Chứng khoán biến động hẹp trong phiên đầu tuần, tâm điểm là cổ phiếu phân bón

Thứ Ba, 23/06/2020 - 06:00

Các cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh và đẩy các chỉ số thị trường rơi vào trạng thái giằng co biến động trong biên độ hẹp.

Thị trường chứng khoán khởi động phiên giao dịch đầu tuần với diễn biến khá tích cực. Ngay từ đầu phiên, nhiều cổ phiếu trụ cột đã được kéo lên trên mốc tham chiếu và giúp các chỉ số duy trì tốt đà tăng điểm. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số nhanh chóng bị thu hẹp lại khi lực bán tăng dần, trong đó, HNX-Index chốt phiên trong sắc đỏ.

Diễn biến chủ đạo trong phần lớn thời gian của phiên giao địch đó là tích lũy trong biên độ hẹp với sự phân hóa rõ nét ở các nhóm cổ phiếu. Tại nhóm vốn hóa lớn, các cổ phiếu như VHM, CTD, MSN, HSG, MWG, TCB… đồng loạt tăng giá và góp phần duy trì sắc xanh của chỉ số đại diện thị trường là VN-Index. Trong đó, VHM tăng đến 2,4% lên 78.300 đồng/cp và khớp lệnh gần 2,8 triệu cổ phiếu. Riêng VHM đã đóng góp cho VN-Index hơn 1,7 điểm (gần 0,2%). Bên cạnh đó, MSN tăng 2,3% lên 58.300 đồng/cp, MWG tăng 1,7% lên 85.900 đồng/cp.

CTD tăng trần lên 67.800 đồng/cp. HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) chấp thuận đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022 của ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quyết Thắng từ ngày 20/6 và 21/6. HĐQT cũng bổ nhiệm 2 thành viên mới là ông Bolat Duisenov và ông Herwig Guido H.Van Hove. Ông Bolat Duisenov quốc tịch Kazakhstan, là người sáng lập đồng thời làm Tổng giám đốc của Kusto Việt Nam. Còn ông Herwig Guido H.Van Hove quốc tịch Bỉ, là Tổng giám đốc của The8th. Nội dung bầu bổ sung 2 thành viên mới sẽ được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào ngày 30/6 tới đây.

Ở chiều ngược lại, áp lực đến từ các cổ phiếu như VIC, BID, VJC, HVN hay VRE. Trong đó, VIC giảm 0,4% xuống 96.900 đồng/cp, BID giảm 0,4% xuống 41.300 đồng/cp, VRE giảm 0,7% xuống 27.600 đồng/cp.

Các cổ phiếu có mức ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 22/6. Nguồn: Fialda.

Tâm điểm của thị trường trong phiên 22/6 là nhóm cổ phiếu ngành phân bón. Các mã như DPM, DCM hay VAF đều được kéo lên mức giá trần bất chấp sự ảm đảm của thị trường chung. BFC tăng 6,3% lên 13.450 đồng/cp, SFG tăng 5,3% lên 6.000 đồng/cp.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra rõ nét hơn. Các cổ phiếu như HU6, ITA, SCR hay PDR đều được kéo lên mức giá trần. Trong đó, ITA khớp lệnh lên đến 20,2 triệu cổ phiếu, SCR cũng khớp lệnh được 7,2 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, CRE cũng tăng đến 4,9%, HAR tăng 3,2%, LDG tăng 2,5%.

Ở chiều ngược lại, BII, D11, HQC hay CLG bị kéo xuống mức giá sàn. Trường hợp đáng kể nhất là HQC, cổ phiếu này tưởng chừng như sẽ tiếp tục đi lên sau khi tăng trần ở phiên cuối tuần trước nhưng diễn biến phiên 22/6 lại đi ngược lại. HQC bị bán về mức giá sàn với khối lượng khớp lệnh đạt đến 30,4 triệu cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,72 điểm (0,31%) lên 871,28 điểm. Toàn sàn có 205 mã tăng, 172 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,55%) xuống 114,72 điểm. Toàn sàn có 82 mã tăng, 80 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (0,6%) lên 56,68 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 5.930 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch là 411 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.065 tỷ đồng. Trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường có đến 5 cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản là HQC, ITA, FLC, LDG và DLG.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 22/6. Nguồn:Fialda.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 28 tỷ đồng, giảm đáng kể so với phiên cuối tuần trước, trong đó riêng trên HoSE, khối ngoại bán ròng 23 tỷ đồng. PDR và NLG là 2 cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với lần lượt 12,6 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM và VIC đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với lần lượt 51 tỷ đồng và 29 tỷ đồng. Các mã NVL, ITA và KDH đều nằm trong danh sách 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên HoSE.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index sẽ mở ra một nhịp tăng mới của sóng 5 nếu như bứt phá qua được ngưỡng 870 điểm (MA20) với thanh khoản tốt. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 7 phân kỳ so với chỉ số cơ sở VN30 khi giảm trong phiên hôm nay, qua đó nới rộng mức basis âm lên thành 12,07 điểm, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ giảm trong thời gian tới. SHS cho rằng, thị trường có thể diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới nhưng có thể sẽ cần thêm thời gian để tích lũy.

SHS dự báo trong phiên giao dịch hôm nay 23/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%). Nhà đầu tư nên đứng ngoài và quan sát thị trường trong giai đoạn hiện tại và có thể tăng tỷ trọng khi vượt ngưỡng 870 điểm (MA20) cũng như giảm tỷ trọng nếu thị trường thủng ngưỡng 840 điểm (fibonacci retracement 50%).

Tại thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,18% và 0,68%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite giảm 0,08% trong khi Shenzhen Composite tăng 0,29%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,54%. ASX 200 của Australia tăng 0,03%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore và SET 50 của Thái Lan giảm lần lượt 0,2% và 1,36%, Jakarta Composite giảm 0,47% và KLCI của Malaysia tăng 0,26%.