Aa

Người dân TP.HCM bắt đầu phân loại rác: Phân như thế nào và rác phân loại đi về đâu?

Chủ Nhật, 25/11/2018 - 23:30

Bắt đầu từ ngày 24/11, người dân TP.HCM phải tự phân rác thành 3 loại, nếu không thực hiện có thể bị phạt đến 20 triệu đồng. Vậy phân như thế nào, số rác được phân loại sẽ đi về đâu và được xử lý ra sao?

Rác phân loại sẽ đem đốt để thu năng lượng phục vụ cho sản xuất.

Rác phân loại sẽ đem đốt để thu năng lượng phục vụ cho sản xuất.

Phân loại rác thành 3 loại để xử lý

Theo đó, người dân và các cơ quan, tổ chức nếu không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm sẽ bị đơn vị thu gom cảnh báo. Trường hợp tái phạm nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt với mức phat có thể lên đến 20 triệu đồng

Chất thải phải phân loại theo 3 nhóm: hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); có khả năng tái sử dụng (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh).

Các loại rác được chứa trong bao bì phù hợp, túi màu xanh chứa rác hữu cơ, túi có màu sắc khác chứa chất thải còn lại.

Đơn vị thu gom sẽ chia các ngày trong tuần để lấy 3 loại rác được phân,, xe chuyên chở sẽ ghi rõ thu gom rác thải hữu cơ hay thu gom rác thải khác. Đây là hành động quyết liệt trong tiến trình bảo vệ môi trường và phát triển xanh của TP.HCM trong thời gian tới.

Rác phân loại đi về đâu và xử lý thế nào?

Chiều 24/11, trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, việc phân loại và xử lý rác là vấn đề quan trọng nên cần được tổ chức và triển khai nghiêm túc.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường, việc phân loại rác là thực hiện chủ trương xem đây là nguồn nguyên liệu để tái chế và tái sử dụng có hiệu quả. Thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến để đạt mục tiêu đến 2050 giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 20%.

“Rác hữu cơ sau khi phân loại được đưa đến nơi xử lý đốt để thu năng lượng, nhất là nguồn năng lượng phục vụ cho quá trình sản xuất. Điều này sẽ giúp bảo vệ môi trường, tái chế năng lượng mà nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện rất thành công” - lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường nói.

Được biết, mỗi ngày thành phố TP.HCM thải ra hơn 8.000 tấn rác, phần lớn số rác này được xử lý bằng biện pháp chôn lấp chiếm tới 80% và chỉ có 15% là tái sử dụng. Mỗi năm thành phố chi 4.000 tỷ đồng để thu gom rác, trong đó chi 1.800 tỷ đồng cho khâu xử lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top