Aa

Ký ức về làng Phú La

Thứ Năm, 27/05/2021 - 07:00

Trên đường trở về, từ nghĩa trang làng qua chùa làng, thầy Thích Tâm Hiệp chỉ con sông nhỏ mềm mại uốn quanh làng, nói với tôi: “Làng Phú La của anh đẹp quá. Sông nước hiền hòa, vượng khí lắm".

Giáp Tết Tân Sửu, sau một đời tận tụy, thương khó, mẹ tôi khuất bóng. Đám tang của mẹ, dân làng dự rất đông, ai cũng có một chút kỷ niệm gắn với mẹ mà nhắc nhớ. Đến lúc chuẩn bị làm lễ đưa tiễn mẹ ra đồng, bỗng nhiên có một vị khách từ nơi xa tìm đến. Người ấy là nhà sư Thích Tâm Hiệp. Thầy người Quảng Trị, vốn trụ trì ở am Thụy Ứng trên mảnh đất bom lửa trước đây, nhưng bước chân thầy thì đã đi qua bao nhiêu vùng đất, trong nước, ngoài nước, với những chuyến điền dã dài ngày nhằm nghiên cứu, thu thập tư liệu, viết ra những cuốn sách khảo cứu về Phật giáo, về nguồn cội và tổ tiên người Việt. Thầy là một trong nhiều học trò của Đại Thiền sư, Tiến sỹ, Sử gia Lê Mạnh Thát. Mới đây, nhà sư Thích Tâm Hiệp đã cho xuất bản hai cuốn sách khảo cứu rất giá trị về Quốc tổ Hùng Vương và Quốc sư Minh Không.

Thầy Hiệp nắm tay tôi, nói: "Tôi đến để chia sẻ nỗi buồn là anh không còn mẹ, cũng giống như tôi". Khi nhập quan mẹ tôi, có nhà sư Thích Thanh Nhã trụ trì cụm chùa quanh vùng làng xã đã chủ trì cùng các bà, các cô trong hội các phật tử chùa làng Hưng Khánh làm lễ niệm kinh. Mẹ tôi cũng là một Phật tử với pháp danh Diệu Diệu Hiền.

Đến lúc chuyển linh, nhà sư Thích Tâm Hiệp lại thành người chủ trì cùng các phật tử niệm kinh cho mẹ tôi. Trước khi niệm kinh, thầy Hiệp thuyết giảng rất ngắn về thể xác con người khuất bóng nhưng linh hồn vẫn còn ở đây, về đời người sống gửi thác về lúc quy tiên... Giọng thầy ấm áp, truyền cảm. Bà con tụ lại yên lặng lắng nghe. Lòng chúng tôi cứ nhẹ nhõm dần đi... Sau đó thầy còn đi cùng dân làng tiễn ra tận huyệt mộ, bắt quyết, niệm kinh và làm nghi thức an táng cho mẹ tôi.

Trên đường trở về, từ nghĩa trang làng qua chùa làng, thầy Thích Tâm Hiệp chỉ con sông nhỏ mềm mại uốn quanh làng, nói với tôi: “Làng Phú La của anh đẹp quá. Sông nước hiền hòa, vượng khí lắm. Đất này, chắc đã có nhiều con cháu phát nghiệp đấy”. Tôi trả lời: “Có lẽ đúng, thầy ạ!”.

Tác giả và bạn bè trong một dịp về quê cuối năm 2000.

Các làng quê ở vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ đều có lịch sử hình thành từ lâu đời với nhiều câu chuyện huyền sử được lưu truyền qua các thế hệ. Làng tôi cũng vậy, đã được dựng nên cách đây khoảng hơn một ngàn năm. Ban đầu ở đây vốn một vùng đất trũng bao gồm những đầm hồ bỏ hoang, không có người trồng cấy... Thế rồi một buổi chiều, trong bóng hoàng hôn đang buông dần xuống, có bốn chàng trai trẻ cùng đi đến đây, cùng ngắm nhìn những hồ đầm, ngẫm nghĩ và gặp nhau.

Họ ở các làng xa xa quanh vùng đi tìm đất để lập nên nơi ở mới. Đó là bốn chàng trai họ Nguyễn, họ Vũ, họ Đinh và họ Trần. Họ cùng trạc tuổi, cùng mới có vợ và sinh con. Cả bốn chàng trai trẻ đã dành nhiều ngày xem xét vùng này theo nhiều cách khác nhau, thấy đất lành, cò vạc chao lên đáp xuống. Ở dưới đầm nhiều tôm cá. Đất bên trên thì mịn màng, màu mỡ...

Cùng đi xem từ nhiều hướng, đến chiều hôm ấy thì tình cờ sao đó mà bốn chàng trai gặp nhau. Hỏi thì biết là đều cùng ý nguyện, bốn chàng trai liền chụm tay vào nhau, hẹn sẽ chọn ngày lành tháng tốt cùng đến đây hợp sức vật đất dựng vườn, làm nhà để lập nên nơi ở mới. Lịch sử làng tôi đã bắt đầu như thế…

Ban đầu làng chưa có tên, sau người cứ tụ về, sầm uất dần. Có một nhà nho đi qua vùng này, thấy cảnh, thốt lên: “Đúng là đất phú la!”. Phú La nghĩa là vùng đất thấp mà giàu có. Cái tên làng Phú La bắt đầu được gọi tên lên như thế. Làng nổi tiếng với ba sản vật là cau, chè, chuối và các món ăn ngon do trai làng sửa soạn từ những nguyên liệu thông thường hàng ngày.

Chuối mít làng tôi ngon tuyệt, tôi ăn rồi, thì chả hào hứng được với loại chuối nào khác, kể cả chuối ngự tiến vua của làng Đại Hoàng bên kia sông Hồng. Làng là đất trũng nên nhiều khi khổ sở vì úng lụt, nên có câu: “Trăm cái tội không bằng lội Phú La”. Trước đây, làng có cái cổng làng với đôi câu đối cổ: “Đa văn vi Phú La thiên hạ/Tri ngộ như An Lạc tính tình”. Đôi câu đối ấy một mặt giới thiệu làng Phú La thuộc tổng An Lạc, phủ Tiên Hưng xưa, mà cũng kiêu ngầm khí chất hay chữ, hiểu biết, hòa đồng với thiên hạ. Giờ thì thật tiếc, cổng làng xưa với đôi câu đối không còn nữa.

Những điều tôi kể về làng nói trên là do nghe chuyện người làng rồi tổng hợp lại mà thành, chứ chưa được có dịp được đọc tư liệu cổ xưa nào nói đến. Thế rồi có một dịp được kiểm nghiệm. Cách đây hơn chục năm, có một đoàn cán bộ Đảng ủy và Ủy ban xã lên nhà tôi ở Hà Nội. Họ biết tôi viết văn, làm báo nên muốn tôi giúp cho việc bổ sung tư liệu, biên tập và in cuốn sách về lịch sử đảng bộ và nhân dân xã nhà. Nghe thế, tôi hào hứng lắm.

Cây bồ đề từ cội gốc ở Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ) do tác giả mang về trồng trước cửa chùa Hưng Khánh, làng Phú La.

Tôi hay về làng, nhưng thường chỉ một đôi ngày, ở lại làng Phú La mình thôi. Biết xã Đô Lương gồm hai làng Phú La và Tiến Trật gộp lại. Tiến Trật cách làng tôi một cánh đồng, khi ấy tôi chỉ nhìn từ xa, chứ chưa sang thăm.

Khi biên tập bản thảo, thì biết được câu chuyện bốn vị tiên công lập làng Phú La là có thật. Theo các bút tích tại miếu thờ “Tứ vị tiên công” nay còn hiện diện ở giữa làng, thì bốn vị tiên công ấy là các cụ Bạ Điền, Bạ Kháng, Bạ Giám và Đô Kỳ. Bốn cụ khi lập làng đã chọn bốn điểm gò cao để làm nhà, hiện giờ ở bốn gò cao ấy có bốn cái miếu nhỏ thờ riêng từng cụ với các tên gọi: Mả Rum, mả Ram, mả Bầu và mả Mái.

Làng Phú La, ngoài miếu thờ “Tứ vị tiên công” và bốn miếu thờ riêng, còn có Miếu Cả Phú La là một trong 72 miếu thờ Đức Đông Hải Đại Vương thượng đẳng thần Nguyễn Phục, một vị danh tướng có công chống giặc phương Bắc thời nhà Lê. Làng còn có đình làng, hai ngôi chùa Hưng Khánh, Liên Hoa và lầu ông Vang.

Làng Phú La hợp với làng Tiến Trật, cũng là đất văn vật với nhiều di tích lịch sử và văn hóa, hợp thành xã Đô Lương với diện tích chỉ hơn 400ha, được bao bọc bởi bốn con sông nhỏ hiền hòa là các con sông: Tà Sa, Đa Kỳ, An Lộng trên và An Lộng dưới.

Được góp công cùng các doanh nhân nổi tiếng xuất thân người làng biên tập và in ấn cuốn sách lịch sử ấy (2008), rồi 7 năm sau (2015), lại đưa một đoàn nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia về làng làm thêm cuốn sách “Đất và người Đô Lương” kịp in tặng các đại biểu và bà con trong dịp xã Đô Lương đón nhân danh hiệu Anh hùng LLVT do Nhà nước trao tặng, vì thế mà tôi có thêm nhiều hiểu biết về lịch sử, truyền thống, văn hóa và các danh nhân người làng mình.

Nhưng tôi cũng biết, những hiểu biết ấy còn đơn sơ lắm. Sẽ phải để tâm nhiều cho việc tìm hiểu, lần theo những tư liệu mà hiểu thêm cho sâu sắc, cho đầy đủ hơn về làng mình, đất mình, tổ tiên dòng họ nhà mình nữa…/.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top