Aa

Đau đầu với cách phân loại rác của 5 quốc gia sạch có tiếng trên thế giới

Thứ Sáu, 23/11/2018 - 04:00

Phân loại rác, tốt thì tốt thật, nhưng không hề đơn giản. Câu chuyện ấy càng đúng nếu bạn đến các quốc gia này.

Ở đâu cũng vậy, câu chuyện về rác thải vẫn luôn khiến các nhà chức trách phải đau đầu. Quốc gia càng đông, rác thải càng nhiều, và việc xử lý rác càng đòi hỏi nhiều công sức và tiền của.

Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn tìm cách làm đất nước họ sạch đến mức đáng ghen tị. Và điều đó đến từ những quy trình phân loại, xử lý rác chuẩn chỉnh nhưng phức tạp đến mức người mới tiếp xúc lần đầu có thể muốn... phát điên.

1. Nhật Bản - Phát điên vì quy trình phân loại rác nghiêm ngặt

Nếu đến Nhật Bản, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi nhận ra rằng rất hiếm khi thấy thùng rác xuất hiện ngoài đường. Đó không phải là để bạn muốn vứt đâu thì vứt, mà là lời nhắc nhở rằng bạn phải mang theo rác của mình và xử lý nó đúng theo quy định.

Thông thường ở nhiều quốc gia, rác được phân ra làm hai loại: tái chế và không thể tái chế. Còn ở Nhật Bản lại có tới 4 loại rác chính: cháy được, không cháy được, ngoại cỡ, và rác "khác" (gồm chai lọ thủy tinh, vỏ lon...).

Rác cháy được bao gồm các loại rác hữu cơ, giấy các loại, bao bì thực phẩm, gỗ, cao su, quần áo cũ. Loại không cháy được là các vật dụng bằng nhựa: ống nhựa, dậy nhựa, chai lọ nhựa; đồ sứ; kim loại... Còn rác ngoại cỡ, đó là tủ, chạn, quạt đã qua sử dụng.

Mỗi loại rác khi muốn vứt đều phải cho vào túi theo màu sắc. Như rác cháy được sẽ được bỏ vào túi vàng, rác không đốt được là túi xanh. Nếu không tuân thủ, túi rác của bạn sẽ bị trả về kèm theo một chiếc "vé xấu hổ" để nhắc nhở.

Ngoài ra, rác tại Nhật Bản không phải muốn vứt thế nào cũng được, mà phải theo đúng ngày và tuân thủ một số quy định ngặt nghèo khác. 

2. Hàn Quốc - người Nhật còn muốn xin hàng

Bởi lẽ, quy định phân loại rác của Hàn Quốc, ở một số góc độ còn "gắt" hơn tại Nhật Bản.

Thực chất, quy định phân loại rác ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng không có nhiều khác biệt. Rác ở đây được chia thành 3 loại: rác thường (ilban sseuregi), thực phẩm (eumsikmul sseuregi), đồ tái chế được (jaehwal yongpum) và những rác thải có kích thước lớn (daehyeongpyegimul). Trong đó, rác thường và rác thực phẩm sẽ được phân vào các túi có màu sắc khác nhau, và được độ theo ngày được quy định.

Tuy nhiên, không phải túi nào cũng vứt rác được, mà phải tuân thủ quy định riêng của từng khu vực, quận và thành phố. Bạn mang túi của khu Gangnam đến Songpa-gu để vứt, bạn hoàn toàn có thể bị phạt.

Ngoài ra, quy trình phân loại rác cụ thể cũng rất phức tạp. Ví dụ, quần áo phải được để trong túi riêng. Giày phải để theo đôi, buộc vào với nhau hoặc để từng đôi riêng biệt. Rác tái chế luôn phải làm sạch trước khi vứt, chai nhựa thì cần bóc nhãn và tháo nút (nhãn thì cho vào túi rác thường)... Đó là chưa tính đến câu chuyện xử lý rác điện tử - một trong những mặt hàng thế mạnh của Xứ sở kim chi.

3. Đức - Tỷ lệ tái chế gần như đứng đầu thế giới

Tỉ lệ tái chế rác thải sinh hoạt tại Đức lên tới 65%, thậm chí có năm đạt 86% (số liệu năm 2015).

Với người Đức, họ coi việc phân loại rác thải sinh hoạt là một phần nghĩa vụ của bản thân với môi trường. Một số thành phố còn áp dụng một mức tiền phạt (có khi lên đến cả ngàn euro) nếu như có những món rác không được phân loại đúng cách.

Giống như Nhật và Hàn Quốc, rác của người Đức cũng được phân loại theo màu. Tuy nhiên, họ phân theo 4 màu khác nhau:

- Giấy hoặc bìa carton: cho vào thùng/túi có màu xanh dương,

- Thủy tinh: Cho vào thùng/túi rác có màu trắng hoặc xanh lá cây. Màu trắng cho thủy tinh trong suốt, màu xanh cho thủy tinh có màu.

- Rác nhựa, chai nhựa: cho vào thùng/túi có màu vàng.

- Rác hữu cơ (từ thực phẩm dư thừa): thùng/túi màu nâu.

Rác phải được phân loại đúng màu, nếu không sẽ không được thu gom

Rác phải được phân loại đúng màu, nếu không sẽ không được thu gom

Nếu như phân loại không đúng, rác của bạn sẽ không được thu gom. Và nếu như các công ty môi trường phát hiện ra bạn vứt rác bừa bãi bất chấp luật lệ, thì như đã nêu, bạn có thể bị phạt tiền.

4. Thụy Điển - phân loại và tái chế rác tốt đến mức phải nhập khẩu rác

Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới chạm mốc tái chế/tái sử dụng rác thải sinh hoạt hàng ngày với tỉ lệ lên tới 99% - tức là vượt cả nước Đức. Nguyên do là vì quốc gia này sở hữu một hệ thống tái chế rác thải đáng mơ ước, và vì người dân luôn quan tâm đến thiên nhiên.

Mỗi hộ gia đình Thụy Điển vẫn luôn tự động phân loại rác thải mà chẳng cần ai nhắc nhở. Giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, đồ điện gia dụng, pin... thậm chí cả thực phẩm nữa. Tất cả đều sẽ được tái sử dụng.

Giấy được nghiền thành vụn để tạo ra giấy mới, chai nhựa bị nung chảy để tạo ra vật dụng mới; thực phẩm thừa trở thành phân bón. Đến xe thu gom rác cũng được chạy bằng điện hoặc biogas (khí sinh học). Thậm chí đến các hiệu thuốc cũng chấp nhận mua lại thuốc thừa, khiến rác thải y tế ở đây gần như không có.

Trong số 99% rác tái chế, có khoảng 50% sẽ được đốt, nhưng là để tạo thành một nguồn năng lượng mới. Nguồn năng lượng này sẽ được quay vòng, trở thành nguồn nhiệt sưởi ấm cho các tòa nhà trong mùa đông khắc nghiệt. Công suất của hệ thống này lớn đến mức người Thụy Điển có thể bán cho các quốc gia khác, và thậm chí không có đủ rác để vận hành mà phải mua lại từ các quốc gia lân cận.

Nhiều người có thể thắc mắc rằng việc đốt rác sẽ tạo ra khí thải độc hại cho môi trường. Nhưng do khâu phân loại quá kỹ càng, cộng thêm quy mô nhà máy lớn, đốt ở nhiệt độ cao... nên 99% khí thải không gây độc hại.

Dù vậy, lượng khí và nước thải cũng trải qua một lần lọc nữa trước khi giải phóng ra thiên nhiên.

5. Singapore: biến rác thành điện

Thụy Điển biến rác thành năng lượng sưởi. Còn Singapore, họ biến rác thành thành điện năng phục vụ người dân.

Hiện tại, Singapore có 4 nhà máy điện từ rác thải, mỗi nhà máy đốt được hơn 1000 tấn rác mỗi ngày. Tuy nhiên, công suất như vậy vẫn là chưa đủ, vì thế hơn 1000 tấn rác cộng thêm 1000 tấn tro đốt được vẫn phải đem đi chôn.

Dù vậy, Singapore vẫn là một quốc gia được đánh giá là sạch sẽ bậc nhất. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do chế tài xử phạt cực kỳ nặng hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top