Aa

Gia Lai là điểm sáng thu hút đầu tư khu vực Tây Nguyên, nổi bật về điện gió

Thứ Năm, 11/11/2021 - 06:15

Hiện nay, Gia Lai tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư ở Tây Nguyên với nguồn thu ngân sách tăng cao, trong đó có sức bật lớn từ những dự án điện gió.

Đặc biệt, việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội hợp tác và triển khai nhiều dự án ngàn tỷ trên địa bàn.

Nguồn thu ngân sách vượt trội

Theo thông tin từ Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, trong năm 2021, tỉnh Gia Lai kêu gọi đầu tư 226 dự án ở các lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi công nghệ cao, năng lượng tái tạo, thương mại - du lịch và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp. Tính đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 50 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 20.052 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng tháng 10/2021, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 9 dự án, với vốn đăng ký hơn 800 tỷ đồng.

Vào năm 2021, tỉnh Gia Lai điều chỉnh tăng gấp đôi tổng mức đầu tư toàn xã hội so với năm 2020 với mức trên 70.000 tỷ đồng (năm 2020 là 30.000 tỷ đồng). Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng của năm 2021 đạt 19.394 tỷ đồng, bằng 78,2% kế hoạch, tăng 12,82% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn thu cân đối ngân sách trên địa bàn 10 tháng năm 2021 đạt hơn 6.500 tỷ đồng, chiếm 146,1% dự toán Trung ương giao và 131,8% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 88,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, có 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất, với tổng vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng, trong đó có 31 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương; 15 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2020 - 2021; 126 dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu. Có thể thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi các đợt dịch liên tục bùng phát, nhưng những số liệu nêu trên cho thấy việc thu hút đầu tư tại tỉnh Gia Lai tương đối thuận lợi và khả quan. Từ đó, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách và tạo việc làm cho người dân trong vùng dự án.

Cột điện gió của dự án Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông), hiện nay dự án đã được đưa vào vận hành thương mại

Theo báo cáo từ UBND tỉnh, để đạt kết quả thu ngân sách như trên là nhờ vào sự đóng góp lớn và quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nổi bật là chuỗi các dự án năng lượng tái tạo được thu hút đầu tư đã và đang triển khai tại địa phương. Bên cạnh đó, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Gia Lai luôn chủ động tiếp cận những nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính với hàng loạt chương trình ký kết hợp tác đầu tư tạo tiền đề cho sự phát triển mới về kinh tế của địa phương.

Qua trao đổi với PV Reatimes, ông Lê Tiến Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai, cho rằng: “Thu hút đầu tư của tỉnh tăng cao từ giai đoạn 2016 - 2020, tăng 6 lần về số lượng dự án và 36 lần về số vốn so với giai đoạn trước. Nổi bật hơn, trong năm 2020 - 2021, tính đến ngày 9/11 chỉ trong vòng hơn 1 năm tỉnh đã thu hút trên 200 dự án, chiếm 50% so với giai đoạn trước. Trong số đó là những dự án về năng lượng tái tạo, trong đó các dự án điện gió tăng vượt trội. Có được điều này là thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến trong và ngoài nước như: Hàn Quốc, New Zealand, Nam Phi… thì sức lan tỏa về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được lan truyền rộng khắp”.

Khơi dậy tiềm năng từ các dự án điện gió

Dễ nhận thấy, trong việc thu hút đầu tư của tỉnh nổi bật lên là những dự án về năng lượng tái tạo khi hút dòng vốn của mỗi dự án lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong đó đầu tư vào điện gió là lĩnh vực kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế bền vững, thu hút du lịch và tăng nguồn thu ngân sách địa phương trong thời gian tới.

Nhà vận hành và trạm biến áp của dự án Nhà máy điện gió Ia Bang 1

Theo kết quả quan trắc, Gia Lai là một trong những tỉnh được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển các dự án điện gió, với tốc độ gió nhiều nơi đạt từ 6 - 8m/s. Trong đó, có 4 khu vực tiềm năng phát triển các dự án điện gió với quy mô công suất có thể đạt khoảng 11.950MW. Cụ thể, khu vực phía Đông khoảng 3.800MW; khu vực phía Đông Nam khoảng 1.300MW; khu vực phía Tây khoảng 6.350MW và khu vực TP. Pleiku khoảng 500MW.

Trong thời gian qua, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 17 dự án điện gió, với tổng công suất 1.242,4 MW chiếm tổng vốn đầu tư hơn 43.442 tỷ đồng. “Nếu giai đoạn năm 2011 - 2015 việc thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo rất thấp, gần như không có dự án điện gió nào, thì đến giai đoạn tiếp theo tiềm năng điện gió mới được khai phá và đến năm 2021 là điểm bức phá của những dự án điện gió”, ông Lê Tiến Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai chia sẻ thêm.

Tính đến đầu tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 11 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD) với 137/297 turbine (chiếm tỷ lệ 46,13%), tổng công suất 563,4/1.192,4 MW (chiếm tỷ lệ 47,23%). Trong 11 dự án được công nhận vận hành thương mại có 7 dự án vận hành 100% quy mô công suất với 106/297 turbine, tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án được COD một phần.

Với môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, các nhà đầu tư cũng bày tỏ sự hài lòng với các chính sách và cơ chế thông thoáng tại đây.

Trao đổi với PV Reatimes, ông Hồ Quý Tri Thức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Ia Bang, cho hay: “Nhà máy điện gió Ia Bang 1 được khởi công từ tháng 1/2021 có công suất 50MW gồm 12 trụ turbine gió (4,2MW/trụ) với tổng mức đầu tư hơn 1.955 tỷ đồng. Hiện nay, đã được đưa vào vận hành thương mại và về đích kịp hạn hưởng giá FIT, việc nhà máy hòa lưới đóng góp cho hệ thống điện quốc gia hơn 163 triệu kWh/năm, phục vụ gần 25.000 hộ gia đình.

Bên cạnh đó, dự án được hoàn thành đúng tiến độ chúng tôi đánh giá sự hỗ trợ rất cao của tỉnh về các thủ tục pháp lý về đất đai, hạ tầng được đảm bảo, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ nhiều trong việc vận chuyển thiết bị, việc thi công tại công trường… môi trường đầu tư thông thoáng. Hy vọng thời gian đến sẽ có nhiều dự án quy mô lớn được tỉnh mở rộng quy mô đầu tư", ông Hồ Quý Tri Thức cho biết thêm.

Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 1/11, tại Gia Lai có 7/16 dự án điện gió đã hoàn thành, kịp hoà lưới, hưởng giá FIT theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tổng công suất phát điện của 7 dự án tương đương 35,69% công suất mà 16 dự án điện gió tại Gia Lai đăng ký.

Không chỉ khơi dậy tiềm năng từ các dự án điện gió, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều hướng đi, chính sách được cộng hưởng với mục tiêu thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác như: Phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch quỹ đất…

Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tại huyện Đức Cơ, nút giao thông quan trọng của tỉnh Gia Lai

Mới đây, tỉnh Gia Lai đã thống nhất thông qua kế hoạch và phương án phân bổ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn đầu tư trên 12.040,8 tỷ đồng. Cụ thể, 82 dự án đầu tư công sẽ bao gồm các công trình trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng cũng là cách Gia Lai đang “mở lối” để thu hút đầu tư. Với những con đường “huyết mạch” đã lần lượt được hoàn thiện tại Gia Lai như: Quốc lộ 14 xuyên suốt tới TP.HCM, Quốc lộ 25 đi Phú Yên, Quốc lộ 19 nối Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định)… và nhiều dự án giao thông được nhận định sẽ tạo động lực đưa việc phát triển kinh tế - du lịch Gia Lai “cất cánh”. Những kết quả trên cho thấy các hướng đi và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Gia Lai đang đi đúng hướng và đã đạt được nhiều “trái ngọt”.

Quảng Trị có 17 dự án điện gió công nhận COD, công suất hơn 611MW

Sở Công thương tỉnh Quảng Trị dẫn thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, có 17 dự án được công nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021; tổng công suất phát điện là 611,5MW. Trước đó đã có 20 dự án (chủ đầu tư) điện gió trong số 29 dự án điện gió được tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư đã đăng ký COD trước thời hạn chốt giá FIT của Chính phủ ngày 1/11/2021. Trong số này 3 dự án chưa được công nhận COD là dự án điện gió Hải Anh (Công ty Cổ phần điện gió Hải Anh, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa), Hướng Linh 3 (Công ty Cổ phần điện gió Hướng Linh 3) và Hướng Linh 4 (Công ty Cổ phần điện gió Hướng Linh 4, cùng xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa).

Ngoài ra, Quảng Trị cũng đã có hai nhà máy điện gió đã hoàn thành và vận hành từ lâu với công suất 60MW là nhà máy Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2. Hiện nay các dự án còn lại trong số 29 dự án được tỉnh cấp chủ trương đầu tư đang thực hiện đầu tư, tiếp tục hoàn thành các hạng mục xây dựng.

Nhiều công trình điện gió Quảng Trị vận hành thương mại giúp địa phương tăng thu ngân sách (Ảnh: Đ.T)

Báo cáo của EVN với Bộ Công thương cho biết, trong số 146 dự án điện gió tổng công suất 8171,475MW của cả nước đã ký hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư với EVN đến hết ngày 31/10/2021 thì có 84 dự án với tổng công suất 3.980,265MW đã COD, trong đó COD toàn phần là 69 nhà máy điện gió với tổng công suất 3298,95MW; 15 dự án còn lại chỉ COD một phần, công suất 325,15MW.

Theo EVN, qua rà soát, đánh giá về điều kiện giải tỏa, tổng công suất đặt nguồn điện gió được bổ sung quy hoạch đạt 11.800MW. Trong khi đó, dự kiến đến 31/10/2021, tổng công suất các nhà máy điện gió hòa lưới dự kiến khoảng 4.000MW. Như vậy tại thời điểm hiện nay điều kiện giải tỏa các dự án có khả năng COD trước 31/10/2021 đã được giảm thiểu nhiều so với thời điểm bổ sung quy hoạch. Khả năng giải tỏa công suất của một số dự án nhà máy điện gió gặp khó khăn chủ yếu vào khoảng thời gian ban ngày (khoảng 4 - 5 tiếng ban ngày), thời điểm điện mặt trời phát cao tại một số khu vực nhưng lại đảm bảo giải tỏa tốt tại thời điểm cao điểm tối (phụ tải cao nhất trong ngày và là thời điểm điện mặt trời không có công suất phát). Do khả năng giải tỏa tốt vào giờ cao điểm, các nhà máy điện gió có khả năng đóng góp một phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia ngay cả khi có thể tiết giảm một số giờ trong ngày.

EVN cho rằng, trong quá trình thực hiện thỏa thuận đấu nối với các chủ đầu tư (CĐT), căn cứ vào tiến độ các công trình lưới điện giải tỏa do EVN làm CĐT và căn cứ chỉ đạo của Bộ Công Thương tại văn bản số 3943/BCT-ĐL ngày 02/5/2018 về việc cho phép thỏa thuận đấu nối có điều kiện, các bên đều thống nhất đưa vào Thỏa thuận đấu nối điều khoản yêu cầu các CĐT thực hiện giảm/dừng công suất nhà máy khi có quá tải lưới điện hoặc thừa nguồn trên cơ sở đó EVN đã ký PPA với các CĐT đều có bổ sung yêu cầu này. Như vậy, với các thỏa thuận trên giữa EVN và CĐT việc vận hành nhà máy điện gió sẽ đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, không gây quá tải đường dây và trạm biến áp theo đúng nguyên tắc đã đặt ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top