Aa

Thị trường chứng khoán biến động mạnh trong tuần qua, HNX-Index giảm sâu

Chủ Nhật, 21/06/2020 - 16:41

Thị trường chứng khoán biến động mạnh trong tuần từ 15-19/6. VN-Index có phiên giảm rất mạnh đầu tuần nhưng lại hồi phục nhanh sau đó. Cổ phiếu họ "Vin" gồm VIC, VHM và VRE có đóng góp quan trọng giúp VN-Index hồi phục tốt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong tuần từ 15-19/6. Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường đã vấp phải áp lực chốt lời mạnh của nhà đầu tư, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã xảy ra tình trạng bán tháo và giảm sàn hàng loạt. 

Phiên 15/6, VN-Index giảm mạnh nhất kể từ đáy tháng 3/2020. Điểm đáng chú ý trong phiên này không chỉ là mức giảm lên đến 3,6% của VN-Index mà còn bởi đây là phiên giao dịch tỷ đô với giá trị giao dịch trên 3 sàn là gần 23.900 tỷ đồng. VHM trong phiên này đã thỏa thuận 201 triệu cổ phiếu ở mức giá 75.000 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch gần 15.100 tỷ đồng và toàn bộ giao dịch này được khối ngoại mua ròng.

Tưởng chừng như sự bán tháo trong phiên 15/6 sẽ tác động xấu đến tâm lý của nhà đầu tư và kích hoạt đà bán ở các phiên sau, tuy nhiên, diễn biến trong phiên 16/6 lại trái ngược hoàn toàn. Thị trường bất ngờ hồi phục mạnh trở lại và VN-Index lấy lại được đáng kể số điểm đã mất đi ở phiên trước đó.

Diễn biến trong phiên 17 và 18/6 không có nhiều điểm đáng chú ý, thị trường giao dịch khá nhàm chán. Tuy nhiên trong phiên cuối tuần 19/6, biến động mạnh đã xảy ra khi đây là thời điểm cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF V.N.M và FTSE. VIC được kéo lên mức giá trần với lực mua rất mạnh trong phiên ATC.

Tính chung cả tuần, VN-Index vẫn tăng 0,58% lên 868,56 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm đến 1,33% xuống còn 115,36 điểm. Việc HNX-Index diễn biến không tốt là do áp lực đến từ cổ phiếu SHB. Trong tuần, SHB có những phiên giảm sâu và chốt tuần ở mức 14.700 đồng/cp, tương ứng giảm 8,13% so với tuần trước đó.

Đa phần các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường đều biến động trong biên độ hẹp ở tuần giao dịch vừa qua. Nhóm cổ phiếu họ “Vin” là nổi trội nhất về mức tăng giá. VIC tăng 6% từ 91.800 đồng/cp lên thành 97.300 đồng/cp, VRE tăng 7,34% từ 25.900 đồng/cp lên thành 27.800 đồng/cp, VHM có mức tăng khiêm tốn nhất nhóm này với 2%.

Các cổ phiếu như VEA, GVR, HPG, BVH hay PLX đều có được mức tăng tốt và góp phần giảm áp lực trên thị trường.

Ở chiều ngược lại, bên cạnh SHB, cổ phiếu SAB, TCB, VJC hay GAS đã gây ra áp lực tương đối lớn lên các chỉ số. SAB giảm 3,31% từ 172.000 đồng/cp xuống 166.300 đồng/cp, TCB giảm 3,07% từ 21.150 đồng/cp xuống 20.500 đồng/cp.

Biến động của 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tuần từ 15-19/6.

Thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với gần 9.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 7% lên 41.774 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 25,6% xuống 2.161 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 37,9% xuống 2.882 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 31,3% xuống 328 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 2 liên tiếp với gần 14.725 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 422 tỷ đồng của tuần trước. Trong đó, khối ngoại chủ yếu mua ròng ở sàn HoSE với giá trị 14.950 tỷ đồng. Việc khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh như trên là nhờ giao dịch thỏa thuận ở cổ phiếu VHM trong phiên 15/6. Tính chung cả tuần, VHM được khối ngoại mua ròng 15.269 tỷ đồng. VRE, NVL và DXG là các cổ phiếu bất động sản khác cũng được khối ngoại mua ròng mạnh. VRE được mua ròng 84 tỷ đồng. NVL và DXG được mua ròng lần lượt 55,4 tỷ đồng và 19 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC, HDG và PDR là các cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh. VIC bị bán ròng 110 tỷ đồng, HDG là 52 tỷ đồng, PDR là 48,7 tỷ đồng do bị loại khỏi danh mục của quỹ FTSE ETF.

Các cổ phiếu sàn HoSE có giá trị mua (bán) ròng lớn nhất của khối ngoại tuần 15-19/6.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 duy trì mức basis âm 9,68 điểm so với chỉ số cơ sở VN30. Theo chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), điều này cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư đối với xu thế hiện tại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top