Sẽ có đường sắt kết nối Tây Nguyên với tổng chiều dài 550km

Thứ Ba, 16/11/2021 - 16:00

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) với tổng chiều dài 550km.

Tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên được kỳ vọng làm giảm áp lực cho đường bộ, góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải trên địa bàn.

Theo quyết định đã được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, sẽ cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Theo tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước) với tổng chiều dài 550km.

Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt, công bố quy hoạch theo quy định. Bên cạnh đó, các bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và địa phương.

Theo Bộ GTVT, Tây Nguyên chỉ có hai phương thức vận tải chính là: đường bộ và hàng không, còn về đường sắt sẽ được quy hoạch trong tương lai.

Được biết, trước đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, bộ này đề xuất xây mới và di dời một số ga trên tuyến Bắc – Nam. Tại khu vực miền Trung, Bộ GTVT đề xuất di dời ga Đà Nẵng khỏi trung tâm thành phố về phía Tây và xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với cảng Liên Chiểu. Ga hành khách Nha Trang duy trì vị trí cũ, xây dựng mới ga hàng hóa tại xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang thay thế ga hàng hóa hiện nay.

Ngoài ra, theo định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt Việt Nam giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có dự kiến đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa với chiều dài khoảng 169km, khổ 1.435mm, lộ trình nghiên cứu, đầu tư trong giai đoạn sau 2020.

Theo dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ xuất phát từ ga Phú Hiệp (huyện Đông Hòa, Phú Yên) đi qua các huyện Tây Hòa và Sông Hinh (Phú Yên) sang huyện Ea Kar (Đắk Lắk) với 8 ga để lên Buôn Ma Thuột. Tuyến đường này sẽ nối với tuyến đường sắt dọc Tây Nguyên từ Kon Tum sang Đà Lạt (đã được đưa vào quy hoạch). Đây là tuyến đường sắt nằm trong quy hoạch tuyến đường sắt kết nối khu vực Tây Nguyên và tuyến Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 169km; Đắk Nông - Bình Thuận dài khoảng 121km.

Có nhiều ý kiến cho rằng, đường sắt không thể triển khai đối với địa hình nhiều đồi núi như Tây Nguyên. Tuy nhiên, cách đây hơn một thế kỷ, nhà ga đầu mối trên tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt dài tới 84km đã được xây dựng, điều này minh chứng cho việc xây dựng tuyến đường sắt đi Tây Nguyên là hoàn toàn có thể.

Trong thời gian qua, việc này đã được nhắc đến nhiều lần, thể hiện nguyện vọng chính đáng của địa phương nhằm giảm áp lực cho đường bộ, góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải trên địa bàn và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, vì sự phát triển lâu dài của vùng Tây Nguyên, việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt là rất cần thiết, nhất là với kỹ thuật tiên tiến như hiện nay.

Dù vậy, với đặc điểm đường sắt đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn so với lĩnh vực khác, khả năng thu hồi vốn chậm, rủi ro đầu tư cao, khả năng nguồn lực trong giai đoạn hiện nay là rất khó cân đối để đầu tư. Vì vậy, Bộ GTVT xác định đường bộ, đường hàng không là phương thức vận tải quan trọng nhất của khu vực nên đã phê duyệt nhiều tuyến đường cao tốc tại Tây Nguyên./.