TP.HCM phân loại rác: Tuyên truyền trước, xử phạt sau

Thứ Ba, 04/12/2018 - 04:00

“Lâu nay việc phân loại rác sinh hoạt chỉ được thực hiện thí điểm trên diện hẹp. Quyết định 44/2018 của UBND TP ban hành quy định về phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn sẽ là bước chuyển mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân TP".

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng trao đổi với Pháp Luật TP.HCM khi Quyết định 44 vừa có hiệu lực.

Theo ông Thắng, mỗi ngày TP có gần 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, cũng là nguồn thải chủ yếu gây ô nhiễm môi trường. Trước đây, khi chưa thực hiện đại trà việc phân loại rác tại nguồn thì các nhà máy xử lý rác cũng tiến hành phân loại để tái chế trước khi đốt hoặc chôn lấp.

PV: Người dân hiện vẫn còn rất xa lạ với việc phân loại rác, thậm chí đa số còn chưa phân biệt được đâu là rác hữu cơ, đâu là rác tái chế hay các chất thải còn lại, thậm chí còn chưa biết việc ra đời của Quyết định 44.vậy Sở đã có những động thái gì để triển khai quyết định này tới người dân?

Ông Nguyễn Toàn Thắng

Ông Nguyễn Toàn Thắng

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Ngay sau khi Quyết định 44 có hiệu lực, Sở đã tổ chức họp triển khai quyết định này tới 24 quận, huyện và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, Sở hướng dẫn các quận, huyện tuyên truyền, phổ biến đến người dân với các biểu mẫu, tài liệu. Hiện nay, các địa phương đang chuẩn bị các thông tin có liên quan để tổ chức tuyên truyền, vận động đến các khu phố, tổ dân phố. Chẳng hạn, trong sáng 1-12, quận Thủ Đức đang triển khai hướng dẫn cho các hộ dân tại phường Bình Thọ các thông tin về việc phân loại rác tại nguồn.
Tại Quyết định 44, TP cũng đã phân cấp về cho các quận, huyện lên kế hoạch và lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung hướng dẫn, tuyền truyền, vận động, giải thích để người dân “thấm”. Cùng với đó là việc chuẩn bị cơ sở vật chất đồng bộ để sau năm 2020, việc phân loại rác tại nguồn phải được thực hiện đồng bộ trên 322 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.

PV: Theo Quyết định 44, nếu người dân không tiến hành phân loại rác, sau ba lần nhắc nhở mà vẫn không làm thì đơn vị thu gom sẽ báo lên chính quyền địa phương xử phạt. Việc xử phạt sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Quan điểm của TP không nhằm xử phạt và thu tiền mà chủ yếu là tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân làm quen với việc phân loại rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Do đó, trước mắt TP không đặt nặng việc xử phạt nếu người dân vi phạm.

Cùng với quá trình tuyên truyền, vận động, UBND quận, huyện sẽ tổ chức sắp xếp hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với lộ trình như đã nêu trên. Phải đảm bảo hệ thống thu gom, vận chuyển phải được tổ chức, vận hành đồng bộ trong việc thu gom riêng chất thải hữu cơ và chất thải còn lại của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Chẳng hạn, các đường dây rác dân lập thì chuyển sang hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp để họ có đội ngũ, được tổ chức tập huấn để làm đúng theo quy định. Hay các đơn vị thu gom, vận chuyển cũng phải đổi mới phương tiện vận chuyển cho phù hợp, chẳng hạn xe ba gác sẽ được thay bằng thùng 700-1.000 lít để đi vào thu gom tại khu dân cư…

Khi tất cả đều đồng bộ và việc tuyên truyền cũng đã nhuần nhuyễn mà người dân không thực hiện phân loại rác thì lúc đó mới tiến hành xử phạt.

PV: Theo quy định thì mức phạt lên tới 15-20 triệu đồng có quá cao và có khả thi?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ, nếu người dân không thực hiện phân loại rác tại nguồn thì sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng. Nếu căn cứ theo quy định này thì chỉ cần người dân vi phạm là có thể lập biên bản xử lý ngay. Tuy nhiên, tại Quyết định 44, TP vẫn “nới tay” nhắc nhở ba lần mới xử phạt. Qua đó, mục đích của TP là để nhấn mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân trước.

Về mức phạt thì nghị định đã nói rõ và cũng đã có hiệu lực từ lâu nên không thể làm khác được.

Xin cám ơn ông.

TP.HCM quyết tâm phân loại rác tại nguồn

Sáng 2/12, HĐND TP.HCM đã phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 12 với chủ đề “Công dân TP.HCM, tự hào và trách nhiệm”. Hai nội dung chính là bảo vệ môi trường và cải cách hành chính.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đến cuối năm nay, TP mới triển khai, là địa phương chậm nhất trong các tỉnh, thành trong việc triển khai nghị định của chính phủ. “TP.HCM hợp tác với Đa Phước những năm qua đã thất bại trong việc phân loại rác tại nguồn. Tỉ lệ chôn lấp hiện nay ở Đa Phước là cơ bản nhưng do chúng ta không phân loại được trong hợp đồng nên nhà đầu tư không giảm tỉ lệ chôn lấp được” - ông Tuyến nói.

Từ đó, ông Tuyến cho biết từ năm 2019 đến những năm tiếp theo, TP.HCM phải quyết tâm phân loại rác tại nguồn.

TÁ LÂM