Thấy tôi đến, cái Hoa reo lên mừng rỡ rồi đi lấy mấy thứ bánh kẹo nó để dành từ trại hè mang ra mời tôi ăn. Giờ thì tôi đã hết phải tỏ ra cảnh vẻ khách khứa, nên chén thật lực. Sau đó, Hoa nhìn vào con dao tôi buộc ngang thắt lưng, hỏi: “Phong đến nhà Hoa chơi mà vẫn mang theo dao rừng, định đi rừng à?”.
Tôi bảo: “Phải đi chứ, đi kiếm củi hay hái măng thôi, nhưng chưa biết rủ ai đi”. Cái Hoa đòi xem con dao của tôi rồi lấy cho tôi một con dao khác, vừa vặn với tay tôi, ánh thép còn xanh lạnh, mới tinh. Tôi xuống sàn chặt thử vào cây củi, dao bén và rất sắc. Hoa bảo: “Đổi cho Phong đấy. Để dao cũ lại đây, khi nào Hoa nhờ người rèn lại cho”.
Hoa thay bộ váy áo mới đang mặc bằng bộ quần áo đi rừng, đeo bao dao vào ngang hông, rồi bảo, Hoa cùng đi rừng với Phong nhé. Tôi tinh ý nhận thấy, cái Hoa đã xưng hô hơi khác. Trước đây nó bạn bạn, tôi tôi, khi đi cùng xe dự trại hè, nó nói trống không, giờ thì Phong Phong, Hoa Hoa…
Thời gian này đi rừng riêng với nó, tôi không sợ vì còn nghỉ hè lâu, bọn bạn có biết cũng không có dịp chế ghép đôi, sang năm lên học cấp III, là người lớn rồi, chả ngại. Với cả, từ nhà cái Hoa, xuống sàn là đi ngược lên rừng, có ai nhìn thấy đâu mà sợ.
Cái Hoa rủ tôi đi hái măng mạy loi. Đó là một loại măng của loài nứa rất nhỏ và mỏng, chỉ có trên núi đá cao, ăn rất giòn và ngọt. Tôi đã ăn nhưng chưa bao giờ đi hái. Vì măng mạy loi ngon nên nhiều người hái, thành ra phải đến những nơi như những khoảng rừng cheo leo, cao vút, rất khó trèo lên thì may ra mới còn măng. Hai chúng tôi gần như treo mình vượt lên những vách đá thẳng đứng mới lên tới được khoảng núi có măng mạy loi và nhiều những lá cây chua chát.
Ở đấy, cái Hoa phát hiện ra một cây nhãn rừng mọc chìa ra bên vách đá. Cây đã gần hết quả, chỉ còn sót lại mấy chùm chín vàng cuối một cành nhỏ la xuống lũng sâu hun hút. Hoa chỉ cho tôi, bảo, không có trai bản nào dám leo xuống hái nên nó mới còn sót lại. Tôi bảo, chỉ có cách trèo ngang lên cây chặt cành cho rơi xuống lũng, nhưng như thế thì quả cũng nát hết, mà lại mất đi vẻ đẹp của cây núi.
Cái Hoa thầm thì, tiếc nhỉ, tiếc nhỉ? Tôi nhìn vào mắt Hoa, quả quyết: “Mình hái nhãn rừng này cho Hoa nhé!”. Cái Hoa kêu lên khe khẽ: “Không đâu, không đâu! Nguy hiểm lắm”. Nó càng ngăn, tôi càng quyết tâm. Tôi phân tích cho nó yên tâm là cây nhãn mọc ở núi đá thì cành rất dai, không sợ gãy mà rơi người xuống vực sâu. Cái Hoa xanh mặt, hỏi, nhỡ trượt tay, trượt chân thì sao?
Tôi nghĩ ra cách bảo hiểm, lấy cây mạy loi non kết thành dây buộc ngang người nối vào gốc cây rồi leo xuống. Cái Hoa đã không ngăn được tôi. Tôi đu đưa người trên vách đá cao theo cành cây leo dần xuống. Tôi biết cái dây mạy loi chẳng có tác dụng gì nếu tôi trượt tay chân. Nhìn thoáng xuống lũng sâu hun hút, bụng tôi thóp lại, căng cứng… Để bớt sợ, tôi không nhìn xuống nữa mà đặt ánh mắt vào đôi tay bám chắc của mình, cứ thế từ từ, từ từ leo xuống…
Mang được mấy chùm nhãn chín vàng lên, tôi hơi khuỵu chân xuống đưa cho Hoa như một chiến binh quả cảm dâng lên nữ thần của mình tặng vật chiến thắng. Cái Hoa chưa hết sợ hãi, vẫn nhắm rịt mắt lại, mãi mới mở ra, run run đưa tay đỡ lấy tặng vật của tôi, rồi nâng lên ngang mặt, hít nhẹ mùi thơm tinh khiết. Nó nói khe khẽ: “Trời ơi, Phong dũng cảm thật! Không có một trai bản nào bằng”.
Từ đó, tôi có những chuyến đi rừng riêng với cái Hoa. Không nhiều, vì còn phải đi cùng bọn thằng Hơn, bọn bạn người Kinh ở cùng xóm. Phải đợi khi có thời cơ hợp lý mới lẻn đi với cái Hoa, để cho bọn này không thể biết được. Dù không còn sợ bị chế ghép đôi, nhưng mà cẩn thận và kín đáo thì vẫn hay hơn chứ!
Có lần, Hoa dẫn tôi đi hái măng sặt ngay gần nhà, rồi hái được mấy cái hoa chuối rừng đỏ thắm. Tôi bảo, hoa chuối này nấu với cá suối thì ngon lắm đấy. Nó bảo, đúng rồi.
Buổi trưa, nắng lên chan hòa, ve rừng kêu ra rả. Cái Hoa nắm tay kéo tôi đi xuống gần mó nước từ một chân vách đá cao vút, ngay đấy là một cánh đồng rộng trải dài. Từ mó, nước chảy ra hai đường, một theo con suối nhỏ ngoằn ngoèo men chân núi đi đến các bản, một lối chảy vào cái hồ sâu trong vắt, xung quanh um tùm các các cổ thụ, rồi chảy ngang qua cánh đồng, đổ nước ra suối lớn Nậm La.
Ngồi trên tảng đá dưới gốc cây cổ thụ bên hồ nước, nắng trưa làm bừng lên khuôn mặt hồng hào của cái Hoa, những lọn tóc bay bay qua ánh mắt nó lấp lánh. Nó bảo, mình xuống hồ cùng tắm đi. Tôi im lặng.
Cái Hoa lặng lẽ tiến ra bờ hồ nước. Hôm ấy nó mặc váy và áo cóm. Nó lội dần xuống nước, cởi váy kéo cao dần lên. Nó cởi áo cóm ném lên bờ, rồi trầm dần mình xuống nước, ngang ngực rồi, nó tung nốt váy lên bờ. Đây cũng là cách thức gái bản xuống tắm ở suối Nậm La khi chiều về, tôi đã từng kín đáo ngắm cảnh ấy từ xa xa. Bây giờ thì cái Hoa ở ngay gần trước mặt. Nước hồ trong vắt. Thân thể cái Hoa trắng ngần, nõn nà, bơi lượn trong làn nước kỳ ảo. Nó ngụp lặn rồi trồi lên gọi tôi, xuống đi, xuống đi… Tôi cười cười với nó nhưng rồi vẫn ngồi yên, ánh mắt lại đánh ra nơi xa xăm, như một nhà hiền triết...
Cái Hoa tiếp tục ngụp lặn. Một lúc sau, nó nổi lên ngay gần trước tôi, rồi nó đứng thẳng người reo lên: “Có cá này!”. Trong tay nó, một con cá nhỏ màu trắng bạc, quẫy lấp lánh. Cả người nó hiện rõ bừng sáng trước mắt tôi. Hai vồng ngực trần đầy đặn, tinh khiết. Rồi nó cười khanh khách, ném con cá lên bờ cho tôi và lặn xuống, tiếp tục mò bắt những con cá nhỏ trốn trong những hốc rêu đá. Mò được cá, nó lại bơi lại gần bờ, đứng thẳng người lên, ném cá cho tôi. Tôi nghĩ, cái Hoa cố tình đứng thế để cho tôi ngắm nó ngực trần. Tôi mải ngắm nó, không chú ý con cá bay qua đầu tôi rơi xuống đâu. Khi nó tiếp tục lặn xuống, tôi tìm mãi không thấy cho đến khi nó lại bắt được con khác, lại đứng thẳng người lên, ném cho tôi…
(Còn tiếp kỳ sau)