”, luật sư Đức nhận định.

Do đó, ông Đức đề xuất nên khuyến khích để phát triển nhanh và nếu vướng luật thì sớm sửa luật không chỉ cho một khu vực mà cho sự phát triển chung. Đặc biệt trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn do hệ quả của dịch bệnh thì càng phải kích cầu, phát triển và nên ban hành sớm các quy định phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển ấy, luật sư Trương Thanh Đức đã chỉ ra một số vấn đề cần phải điều chỉnh. Thứ nhất là cần khoanh vùng các khu vực có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch.

Thứ hai, cần điều chỉnh các tiêu chí sao cho phù hợp vì điều kiện cơ sở hạ tầng, môi trường tự nhiên tại các khu thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng và khu dân cư là khác nhau, nên cần có sự phân biệt rõ ràng hơn.

Thứ ba là cần phát triển đồng bộ, hài hòa kinh tế ban đêm, phát triển các sản phẩm dịch vụ đi kèm để thu hút, giữ chân khách du lịch.

Song song đó cũng cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước, phải có biện pháp quản lý, triển khai, siết chặt quản lý nhưng nới lỏng các tiêu chí để kinh tế ban đêm phát triển.

Ông Đức kiến nghị: “Để tránh việc xuất hiện những sản phẩm không đồng bộ, méo mó, xấu xí, vài hôm lại lạc hậu bất cập… thì cơ quan quản lý phải nhanh chóng đặt ra quy hoạch, vạch ra tiêu chuẩn sao cho hợp lý. Nếu chậm trễ trong bối cảnh thị trường đang vận động mạnh mẽ như hiện nay thì rất dễ xảy ra tình trạng làm bừa rồi sau đó phải trả giá, khắc phục sửa sai”.

Theo ông Đức, Vân Đồn là một điển hình, nơi đây bắt đầu xây mới từ đầu cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lý để làm thật bài bản, thật tốt.

Chuẩn mực quản trị của các thương hiệu lớn đầu tư vào Vân Đồn như CEO Group, Sun Group tiệm cận hoặc bằng thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thu hút nhiều khách quốc tế hoặc khách trung và thượng lưu trong nước".

“Với Vân Đồn, mọi hình thức đầu tư đều nên chấp nhận, ví như condotel là rất hay, nguồn lực là vô biên. Vân Đồn chính là cơ hội vàng để xây dựng bài bản, làm tử tế bởi gần như là xây mới nên hãy làm hình mẫu phát triển. Còn về hành lang pháp lý hiện thời, Vân Đồn đã đủ cơ sở, tiềm lực để phát triển bất động sản du lịch cũng như kinh tế ban đêm.

Bởi những vướng mắc mà Vân Đồn có thể gặp phải là vướng mắc chung và phải sửa chung, ví dụ như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Hàng không… tất cả đều phải xem xét chỉnh sửa cho phù hợp”, luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định: “Vân Đồn mang dáng dấp của một đô thị biển sinh thái năng động, xanh, thông minh và nhân văn. Chính sự cởi mở về cơ chế, chính sách tạo ra sự tự do, độ mở cho phát triển kinh tế. 

Những động thái thí điểm phát triển khu kinh tế ban đêm, hay sự điều chỉnh cấp quản lý… cùng với môi trường sống an ninh, an toàn hơn so với những khu khác là yếu tố kích thích sự phát triển của du lịch, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, chuẩn mực quản trị của các thương hiệu lớn đầu tư vào Vân Đồn như CEO Group, Sun Group tiệm cận hoặc bằng thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thu hút nhiều khách quốc tế hoặc khách trung và thượng lưu trong nước"./.