Cẩn trọng ngôn hành

Chủ Nhật, 10/03/2019 - 06:00

Thật ra thì đạo làm quan xưa với nay cũng không khác nhau nhiều lắm. Xưa thì nói phụ mẫu chi dân, nay thì nói vì dân phục vụ. Chẳng qua là cái sự diễn ngôn nhưng thực chất cũng là một ý đó sao?

Ngày xưa quan được coi là “phụ mẫu chi dân”.

Dân mỗi khi có việc đến cửa quan là dập đầu kêu, đèn giời soi xét. Rất mực tin tưởng. Ấy là bởi thường những người được bổ chức quan xưa học hành đỗ đạt cẩn thận, đức cao vọng trọng, gia thế đàng hoàng, dân tình kính nể. Họ đã trải qua nhiều năm dùi mài kinh sử, thấu hiểu cả lẽ đời và lời thánh hiền. Mà thánh hiền đã dạy, người làm quan là phải giáo hóa dân chúng. Ngài bảo, lấy lời lẽ phải trái mà giáo hóa người. Lấy hành động của mình làm gương để mà ngăn cấm người. Vì vậy lời nói phải suy nghĩ trước sau mới xuất, hành động phải cẩn trọng mới làm.

Thật ra thì đạo làm quan xưa với nay cũng không khác nhau nhiều lắm. Xưa thì nói phụ mẫu chi dân, nay thì nói vì dân phục vụ. Chẳng qua là cái sự diễn ngôn nhưng thực chất cũng là một ý đó sao? Xưa thì thi hương thi hội thi đình rồi mới được phong quan, nay cũng học hết trường nọ lớp kia bằng cấp đầy mình rồi mới được bổ nhiệm. Tưởng như thế cũng là cẩn trọng lắm, lựa chọn kỹ càng lắm rồi. Ấy vậy mà dịp gần đây, nhiều người phát ngôn... chẳng giống quan! 

Gần nhất là ông thượng thư bộ giao thông nói, ai đánh mất bằng lái xe thì xin mời đến trung tâm của ông ta học, thi lại, rồi mới được cấp bằng khác! Cứ đà này, chẳng may mất bằng đại học thì đi học lại đại học còn đỡ. Nhỡ mất bằng tiểu học thì đi học lại bài hai con dê qua cầu à? Một ông bạn bia của tôi lại còn bảo, thế chẳng may con gián hôi rình trong khe nó mò vào nhấm cái giấy khai sinh của thằng cu con nhà tôi thì vợ chồng tôi phải sản xuất đứa khác à? Chợt nhớ cách đây không lâu, cũng chính ông này có sáng kiến đổi chữ “thu phí” thành “thu giá”, cũng làm cả nước hốt hoảng náo loạn một phen. May lúc ấy Quốc hội kịp "đổ nước xà phòng vào mũi" nên cái “sự nghiệp phá hoại tiếng Việt” của ông ta mới không thành.

Sau 3 tháng đổi tên sang trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, các dự án BOT giao thông lại dùng từ trạm thu phí BOT như cũ.

Sau 3 tháng đổi tên sang trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, các dự án BOT giao thông lại dùng từ trạm thu phí BOT như cũ.

Rỗi rãi ngồi nghe các quan nhà ta nói, đề xuất toàn những chuyện ngô nghê buồn cười. Người thế mà phụ mẫu chi dân kia đấy! Nhưng nghe trong nhân gian truyền nhau rằng thuật làm quan thời nay là, phàm điều gì không biết chắc kiên quyết không nói gì, ấy là cái sự khôn(!). Bởi thời buổi truyền thông nhanh như điện xẹt, cứ để cho nhân dân bán tín bán nghi là hơn! Nói vậy thôi, chứ thánh hiền xưa cũng đã dạy, biết thì nói là biết mà không biết thì nói là không biết. Còn dân gian xưa cũng đã lại có câu, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”! Bởi thực ra chẳng ai dám nói là mình khôn hết cả.

 Có câu đúc kết “lời nói là biểu hiện của tư duy”. Ấy là người ta cho rằng phải có trí tuệ, có hiểu biết như thế nào thì nó biểu hiện ra ngôn ngữ như tương đương! Thế thì khả năng tư duy trí tuệ của các quan có những ký ngôn xuất chúng kia ra làm sao nhỉ? Ra sao? Ai biết? Ai đó có biết không thì chả rõ, nhưng chắc quốc dân thì có câu trả lời ngay!

Thật ra thì nghề làm quan xưa - nghề hoạt động chính trị xã hội chuyên nghiệp nay đang dần trở thành một nghề phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng đúng nghĩa. Thế nhưng không vì thế mà tiêu chuẩn của một người “làm quan” bị hạ thấp rẻ rúng đi. Mà với trình độ dân trí của ta ngày càng cao lên thì việc chọn ra người “làm quan” cũng cần phải làm sao đó tìm được người có đức, có tài gánh vác việc chung. Rồi phải có cơ chế kiểm soát giám sát công việc của các “quan” cho đúng. Thấy ai có biểu hiện “ngáo” quyền lực, thu vén lợi ích cá nhân cần phải xử ngay chứ không đợi đến lúc các ông ấy gây chuyện thành đổ bể to, rồi lại dân với nước chịu cả! Cho nên ở các nước tiên tiến người ta coi trọng cái sự công khai. Ông nào phát ngôn, hành động sai chuẩn mực là bị cách ngay.

Còn ở ta lâu nay, cả lời nói lẫn hành động của các “quan” hình như bị coi nhẹ, chả ai nhắc nhở kỷ luật gì. Dẫn đến ngày càng có nhiều hành động, phát ngôn thậm chí được chăng hay chớ, vô trách nhiệm, thiếu kiểm soát, gây hại. Không xứng đáng với vị trí xã hội mà họ đang ngồi. Bởi ở vị trí trên trông xuống, khách quan trông vào, nhân dân soi xét thì người nào ở đó đều phải cẩn trọng ngôn hành!