Tự lực và “giải quyết xung đột“

Thứ Năm, 29/07/2021 - 07:00

Ôi trời, thế mà bà nội nghe con dâu kể, chỉ nghe thấy việc cháu bị đánh, lại khóc, không bao quát toàn diện câu chuyện mà thông tin, để ông nội mất bữa chén đám cưới…

Thằng cháu đích tôn của mình có tên khai sinh và cả tên gọi ở nhà đều là do bố nó đặt, chứ không tham khảo ý kiến ông bà nội, ông bà ngoại. Ngày trước, khi mình chuẩn bị đón thằng con con trai đầu, bố mình hay hỏi rồi còn bàn định với mình về chuyện đặt tên cho đứa cháu nội đích tôn của cụ. Bên vợ mình, thì ông ngoại, vốn là một nhà văn hóa và quản lý, còn đặt luôn trước tên cho hai đứa con trai của ông anh cả của vợ mình. Cháu chưa sinh ra, đã có tên đợi sẵn rồi. Thích thế chứ!

Quen nếp thế, mình cũng suy nghĩ lao lung lắm về chuyện đặt tên cháu đích tôn của mình. Bàn sơ qua với vợ thì vợ bảo: “Ông cứ nhiệt tình quá thế? Con nó đã nhờ đâu mà phải nghĩ. Để hôm nào em hỏi nó xem định đặt tên con như thế nào. Nó nói ra mà ổn rồi thì mình không cần có ý kiến gì nữa”. Mình đành yên lặng.

Được cái, thằng con trai cả nhà mình tính nết cẩn thận, suy nghĩ chắc chắn, suy xét nhiều bề, có khi còn hơn mình. Hơn nữa, cả hai thằng con trai của mình, đi học thì vợ chồng mình có định hướng chọn trường cho phù hợp, từ cấp một cho tới đại học. Nhưng khi lên đến đại học rồi là để tự lực mà lo tìm hướng nghề nghiệp. Chúng tự liên hệ, làm thủ tục nhập trường, thậm chí đi học nước ngoài, thì cũng tự nghiên cứu, tìm hiểu và liên hệ nơi học với điều kiện là nhà chỉ có khả năng bao cấp được đến mức như thế, còn làm sao cho phù hợp, theo học được mà đạt kết quả như hoạch định thì phải tự lo. Mọi chuyện lớn còn “tự chủ” như vậy, còn diễn ra tuần tự, tốt đẹp, nữa là cái chuyện đặt tên con của anh trai cả. Thế là con hơn cha rồi, mình còn đòi hỏi gì nữa chứ.

Đến khi vợ mình thông báo, anh con trai cả định đặt tên con như thế, là vì thế, vì thế… thì mình thấy, quả thực cũng ổn. Thằng cháu đích tôn có tên gọi ở nhà là Totti, theo tên gọi một cầu thủ ngôi sao bóng đá Italia. Bố nó xưa nay vốn mê đội tuyển bóng đá Ý mà. Bây giờ, trẻ con, tên ở nhà, toàn gọi theo tên kiểu Tây như thế, chứ rất ít gọi là Ti, là Gấu, như tên cậu cả và cậu thứ nhà mình hồi trước. Tây thì Tây, ông bà cứ thế gọi theo, dần dần rồi cái tên Totti ở xứ Italia kia cũng chứa đầy yêu thương trong mái nhà Việt của mình…

Ông và cháu. (Ảnh sưu tầm)

***

Hồi nuôi và dạy con, mình đã có ý thức về việc rèn để con tự lực rồi. Đến khi con mình nuôi và dạy con chúng nó, còn thấy chúng nó rèn con tự lực còn triệt để hơn.

Thằng cháu, khi sinh ra là phải ngủ cũi riêng, khi ngồi dậy được, biết cầm bình sữa mút là đến bữa thì đưa cho bình sữa cầm lấy mà mút, đến khi lớn hơn, thì ngồi ghế ăn riêng, tự bốc và xúc lấy cơm mà ăn. Ghê hơn nữa, là mới có mấy tháng, bố mẹ nó đã bàn cho đi gửi nhóm trẻ quen trông cho. Mình cũng băn khoăn lắm, nhưng chả dám can thiệp.

Một hôm, bà nội nhận được cuộc gọi của con dâu, nghe xong rồi gọi ngay để thông tin với ông nội: "Totti bắt đầu đi lớp học rồi nhé. Totti ngoan lắm! Thích đi học lắm, ông ạ".  

Mình làm việc, họp hành, cố thu xếp để về sớm, nghe bà nội kể chi tiết hơn. Bà nội kể: Lớp có anh gần hai tuổi, gọi là Putin (Chả biết anh ấy tên khai sinh là gì, nhưng chắc bố mẹ anh ấy mê chính trị gia này nên chọn tên ở nhà của con là như thế). Putin tranh suất nằm cạnh và ôm lấy bạn mới Totti, trò chuyện, âu yếm. Anh ấy là chính trị gia nổi tiếng, vừa tái đắc cử, sẽ làm nguyên thủ ít nhất là một phần tư thế kỷ, yêu quý ngôi sao bóng đá, thì lành lặn và đúng quá rồi.

Một anh khác, nhỏ hơn anh Putin một chút, tên là Bình (Không biết có phải là bố mẹ anh ấy thích ông Tập Cận Bình, người vừa mới chỉ đạo sửa hiến pháp, chắc sẽ làm Chủ tịch nước trọn đời không) thì cứ xun xoe cạnh Putin và Totti. Buổi sáng, Bình thấy Totti vào lớp, thì reo lên với Putin: "Đại ca đến rồi!". Chiều, vừa thoáng bóng mẹ Totti đến đón, thì lại hô: "Mẹ Đại ca đến rồi!".

Totti đi lớp trẻ lúc mới 4 tháng rưỡi. Thế nghĩa là lập nên kỷ lục mới, vì bố Ti của Totti đi lớp lúc 9 tháng, chú Gấu của Totti đi lớp lúc 10 tháng tuổi. Thế cũng là con hơn cha đấy, là nhà có phúc rồi.

***

Xung đột trẻ con. (Ảnh sưu tầm)

Lại có chuyện này: Một hôm, buổi chiều, sau giờ làm việc, mình đang trên đường đi dự một đám cưới, bỗng bà nội gọi điện, hốt hoảng: “Anh ơi, không hiểu thế nào mà thằng Totti nhà mình đi học nhóm trẻ, bị các anh đánh, đau lắm, khóc mãi”. Mình vội dúi phong bì mừng cưới nhờ bạn bỏ hộ, lao đến nhà ngoại để nắm tình hình.

Đến nơi, thì thấy Totti đang chơi đùa vui vẻ, cười như nắc nẻ. Hỏi mẹ nó là có chuyện gì. Mẹ nó kể: Totti bé nhất, ngủ trưa được ưu tiên nằm cạnh bà trông trẻ. Thế rồi bỗng dưng anh Bình gạt phắt Totti ra, nằm thế vào chỗ đấy. Totti ban đầu bị “xốc”, chỉ mếu máo thôi, sau thì lao vào cắn anh Bình để giành lại chỗ của mình. Anh Bình không vừa, đánh lại em. Cả hai cùng khóc toáng lên. Bà trông trẻ phải làm trọng tài phân xử, thêm anh Putin “can thiệp”, nên “trật tự đã được lập lại”...

Ôi trời, thế mà bà nội nghe con dâu kể, chỉ nghe thấy việc cháu bị đánh, lại khóc, không bao quát toàn diện câu chuyện mà thông tin, để ông nội mất bữa chén đám cưới…

Rồi mình nghĩ, chắc cũng phải tìm cách giáo dục công dân dần cho thằng cháu đích tôn về những xung đột và cách xử lý xung đột trong cuộc sống sau này. Mình đi ra hiệu sách, tìm mua được mấy cuốn sách tranh về những chuyện xa gần với chuyện ấy.

Thế là đợi đến Chủ nhật, ông nội và Totti sẽ thành đôi bạn tâm tình, cùng nằm salon, tâm đắc đọc và chia xẻ "trước tác" về thế giới quanh ta, về mối quan hệ vừa thân ái vừa cạnh tranh khốc liệt giữa các loài vật trong rừng xanh hay dưới biển cả, ao hồ…

Đấy là triết học cuộc đời nhập môn xử lý xung đột cho Totti đó!/.