Aa

"Thắp sáng" BĐS du lịch bằng "ngọn hải đăng" kinh tế ban đêm

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 03/06/2020 - 05:55

Nền kinh tế ban đêm đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, kinh tế ban đêm vẫn bỏ ngỏ trong khi đây là ngành có thể giúp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng giá trị cho các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Lời tòa soạn:

Đại dịch Covid-19 khiến thị phần khách quốc tế giảm, nhưng xu thế tất yếu là sự gia tăng của thị phần du lịch nội địa, mở ra nhiều cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc..., khi có quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn dài hạn, đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhìn về tiềm năng, thị trường ở những khu vực này còn dư địa phát triển rất lớn, do khả năng khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao, nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế…

Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngày 9/6/2020, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm: Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.

Nội dung: Phân tích xu hướng phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, trong đó trọng tâm thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19. Thông qua đó, chia sẻ kinh nghiệm phát triển những sản phẩm bất động sản của các thương hiệu lớn, uy tín, tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc...

Thành phần tham dự: Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế vĩ mô, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, kiến trúc, xây dựng, luật sư và lãnh đạo các doanh nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí.

Song song với việc tổ chức Tọa đàm, Reatimes thực hiện và khởi đăng tuyến bài: Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19.

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

Kinh tế ban đêm - "Gà đẻ trứng vàng" cho bất động sản du lịch

Kinh tế ban đêm là khái niệm không hề xa lạ ở nhiều quốc gia. Hiểu tổng thể, đây là hoạt động kinh tế - dịch vụ diễn ra trong thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Do đặc thù nên hoạt động này thường gắn với các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, các dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm… Ở nhiều quốc gia, kinh tế ban đêm có nhiều đóng góp lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, giá trị thặng dư và thu hút ngoại tệ.

Điển hình, tại một số quốc gia Âu, Mỹ cũng đã phát triển nền kinh tế ban đêm như một tiềm năng đáng chú ý, thúc đẩy công ăn việc làm, đóng góp giá trị thuế lớn. Tại Liên minh châu Âu (EU), hầu hết các thành phố lớn đều có nền triển mô hình này, đặc biệt là những thành phố được du lịch, du khách tìm tới nhiều nhất như Paris, Geneva, Zurich, Manchester, Amsterdam, Berlin, Madrid, Barcelona, Roma…

Thủ đô London Vương quốc Anh được mệnh danh là thành phố không ngủ khi nền kinh tế về đêm diễn ra từ 6h tối hôm trước tới 6h sáng hôm sau. Sự sôi nổi nhộn nhịp có xuất phát điểm từ những khảo sát cho thấy có tới 2/3 người dân luôn thường trực sẵn sàng ra đường mua sắm.  

Ở nhiều quốc gia, kinh tế ban đêm có nhiều đóng góp lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, giá trị thặng dư và thu hút ngoại tệ.

Chúng ta không thể không nhắc tới Sydney, Australia. Chính sách của thành phố này là nền kinh tế ban đêm có thể tạo ra mối liên kết trong cộng đồng. Hoạt động mua sắm, giải trí về đêm đem lại doanh thu 3,6 tỷ USD mỗi năm cho Sydney, với gần 5.000 doanh nghiệp tham gia.

Trong đó, lĩnh vực ẩm thực đóng góp nhiều nhất về giá trị tài chính và việc làm (thu về 15,7 tỷ USD và tạo ra khoảng 150.000 công việc). Theo sau là ngành giải trí, đóng góp 7,1 tỷ USD và 49.000 việc làm. Lĩnh vực đồ uống mang về 4,4 tỷ USD, tạo hơn 32.000 việc làm.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Kinh tế ban đêm ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nếu làm tốt có thể khiến GDP tăng được 5 - 8%. Hiện, cả ngành du lịch đang đóng góp 8 - 9% GDP, nếu có thêm những sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm, giá trị thu về còn cao hơn nữa”.

Tại châu Á, các tỉnh thành ở Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc, Trùng Khánh... cũng đã phát triển nền kinh tế đêm một cách bài bản. Về góc độ du lịch, các công ty du lịch ở nước này cho rằng, việc khai thác nền kinh tế đêm có thể tăng từ 10 - 20% quy mô thị trường tour du lịch về đêm. Chính như thế, khách du lịch đến Trung Quốc có thể ở dài ngày mà không cảm thấy nhàm chán.

Còn tại Việt Nam, kinh tế ban đêm là một khái niệm còn mới mẻ. Mặc dù lượng du khách quốc tế tới Việt Nam tăng đều hằng năm nhưng doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách còn thấp so các nước trong khu vực. Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), trung bình du khách đến Việt Nam chi 96 USD/ngày, trong khi Thái Lan là 163 USD/ngày và Singapore là 325 USD/ngày. Giới chuyên gia cho rằng, một phần là bởi, việc khai thác dịch vụ về đêm như vui chơi, giải trí, ăn uống tại các thành phố du lịch Việt Nam còn nhỏ lẻ, thiếu bản sắc, thậm chí không ít nơi coi kinh tế ban đêm chỉ là việc cung cấp dịch vụ ăn uống.

Việc khai thác dịch vụ về đêm như vui chơi, giải trí, ăn uống tại các thành phố du lịch Việt Nam còn nhỏ lẻ, thiếu bản sắc

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế ban đêm như dân số trẻ thích sinh sống tập trung tại các thành phố, bên cạnh những yếu tố văn hóa - nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao. Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi cách nhìn, cách quản lý để phát huy lợi thế phát triển kinh tế ban đêm.

Có thể khẳng định rằng nếu một vùng đất đẹp hấp dẫn du khách đến thăm thì kinh tế ban đêm chính là sản phẩm giúp giữ chân du khách và tối đa hóa lợi nhuận cho ngành du lịch. Kinh tế ban đêm nếu thực hiện tốt còn là tiềm năng gia tăng giá trị bất động sản. Thực tế ghi nhận, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đã sớm phát triển các mô hình kinh doanh gắn với kinh tế đêm tại các dự án của mình. Có thể kể đến một số như tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng được phát triển định hướng gắn với nền kinh tế ban đêm như Grandworld (Phú Quốc), Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng), Sonasea Vân Đồn Harbor City (Quảng Ninh)… Đây đều là những điểm nhấn đáng chú ý về sự phát triển của kinh tế ban đêm.

Đặc biệt, tiên phong phát triển dự án tại Vân Đồn, hiện Tập đoàn CEO đang triển khai tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City. Tại đây, chủ đầu tư phát triển các sản phẩm lưu trú cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn quốc tế, khu đảo nghỉ dưỡng Sonasea Island Retreat cũng như các sản phẩm du lịch phụ trợ như trung tâm mua sắm, bến du thuyền, CLB du thuyền, khu vui chơi trong nhà và ngoài trời, trung tâm hội nghị quốc tế…. theo mô hình “All in One” - mọi trải nghiệm trong một điểm đến giải trí đẳng cấp. Đây cũng là nơi đầu tiên tại Vân Đồn thí điểm mô hình kinh tế ban đêm, trở thành điểm đến hàng đầu hấp dẫn khách du lịch suốt 24/7 ngày và 365 ngày/năm.

Sonasea Vân Đồn Harbor City là dự án nghỉ dưỡng đầu tiên tại Vân Đồn thí điểm mô hình kinh tế ban đêm.

Kinh tế ban đêm - Động lực mới của bất động sản du lịch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đánh giá: “Phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này”, bày tỏ mong muốn các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm để thực hiện câu trả lời Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về vấn đề cần làm gì để du khách đến đông hơn, làm gì để du khách ở lâu hơn, làm gì để du khách tiêu tiền nhiều hơn. 

Thực tế, tại miền Bắc, một số nơi như Quảng Ninh lượng khách du lịch luôn tăng mạnh. Trong năm 2019, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 14 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2018; trong đó khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt, tăng 15%. Tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 29.487 tỷ đồng, đóng góp vào thu ngân sách nội địa của ngành du lịch đạt hơn 3.568 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh.

Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm

Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, trong tháng 5 vừa qua tổng lượng du khách đến Quảng Ninh ước đạt trên 346 nghìn lượt. Trong đó, khách nội địa khoảng 331 nghìn lượt, bằng 72,7% cùng kỳ năm 2019, chiếm 96% tổng số du khách. Khách tham quan Vịnh Hạ Long đạt khoảng 138 nghìn lượt, trong đó, khách nội địa đạt trên 137 nghìn lượt, khách nước ngoài đạt 892 lượt. Khách tới Yên Tử đạt 10,2 nghìn lượt. Khách tham quan Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đạt 50,2 nghìn lượt.

Đây là cơ sở rất thuận lợi để phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, đặc biệt là các dịch vụ kinh tế vào ban đêm đối với du khách quốc tế ở các quốc gia có múi giờ khác với Việt Nam.

Tuy có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh, các dịch vụ hoạt động về đêm chủ yếu mới tập trung ở một số địa bàn, trung tâm du lịch lớn như TP. Hạ Long và TP. Móng Cái. Ngoài các tour ngủ đêm trên vịnh Hạ Long, Du lịch Quảng Ninh còn đang bỏ trống một mảng lớn về dịch vụ thương mại, giải trí, tham quan ban đêm, do chưa có nhiều sản phẩm và còn bị hạn chế bởi một số quy định hiện hành.

Tại miền Trung, Đà Nẵng là thủ phủ du lịch, nhưng cũng khoảng từ 22h là các tuyến phố ở khu vực trung tâm quận Hải Châu, hay phố du lịch ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã bắt đầu tắt đèn, đi ngủ. Nhiều nhóm du khách cho biết, ban đêm ở Đà Nẵng, họ chỉ trải nghiệm dịch vụ đến 22h ở các điểm như Helio, chợ đêm Sơn Trà, hay một số quán bar nổi tiếng. Mặc dù TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm, nhưng hiện vẫn loay hoay tìm hướng phát triển.

TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm vui chơi giải trí về đêm, nhưng hiện vẫn loay hoay tìm hướng phát triển.

Gần kế Đà Nẵng, khu du lịch Hội An cũng đã nhen nhóm phát triển kinh tế ban đêm nhưng, các sản phẩm du lịch còn sơ sài, thời gian diễn ra các hoạt động trong đêm thường ngắn (kết thúc vào khoảng 23h).

Tại miền Nam, một số địa điểm du lịch như TP.HCM, Nha Trang cũng chưa có nhiều đột phá mới về loại hình kinh tế ban đêm. Hầu hết khách du lịch đều có nhu cầu lớn về loại hình du lịch này nhưng Việt Nam lại thiếu hụt tại điểm du lịch. Đó cũng là một trong những lý do khiến một lượng khách quốc tế không mặn mà với việc quay lại Việt Nam du lịch nghỉ dưỡng.

Giới chuyên gia cho rằng, kinh tế ban đêm ở Việt Nam cần sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn, bao gồm các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước và có kết nối giao thông công cộng, hệ thống quy định pháp lý và mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn; các sản phẩm dịch vụ càng đa dạng và tiện ích cao từ nhiều ngành ẩm thực, nghệ thuật và giải trí…

Việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm,... Từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, các tour dài ngày hơn. Du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn.

Nếu làm tốt, chắc chắn các khu kinh tế ban đêm sẽ trở thành động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa tại các thành phố, địa phương và khu vực, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tăng công suất hữu dụng và giúp cả giảm áp lực cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính): “Bản thân tư duy của những người có thể làm kinh tế đêm rõ ràng đã và đang còn bị trói buộc. Không gỡ được nút thắt này, mọi thử nghiệm sẽ đều thất bại. Kinh tế ban đêm đã mang lại cho Tokyo (Nhật Bản) khoảng 3,76 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, với cả nước Anh, con số này lên tới 100 tỷ USD một năm.

Kinh tế ban đêm mang về cho Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng bao nhiêu tiền và bao nhiêu việc làm? Câu trả lời là chưa có con số thống kê chính thức. Cũng chưa có chính sách phát triển “kinh tế ban đêm” nào nhiều hơn việc xây dựng các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm. Muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có cách làm đa dạng về "chủng loại mặt hàng" và đặc biệt là tạo điểm nhấn theo địa phương.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top