Nước với Tây Nguyên, Tây Nguyên với nước
Mở đầu câu cúng các Giàng của người BahNar thường là: Ơ Giàng Kôông, Giàng Đák, Giàng Nák, Giàng A, đầy xoong đầy xa... Nghĩa là: Ơ thần Núi, thần Nước, thần của các thần, các vị có cho có ăn...
Người Việt có câu: Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống. Còn người JơRai, mỗi vùng cư trú thường có những nhà thần học của cộng đồng giỏi việc phán đoán nắng mưa được nhân dân tôn vinh là pơtao Ia, pơtao Puh, một số nhà dân tộc học dịch là vua Nước, vua Lửa. Chữ Vua ở đây không có nghĩa là vua hành chính mà là để chỉ một thế lực, một quyền năng (thần quyền). Với quy trình khắc nghiệt khá đặc thù của thiên nhiên Tây Nguyên, cứ 6 tháng mùa khô 6 tháng mùa mưa, cảnh no dồn đói góp ngàn đời trông cậy vào Giàng xoong (Trời cho).
Muốn cải tạo tình trạng này không có con đường nào khác là phải tạo ra các công trình thuỷ nông nhằm phân bố lại nước cho những vùng đất đai vốn đã rất cao độ phì nhưng vì thiếu nước mà câu chuyện cây con chưa bao giờ ổn định. Công trình AYun Hạ, một công trình thuỷ lợi lớn nhất Gia Lai, Tây Nguyên đã được được nghiệm thu nhiều năm nay và được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao là một ví dụ.
Một Tây Nguyên xanh, ấy là cách gọi mới vì ngàn đời nay Tây Nguyên xanh vẫn xanh, xanh rừng xanh núi, hà cớ chi phải đặt lại vấn đề cho Tây Nguyên xanh? Quả tình từ sau 1975 đến nay, với bao nhiêu sự biến đổi do những chương trình cải tiến cải lùi, định canh định cư, xây dựng vùng kinh tế mới, nhất là những công trình thủy điện thủy lợi có thể nói là thiếu khoa học, điển hình là Kan Nak làm tổn thương nghiêm trọng tới rừng, tới đời sống cư dân làng rừng. Nước với Tây Nguyên là nguồn sống của cây rừng. Cư dân Tây Nguyên mỗi lần buộc phải di dời chỗ canh tác, chỗ ở, điều đầu tiên họ phải đi tìm nguồn ngước. Việc cúng tế đầu tiên là cúng bến nước.
Trong trường ca “Ba zan khát” của nhà thơ Thu Bồn tôi cứ bị ám ảnh mãi mấy câu:
“Nước có bao giờ lặng yên
cỏ một vùng hiu hắt
thảo nguyên
gió lăn bánh
bụi mù
taman lửa...”
Taman lửa, ấy là đồng cỏ cháy, ấy là đất bazan khát và đó là bức tranh của Tây Nguyên thời “kinh tế mới”. Mấy chục năm qua, bazan vẫn khát, nhưng có thể nói cái khát bây giờ không còn khát như ngày nào, bởi nước có bao giờ lặng yên và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có bao giờ lặng yên.
Vấn đề nước với Tây Nguyên và Tây Nguyên với nước thực ra đã là vấn đề thiết yếu và cấp bách được đặt ra với tầm quan trọng hàng đầu trong các chương trình chiến lược xây dựng lại Tây Nguyên giàu và đẹp ngay từ những năm đất nước thống nhất. Có thể nói công trình thuỷ lợi AYun Hạ là một công trình lớn nhất và được trên quan tâm sớm nhất, nhưng vì có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nên phải ngưng lại cho mãi tới ngày 17/3/1990, vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn vất vả, công trình mới chính thức được khởi công và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2001. Dự án đã hoàn thiện, bàn giao cho địa phương khai thác và quản lý toàn bộ.
Nói về cái khát nước của BaZan, nhà thơ Thu Bồn viết: “Rừng cao su nhưạ trắng hắt lên trời”, nhưng ở xứ sở này: “Ngước mắt nhìn trời chỉ thấy mưa rơi/ Mưa rơi vào lòng hạn hán”... Và: “Mẹ xích đạo sinh đứa con nâu đỏ/ Sinh những trái tim máu rỏ/ Đất bâzn là đất khát mặt trời...”
Tôi bái phục nhà thơ Thu Bồn vì ông là người đầu tiên kêu lên tiếng kêu “Bazan khát” với một tình cảm rứt ruột, rỏ máu. Cái khát này là cái khát không chỉ khát nước, tất nhiên. Nhưng ông đã nhìn thấy rằng, muốn xây dựng Tây Nguyên giàu và đẹp, việc đầu tiên phải giải quyết khâu nước. Có nước là có tất cả.
Ở Tây Nguyên, từ thuở xa xưa, trong tất cả các lễ tục của mỗi buôn làng, thì lễ cúng bến nước là lễ quan trong bậc nhất. Đi tìm nơi cư trú cho cộng đồng, ấy là đi tìm nguồn nước. Đó là một công việc khó khăn gian nan và nhiều phức tạp nhất. Nó dễ gây nên những tranh chấp, thậm chí gây nên những cuộc chiến tranh bộ tộc thương tâm. Trước khi dự án xây dựng công trình thuỷ lợi AYun Hạ, theo tôi được biết, thời điểm di dân lòng hồ là thời điểm nhạy cảm nhất. Không thể nói hết được tình cảm của những người trực tiếp chứng kiến cảnh bà con phải di dời khỏi nơi cư trú ngàn đời.
Nhiều cảnh buồn thương xót xa đến nao lòng, nhưng rõ ràng không thể khác được. Bà con cũng biết thế. Anh chị em công trường cũng biết thế. Có thể nói, cùng một thời điểm 18 làng, với 1.040 hộ hơn 5.000 người dân, toàn bộ là hai dân tộc BahNar và Gia Rai phải dời nơi chôn nhau cắt rốn của mình để đến nơi ở mới, không buồn không lưu luyến sao được? Nhiều lần phát khóc khi phải chứng kiến cảnh bà con cúng Giàng, xin Giàng xá lỗi cho việc di dời và nhìn những ngọn lửa đốt lên phừng phừng trong ánh mắt xót xa nhớ tiếc của bà con.
Hơn 800ha đất canh tác cùng với đất thổ canh, thổ cư, tổng cộng là 3.700ha ngập trong lòng hồ. Đó là các con số. Nhưng cái không cân đong đo đếm được, ấy là ngàn năm phong tục tập quán, đời nọ đời kia nối tiếp nhau sinh tồn trên vùng đất này. Nay phải hy sinh, phải ra đi, vẫn biết là rồi sẽ khá hơn, nhưng liệu có ai nói rằng tôi thích di dời? Không ai muốn, nhưng khi đến lượt mình thì biết làm sao? Vậy thôi. Hiểu bà con và bà con hiểumình phải làm gì…
Có thể nói thung lũng AYun Pa là một trong những cái nôi văn hoá lớn nhất của bà con dân tộc JơRai. Tôi có được nghe nhiều bài hát kể, kể rằng nơi đây thuở xa xưa là vùng đầm lầy. Chung quanh vùng đầm lầy này là những cánh rừng đại ngàn với đủ mặt các loài muông thú từ voi, hiêu, nai, hổ, báo, đến công trĩ, bò tót, tê giác v.v... Cảnh sinh hoạt sầm uất của các buôn làng cùng với những luật tục vô cùng khắc nghiệt, nhất là luật tục với làng với rừng. Họ chỉ dời làng khi làng bị lửa ăn do cháy rừng, do dịch bệnh và do những cơn lũ lụt thiên tai bất ngờ ập xuống. Tóm lại là do thần linh, do trời không ưng cho ở thì mới phải đi...
Những cánh rừng bị cạo trọc, bị thiêu cháy do chiến tranh và do hoả hoạn, do nhiều nguyên nhân. AYun Hạ, đúng là một vùng đất khát, năm nào cũng có vài vụ lửa ăn rất đáng sợ.
Còn nhớ có lần tôi theo chân thạc sĩ Trần Tố Nghị đi thị sát vùng hồ AYun Hạ, khi tới nơi diễn ra một sự kiện nho nhỏ, ấy là mấy anh thợ đánh bắt cá của công ty thuỷ sản không biết cái ông hỏi mua cá kia là ai, nhưng nghe cách nói, cách hỏi và nom có vẻ sành sỏi ở vùng này nên cũng nể tình bán cho con chép cỡ ba bốn ký với giá “nội bộ”, thực ra chẳng nội bộ tí nào, đoạn dặn: “Cấm các chú được nói ra, ông chủ ổng biết thì chúng cháu toi”. Hỏi, ông chủ nào. Đáp, ông chủ chớ ông chủ nào? Tôi chỉ vào anh Nghị hỏi anh ta: Cháu có biết ông nào đây không? Anh thanh niên nhìn một lúc rồi nói, dạ không. Anh Nghị bảo tôi, cái người được gọi là ông chủ chính là một chủ thầu, thầu đánh bắt khai thác toàn bộ mặt hồ với giá năm mươi triệu đồng một năm!
Rồi chúng tôi vào thăm mấy ngôi làng ven hồ. Bà con còn rất khó khăn, ai cũng kêu muốn bắt cá kiếm sống nhưng chủ hồ không cho! Tóm lại, ngoài việc làm thuỷ lợi tưới nước cho ruộng, hồ AYunHạ lẽ ra phải là nguồn lợi lớn cho nhân dân địa phương được khai thác, hoặc có tổ chức chặt chẽ cho dân hành nghề chài lưới, thu gom thuỷ sản, hoặc bằng những biện pháp gì đó vừa có nguồn thu cho nhà nước, vùa giúp được nhân dân bản địa có công ăn việc làm. Đằng này, thợ đánh cá toàn ở ngoại tỉnh đến.
“Ông chủ” trở thành kẻ đối mặt với nhân dân. Lại nghĩ, không thể cùng một lúc đòi hỏi giải quyết ổn thoả mọi vấn đề, nhưng việc khai thác tài nguyên thì trước hết phải theo luật. Công trình AYun Hạ là một dự án khai thác đa mục tiêu. Theo tôi cách khai thác mặt hồ cũng phải ruân theo luật, không nên tùy theo cảm tính. Bắt đầu thì khó lắm, nhưng lâu dài cứ theo luật bên tình bên nghĩa phân minh. Phải tập làm theo luật chúng ta sẽ đi vào ổn định và phát triển lâu bền…
Ngoài công trình AYun Hạ còn các công trình thuỷ lợi khác, gồm: Công trình Đắk Cấm, IABang Thượng; Công trình Đắk Loh, Đắk Yên (ở tỉnh Kon-Tum). Tỉnh Gia Lai có công trình IALâu, Hà Ra; Công trình Chư Pơ Rông, IARinh. Theo tôi được biết lãnh đạo tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xác định tỉnh Gia Lai là một tỉnh nông nghiệp. Muốn phát triển được cần phải có đầu tư xứng đáng cho công tác thuỷ lợi mà trọng điểm là công trình thuỷ lợi IAM’La thuộc huyện KRôngPa.
Công trình này tưới tiêu cho 5.500ha và đây cũng là công trình đa mục tiêu, tưới cho vùng lúa 1.500ha - 2000ha; bông rồi điều, thuốc lá cũng là những cây công nghiệp rất thích hợp với vùng đất này. Khi hoàn thiện công trình thuỷ lợi IAM’La có nghĩa là hoàn thiện luôn được việc ổn định đời sống nhân dân một vùng nghèo khó nhiều năm nay. Thêm nữa, ở huyện Chư Pơ Rông có công trình thuỷ lợi IAMơ tưới tiêu cho khoảng 800ha. Đây là vùng giáp biên giới với Campuchia. Công trình này hoàn thành góp phần rất lớn, ngoài ý nghĩa kinh tế còn tạo nên ảnh hưởng tốt đến vấn đề an ninh chính trị, quốc phòng, và nhất là giữ gìn an toàn trật tự xã hội, nâng cao đời sống dân sinh.
Việc khai thác tài nguyên nước ở Tây Nguyên là cả một chương trình lớn, nhiều dự án đã và đang được thực thi, nhưng công trình AYun Hạ mãi mãi là dấu ấn đầu tiên, một dấu ấn đẹp rất đáng tự hào. Tôi đã có nhiều năm sống chiến đấu và làm việc ở vùng hạ lưu sông AYun, mùa khô đất núi khét mù bụi. Thung lũng AYun Pa nơi gặp gỡ của hai con sông lớn là sông AYun và sông Pa, mùa mưa nhiều năm lũ quét gây nên không biết bao nhiêu cảnh thương tâm. Chuyện ấy bây giờ lại bị ảnh hưởng lớn bởi công trỉnh thủy điện Kan Na đầu nguồn. Việc ta chấm dứt cảnh luân canh làm rẫy phá rừng, gây nên những vụ cháy khủng khiếp.
Mẹ Lúa bây giờ không phải quá nhọc nhằn leo núi về kho mà Mẹ về kho từ ruộng nước 2 vụ, ba vụ với năng suất 7 - 8 tấn/ha/vụ, có nơi tới 10 - 12 tấn/ha/vụ. Vai trò của nước với Tây Nguyên và Tây Nguyên với nước hy vọng ngày càng được các nhà khoa học và các nhà quản lý quan tâm. Bazan chỉ hết khát khi có hệ thống nước tưới tiêu khắp mọi địa hình của cao nguyên và cảnh cháy rừng khủng khiếp cũng sẽ được chấm dứt khi nước về với buôn làng.
Có nước đời sống bà con các dân tộc sẽ không còn cảnh đói nghèo. Xin chúc nước của Tây Nguyên được phân bố đều trên khắp vùng lãnh thổ bazan thân yêu của chúng ta./.